Một trong những mục tiêu của Chương trình là xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW đạt hiệu quả cao nhất; qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống Nhân dân.
5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chương trình đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: 1- Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 2- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 3- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm; 4- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia; 5- Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và Nhân dân; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.
Đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương
Đối với mỗi nhiệm vụ, giải pháp, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (thời hạn trước năm 2025); nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng thu, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách. Nghiên cứu, đổi mới việc phân bổ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.
Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi địa bàn, lĩnh vực được giao chủ trì thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công, trong đó:
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, tập trung vào việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024; hoàn thiện dự án Luật Địa chất và khoáng sản để trình Quốc hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, có liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư. Nghiên cứu phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước 3-5 năm theo hình thức cuốn chiếu theo thông lệ quốc tế khi sửa đổi Luật Đầu tư công...
Phương Nhi
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuong-trinh-hanh-dong-cua-chinh-phu-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-a171324.html