Thành lập tại Hà Nội ngày 3/11/1983, Phân viện tiếng Nga A.X. Puskin Hà Nội, nay là Phân viện Puskin, hiện nay là Phân viện duy nhất còn lại trong số 10 phân viện trên thế giới, tiếp tục hoạt động "Tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga ở Việt Nam".
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin cho biết, Phân viện Puskin là một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga (Việt Nam – Liên Xô trước đây).
Trải qua hơn 40 năm hoạt động, Phân viện Puskin đã hỗ trợ các cơ sở giáo dục Việt Nam trong dạy và học tiếng Nga, góp phần củng cố tình bạn hữu nghị và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, công tác ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia như thế nào, thưa bà?
Giám đốc Phân viện Puskin Nguyễn Thị Thu Đạt: Phân viện Puskin tiền thân là Phân viện tiếng Nga A.X.Puskin Hà Nội. Chúng tôi vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập vào tháng 11/2023. Chúng tôi nghĩ đó là một chặng đường lịch sử đáng kể của một Phân viện với số cán bộ khiêm tốn như vậy.
Những năm đầu tiên khi Phân viện mới thành lập, có cả chuyên gia Liên Xô cùng làm việc với các chuyên gia Việt Nam.
Phân viện Puskin đã hoạt động rất hiệu quả, là địa chỉ cung cấp các loại giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành, hỗ trợ về mặt phương pháp giảng dạy cho tất cả các đơn vị, cơ sở giáo dục có giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phân viện Puskin hiện nay là đơn vị duy nhất trên thế giới vẫn hoạt động, thực hiện sứ mệnh "Tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga ở Việt Nam" . Điều này thể hiện thiện chí của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với việc duy trì quảng bá văn hoá – ngôn ngữ Nga ở Việt Nam thời hậu Xô-Viết.
Suốt 40 năm qua, cán bộ nhân viên Phân viện Puskin cùng các giảng viên, giáo viên tiếng Nga của Việt Nam rất tâm huyết với việc giảng dạy ngôn ngữ - văn học Nga, truyền lửa, truyền tình yêu tiếng Nga văn hóa Nga cho các thế hệ; thúc đẩy phát triển dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam.
Hiện nay Phân viện Puskin cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam phối hợp với phía Nga để tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ tiếng Nga quốc tế cho người Việt Nam, phục vụ các mục đích khác nhau như đi học, đi lao động, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, làm việc ở LB Nga hoặc các công ty liên doanh Việt-Nga.
Tiếng Nga hiện nay không còn chiếm vị trí số 1 trong số các ngoại ngữ được người Việt Nam chọn học. Tuy nhiên, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Liên Bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Trong đó, ngôn ngữ, văn hóa chính là cầu nối để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Từ năm 2023-2024, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học của Liên bang Nga đã cử chuyên gia Nga sang Phân viện Puskin trực tiếp làm việc và giảng dạy, công việc này hiện nay được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt: Sau chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga Konstantin Moghilevxki sang Phân viện Puskin, thực hiện Biên bản khoá họp lần thứ 24 của Uỷ ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật, từ đầu năm học 2023-2024 phía Nga đã cử chuyên gia Nga sang Phân viện Puskin làm việc, trực tiếp giảng dạy tiếng Nga.
Với sự tham gia của chuyên gia Nga, Phân viện đã mở rộng được thêm nhiều hoạt động mà trước đó chưa làm được, hoặc phải nhờ chuyên gia Nga của các trường đại học Nga hỗ trợ.
Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được triển khai sau khi chuyên gia Nga sang hỗ trợ như: Tổ chức Olympic quốc tế tiếng Nga dành cho học sinh các trường THPT chuyên ở Việt Nam; tổ chức các khoá tiếng Nga giao tiếp; tổ chức câu lạc bộ Nói tiếng Nga; tổ chức những khoá nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Nga của Việt Nam... Đơn cử như, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và từ tháng 5/2024 đang triển khai Khóa nâng cao trình độ tại Phân viện Puskin dành cho giáo viên và giảng viên tiếng Nga của Việt Nam, học trực tiếp hàng tuần ở Phân viện, trong khoảng 3 đến 4 tháng. Đã nhiều năm nay chúng tôi chưa thể tổ chức một Khoá học dài như vậy vì thiếu vắng chuyên gia Nga làm việc thường xuyên.
