Báo chí cần là đại diện cho tiếng nói của phụ nữ
Luba Kassova, tác giả của một báo cáo xem xét tính đại diện của phụ nữ trong các phòng tin tức ở Ấn Độ, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, phỏng vấn sâu với hơn 40 biên tập viên cấp cao ở 6 quốc gia đã tiết lộ, phụ nữ vẫn ở bên lề trong việc ra quyết định biên tập trong các lĩnh vực tin tức nổi bật nhất. Trong các chuyên ngành báo chí quan trọng như kinh doanh, chính trị và đối ngoại, phụ nữ chỉ nắm giữ khoảng 1/6 vai trò biên tập ở các quốc gia được nghiên cứu. Cũng theo báo cáo, các nhà lãnh đạo tin tức nữ có thể bị gạt ra ngoài lề xã hội ở các quốc gia đa chủng tộc như Nam Phi, Anh và Mỹ. Báo cáo cho biết đây là một “điểm mù” của ngành tin tức.
Nói về thực trạng phụ nữ trong ngành báo chí, bà Julie Pace, Phó Chủ tịch - Biên tập viên điều hành hãng thông tấn AP cho rằng, sự "thiếu vắng" phụ nữ trong các tin tức càng làm gia tăng khoảng cách giới, hạn chế những tiềm năng to lớn của phụ nữ do họ không được tiếp xúc với những hình mẫu quyền lực hay có cơ hội được kết nối, chia sẻ. Bà đặc biệt nhấn mạnh: "Việc hạn chế phụ nữ trong các xuất bản phẩm hay nhân sự ngành báo chí sẽ khiến các cơ quan thông tấn bỏ lỡ những góc nhìn quan trọng để tạo nên các câu chuyện nổi bật và tăng lượng khán giả của họ".
Đồng quan điểm, bà Juliana Iootty, Trưởng khu vực Châu Á, Nhóm Dịch vụ Thế giới của BBC cho biết, phụ nữ thường là trung tâm của việc ra quyết định ở mọi cấp độ xã hội, từ chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học, nhà giáo dục cho đến tại các hộ gia đình. Do đó: “Là tiếng nói đại diện cho phụ nữ chính là mục đích của báo chí”, bà Juliana Iootty nói.
Gia tăng các hãng tin do phụ nữ lãnh đạo
Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức nhưng ngày nay, xu hướng cơ quan truyền thông độc lập do phụ nữ lãnh đạo hoặc ủng hộ nữ quyền đang bùng nổ và phát triển nhanh chóng. Các tạp chí trực tuyến như: AzMina của Brazil, HerStory của Uganda, BONews Service của Nigeria và Boju Bajai của Nepal là ví dụ. Dù được xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau nhưng chúng đều là một phần của phong trào ủng hộ nữ quyền trong ngành báo chí.
Giám đốc phụ trách của AzMina, cô Carolina Oms từng là phóng viên của Valor Econômico, một trong những tờ báo về kinh tế lớn nhất Brazil. Cô cho biết, AzMina tự hào là phương tiện truyền thông ủng hộ nữ quyền đầu tiên ở Brazil. "Chúng tôi lên tiếng về nạn giết hại phụ nữ, ủng hộ quyền phá thai… đồng thời, mong muốn truyền tải tới khán giả những thông điệp mà phụ nữ muốn về sự phát triển ổn định", bà nói.
Nền tảng HerStory ở Uganda, ra đời vào tháng 1/2022, tập trung vào chủ đề nữ quyền, góp tiếng nói xóa bỏ những định kiến giới thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống ở nước này. Trong khi đó, hãng tin Boju Bajai ở Nepal bắt đầu hoạt động vào năm 2016 dưới dạng Podcast. Người đồng sáng lập Bhrikuti Rai là nhà báo trong hơn 10 năm cho các tờ: Nepali Times, The Kathmandu Post và Los Angeles Times.
Ngoài ra, United for News, một liên minh gồm các hãng thông tấn, công ty truyền thông nổi tiếng như Bloomberg, Edelman, BBC và Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới, được tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Internews lãnh đạo phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho ra mắt "Reflect Reality" - cuốn sổ tay kỹ thuật số nhằm giúp các hãng tin tức tăng cường đưa những câu chuyện, tiếng nói của phụ nữ vào các bài báo của họ. Lisa Kimmel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Canada và Châu Mỹ Latinh của Edelman, cho biết: “Các công ty phải thúc đẩy môi trường làm việc thành nơi phụ nữ được trao quyền để trở thành trung tâm cho các tác phẩm báo chí”.
Việc tăng cường sự hiện diện phụ nữ trong ngành báo chí không chỉ giúp kéo giảm bất bình đẳng giới mà còn làm gia tăng tính khách quan của các thông tin được cung cấp, cũng như làm mềm mại những tin tức khô cứng, từ đó thu hút thêm nhiều độc giả đến với những tin tức chính thống.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-cuong-tieng-noi-cua-phu-nu-trong-nganh-bao-chi-a171208.html