Bài 1: Làng nghề độc đáo ở "đất trăm nghề"

(PNTĐ) - Những sản phẩm thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi là những nét văn hóa độc đáo, một mảng màu văn hóa sinh động của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Đây là thế mạnh và cũng là vấn đề cần đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương trong việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống để góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Từ ngàn xưa, Thủ đô Hà Nội là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” và cũng là “đất trăm nghề” với những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Sự tồn tại của các làng nghề không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Công nghiệp văn hóa nhìn từ những làng nghề truyền thống - ảnh 1
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm tinh xảo.

Độc đáo nghề nặn tò he

Được công nhận là làng nghề làm tò he duy nhất tại Việt Nam từ hàng trăm năm nay, người dân ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) luôn tự hào  và gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian độc đáo của làng nghề truyền thống.

Theo người dân trong làng, nghề làm tò he tuy không mang về thu nhập cao nhưng vẫn được người dân nâng niu và gìn giữ. Vừa thoăn thoắt đôi tay, nghệ nhân Đặng Văn Huynh, làng Xuân La, xã Phượng Dực vừa chia sẻ về nghệ thuật “nặn bột”. Là con trong gia đình có truyền thống làm tò he từ hàng trăm năm nay, hàng ngày, anh và vợ làm nguyên liệu, nặn tò he để đáp ứng đơn hàng của khách.  Anh cho hay, để trở thành nghệ nhân làm tò he, anh phải học tất cả các công đoạn từ pha nguyên liệu bằng bột nếp đến cách tạo màu sắc. Ngày nay nghề làm tò he càng đòi hỏi có sự sáng tạo hơn với rất nhiều hình dáng các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh mà các em bé yêu cầu. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo kết hợp với một lượng nhất định bột nếp, tạo độ dẻo cho sản phẩm. Bằng cách này, người làm tò he tạo nên những sản phẩm đầy màu sắc với các hình thù sinh động, đẹp mắt.  “Gia đình tôi vẫn luôn dùng các màu tự nhiên, hầu hết được chế biến từ các loại lá cây hay rau củ ăn được. Ví dụ như màu đỏ có thể được lấy từ quả gấc, màu vàng chiết từ củ nghệ, còn lá tràm, lá riềng sẽ tạo ra màu xanh... để sản phẩm làm ra vừa thân thiện vừa an toàn với trẻ em” - nghệ nhân Đặng Văn Huynh chia sẻ. 

Tò he, một loại đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam, đã trở thành một biểu tượng văn hóa ở các vùng quê, đặc biệt là ở Bắc Bộ. Làng nghề tò he nổi tiếng ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, đã tồn tại gần 300 năm với khoảng 400 hộ làm nghề, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động. Mặc dù có những khoảng thời gian tò he dường như bị lãng quên, những nghệ nhân gặp khó khăn trong việc duy trì nghề theo truyền thống, nhưng giá trị văn hóa của tò he vẫn được giữ nguyên trong lòng người Việt. Phương thức cha truyền con nối không chỉ giữ cho nghề nặn tò he tồn tại mà còn làm cho nó trở thành một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam, luôn thu hút sự quan tâm và yêu thích của cả người dân và du khách.
“Xứ mây” của đất kinh kỳ
Chẳng ngoa khi gọi làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là “xứ mây” bởi làng nghề này là xứ sở của mây tre. Những người làm nghề nơi đây luôn chăm chút và làm ra sản phẩm bằng trái tim yêu nghề. Mỗi sản phẩm nơi đây, từ cái nơm, cái vó, hay bức tranh, túi xách… làm từ mây tre đều kết tinh sức sáng tạo. Sự bền bỉ bám nghề và sáng tạo không ngừng ấy đã giúp nhiều thế hệ người làng trụ được với nghề truyền thống.