Cách đây một tuần, chúng tôi triển khai khóa dạy tiếng Nga cho người lao động Việt Nam để sang Nga làm việc. Người lao động phải nắm kiến thức tiếng Nga, lịch sử, đất nước học Nga, kiến thức cơ bản về pháp luật LB Nga thì mới được phép lao động ở LB Nga. Các chuyên gia Nga cũng tích cực cùng chúng tôi xây dựng chương trình và tham gia giảng dạy.
Tháng 5/2024, nhân dịp kỷ niệm 225 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nga A.X. Puskin, chúng tôi đã cùng phối hợp với Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.X. Puskin tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng, thu hút đến hơn 400 học sinh sinh viên đến từ 14 nước trên thế giới tham gia.
Chúng tôi kỳ vọng rằng nếu thường xuyên có chuyên gia Nga làm việc , Phân viện Puskin có thể tổ chức được những hoạt động thiết thực hơn nữa, như các khoá tiếng Nga để bồi dưỡng tiếng Nga, trang bị "Hành trang du học" cho các du học sinh của Việt Nam trước khi sang Nga học tập.
Bà có thể cho biết thêm về những hỗ trợ của Liên Bang Nga đối với Phân viện Puskin trong thời gian hiện nay và sắp tới cũng như sự hợp tác giữa hai bên trong quảng bá văn hoá – ngôn ngữ Nga ở Việt Nam, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt: Mỗi năm, phía Nga giành tặng 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Nga theo học. Còn đối với hoạt động tiếng Nga của Phân viện hiện nay, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga, Quỹ "Thế giới Nga", nhiều trường đại học của Nga, đặc biệt là Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.X. Puskin, đều hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ, tài trợ. Trong năm 2023 Bộ KH và GDĐH đã cung cấp giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành… cho Phân viện, tổ chức kỳ thi Olympic quốc tế tiếng Nga cho học sinh, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về giảng dạy và truyền bá tiếng Nga (cả trực tiếp và trực tuyến) để các đơn vị giáo dục của Nga, Việt Nam, các nước Đông Nam Á và các nước khác tham gia. Hy vọng, những hỗ trợ này sẽ trở thành thường xuyên và liên tục.
Về phía Phân viện, chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Hội Hữu nghị Việt-Nga và Hội hữu nghị Nga-Việt để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiếng Nga đến với đông đảo các đối tượng.
Các hoạt động được ngày càng nhiều học sinh, sinh viên, trẻ em, người lớn hưởng ứng. Như Festival Văn hoá "Đa sắc màu Việt – Nga", từ lần đầu chúng tôi tổ chức năm 2012 với 150 người tham dự, đến năm 2022 đã thu hút hơn 1.200 người từ hơn 20 đơn vị giáo dục trên cả nước. Đây không chỉ là cơ hội để những học sinh, sinh viên biết đến văn hoá Nga, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hoá Việt với các bạn Nga và bạn bè quốc tế.
Hay Cuộc thi tìm kiếm tài năng mang tên Puskin. Năm nay chúng tôi mở rộng các hạng mục thi như: Đọc thơ, đóng kịch, vẽ tranh (minh học những tác phẩm, truyện cổ tích của Puskin), thiết kế trang phục thời Puskin và các trang phục trong những tác phẩm của Puskin sáng tác)… đã thu hút được hơn 400 học sinh, sinh viên của 14 nước tham dự.
Chúng tôi cũng đã nhiều năm đưa các học sinh Việt Nam sang Nga tham gia các khoá học tiếng Nga ngắn ngày, trại thiếu nhi quốc tế ARTEK, hay đến các trường Đại học của Nga, để tìm hiểu thêm về nền giáo dục của Nga, để có cơ hội cọ sát, giao tiếp với người bản ngữ, giao lưu với tất cả các bạn bè trên thế giới.
Đã gắn bó với nước Nga, ngôn ngữ và văn hóa Nga từ nhỏ, nước Nga trong bà là những ký ức, kỷ niệm và tình cảm như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt: Khi học lớp 5, tôi đã lựa chọn tiếng Nga để học. Rồi tôi vào Đại học, học chuyên ngành "Tiếng Nga". Ra trường, tôi làm giáo viên tiếng Nga. Sau khi bảo vệ Nghiên cứu sinh ở Nga, tôi thi tuyển vào Phân viện Puskin để làm việc, góp phần vào tuyên truyền, quảng bá tiếng Nga.
Ngọc Liên
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/noi-lan-toa-tinh-yeu-voi-ngon-ngu-va-van-hoa-nga-a170822.html