Theo các cao niên trong làng kể, nghề mây tre đan có ở nơi đây từ những năm 1700. Làng Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo với hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như khay, đĩa, rổ, rá..., người làm nghề còn sáng tạo và phát triển sâu những sản phẩm nội thất, đồ trang trí như bàn ghế, bình hoa, chao đèn... Bên cạnh việc làm nghề, mỗi nghệ nhân trong làng bằng những cách khác nhau luôn cố gắng lưu giữ và truyền đi niềm đam mê đan lát với mong muốn để Phú Vinh sống mãi sức sống của làng nghề. Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, xã Phú Nghĩa chia sẻ: “Là con út trong gia đình, tôi thấm nhuần những kỹ thuật đan lát tinh tế từ bố mẹ và cải tiến để có những sản phẩm độc đáo và sáng tạo. Một trong những sản phẩm mang dấu ấn nghệ thuật đan lát của tôi là chiếc bàn trà hình elip được đan theo kiểu mắt cáo hình lục giác truyền thống, nhưng đã được sáng tạo thêm để tạo ấn tượng thị giác 3D độc đáo. Sản phẩm của gia đình đã nhận được sự công nhận quốc tế, được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Hoa Kỳ và đặc biệt là thị trường Trung Quốc”.

Với hơn 400 năm hình thành và phát triển, Phú Vinh là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời nhất ở đất trăm nghề Hà Nội. Qua sự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân tài hoa “xứ mây” Phú Vinh đã thổi hơi thở của thời đại mới vào những sản phẩm tưởng chừng xưa cũ và quen thuộc, giúp mây tre đan Phú Vinh tiếp tục khẳng định vị trí và giá trị văn hóa riêng có của mình. 
Nón lá giữ hồn Việt 
Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông…”. Câu ca là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi. Đó là nghề làm nón lá ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội). 

Giữa lòng Hà Nội, làng nón Chuông hiện lên với nét đẹp hoài cổ của một ngôi làng có từ ngàn đời, là nơi để ta tìm lại những giá trị văn hóa của dân tộc. Theo lời kể của những người cao tuổi trong làng, làng Chuông bắt đầu sản xuất nón từ khoảng thế kỷ thứ VIII. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. 

Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá già ghép sống. Chiếc nón lá là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam và sự quyến rũ mộc mạc của nông thôn, thể hiện sự duyên dáng, sự kiên cường và sự tận tụy không dao động của những người phụ nữ. Ngoài tính thực tế trong việc che chắn ánh nắng mặt trời và mưa, chiếc nón lá còn toát lên một vẻ thanh lịch bẩm sinh, làm nổi bật vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt.

Trải qua những biến động của lịch sử, làng nón Chuông ngày một phát triển, không chỉ là cái nôi hàng đầu trong việc sản xuất và phân phối nón lá, mà nơi đây còn trở thành địa chỉ hấp dẫn cho những du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Những chiếc nón lá làng Chuông không chỉ là vật dụng sử dụng trong đời thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật. Những chiếc nón lá thanh mảnh này cũng được sử dụng như quà tặng ngoại giao của Việt Nam và được trưng bày tại nhiều lễ hội khác nhau. Thương hiệu nón lá Chuông đã nhận được sự công nhận từ chính quyền thành phố Hà Nội, và những nghệ nhân của làng đã thu hút sự chú ý từ nhiều tổ chức khác nhau. Họ đã được mời tham gia trình diễn công việc tại một số quốc gia nước ngoài và các lễ hội lớn, đặc biệt là tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động này đã góp phần vào việc quảng bá nón lá làng Chuông, giá trị văn hóa Thủ đô nói chung.  

Những làng nghề trên đây là chỉ là một trong số hàng nghìn làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Làng nghề truyền thống ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội đã có hàng nghìn năm, gắn chặt và chuyển tải cả một chuỗi dài lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô. Các làng nghề và sản phẩm tinh hoa của làng nghề Hà Nội, mỗi sản phẩm có một nét đặc sắc, hương vị riêng, đó là những giá trị văn hóa đặc trưng riêng có của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Mang bản sắc đậm đà văn hóa truyền thống của dân tộc, làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội chính là sự kết tinh của thời đại và chứa đựng tài hoa và trí tuệ, sức sáng tạo của những người thợ thủ công - lực lượng chủ đạo để bảo tồn và phát triển nghề.

(Còn tiếp)

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-1-lang-nghe-doc-dao-o-dat-tram-nghe-a170949.html