Nhà tôi là nhà thờ sáu đời, có lẽ, nếu ai đó sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như tôi cũng sẽ hiểu được điều mà tôi muốn nói. Mỗi năm, nhà tôi có tầm năm đến sáu cái giỗ. Đương nhiên, một giỗ chính và những cái giỗ phụ, nhỏ hơn, nhưng phải có. Đó là điều bình thường của cuộc sống.
Nhưng một người sống trong căn nhà thờ, không chỉ là chuyện mỗi năm mấy cái giỗ, mà còn việc mỗi sáng mỗi tối phải hương khói cho Ông Bà. Rằm và mùng Một, phải hoa quả đầy đủ. Nếu là gia đình phật tử, thực hành tín ngưỡng tôn giáo một cách sát sao, thì còn tụng kinh niệm Phật nữa.
Chia sẻ điều này với cộng đồng, không phải tôi muốn “than vãn” về hoàn cảnh của mình, mà điều tôi muốn nói: Văn hóa là yếu tố tác động không nhỏ đến chọn lựa cá nhân, hạnh phúc cá nhân, của mỗi người.
Người ta vẫn thường bảo, rằng không ai chọn được nơi mình sinh ra. Câu nói đó, thông thường ta hay nhìn nhận theo góc độ giàu nghèo, hay là địa vị - hoàn cảnh kinh tế, trong xã hội. Nhưng nếu nghĩ một cách sâu xa hơn, câu nói đó thể hiện cả những yếu tố phi kinh tế, như: truyền thống văn hóa, quy định pháp luật, v.v...
Sự ra đời và lớn lên của một cá thể, ngoài chịu sự chi phối với yếu tố kinh tế, yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thì còn có nhiều yếu tố khác. Và hạnh phúc của cá nhân một người, không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn liên đới nhiều vấn đề khác, như: sức khỏe, tâm lý, tình yêu, tình bạn, sở thích, đam mê, niềm tin tôn giáo, mối quan hệ với cộng đồng, v.v...
Bởi vậy, hạnh phúc cá nhân, luôn luôn không chỉ đơn giản là vì tiền, vì giàu có, mà còn nhiều yếu tố khác cấu thành nên.
Câu chuyện về một người tự tu hành theo hạnh đầu đà của nhà Phật là một ví dụ, để đạt được sự giải thoát, người đó phải rời bỏ hết mọi tham ái đời thường, và phải sống như một kẻ “vô gia cư”, nay đây mai đó, ăn ngày một bữa, mặc những miếng vải mà tha nhân vứt đi, ngủ ở nghĩa địa.
Nếu đặt giả sử, người có phát nguyện tu hạnh đầu đà, nhưng người ấy lại là con một trong một gia đình có truyền thống thờ phụng tổ tiên nhiều đời, thì liệu người ấy có thực hành được lý tưởng của mình hay không?
Điều ấy cho ta thấy rõ, một mâu thuẫn hiển nhiên, giữa khát vọng chân chính của một cá nhân, và bổn phận, cũng như trách nhiệm mà người đó cần phải có. Trong tình thế như vậy, người đó không thể được tự do chọn lựa điều mình muốn. Hiểu một nghĩa nào đó, thì quyền cơ bản nhất của một cá nhân, là tự do chọn lựa, đã bị cản trở bởi quan niệm văn hóa truyền thống
Vấn đề ở đây không phải nằm ở tính đúng hay sai, được hay mất, và là chuyện liên đới đến cá nhân mỗi người. Vấn đề cốt lõi nhất của đời sống một cá nhân, chính là hạnh phúc cá nhân. Sự khác biệt về văn hóa cũng làm cho chúng ta khác biệt về cách thích ứng với cuộc sống, để đạt được mục đích mà con người khắp thế giới đều hướng đến, là hạnh phúc.
Vậy nên, hạnh phúc cá nhân, không hoàn toàn nằm ở việc tự do làm những gì mình muốn. Bởi, bản thân cái ý muốn đó còn chịu sự chi phối của nền tảng văn hóa, tư tưởng và lối sống trong cộng đồng.
Người Việt có truyền thống đề cao lối sống cộng đồng, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có lẽ, do trải qua hàng ngàn năm sống trong đời sống nông nghiệp lạc hậu, cuộc sống quần cư, cần sự tương trợ nhau mới tồn tại và phát triển được, nên mới hình thành nên nếp sống đó.
Tất nhiên, khi Việt Nam hội nhập vào thế giới như hiện nay, với cuộc sống mang tính khoa học, công nghệ ngày càng phổ biến, lối sống cá nhân được đề cao, thì cái quán tính cộng cư dường như ít nhiều bị thử thách.
Bản thân nền kinh tế tư bản đề cao việc phát triển cá nhân, với tư tưởng, những hệ giá trị, những chuẩn mực, hoàn toàn khác biệt với người Việt.
Xét ở một góc độ nào đó, người phương Tây có nhiều cơ hội để được sống tự do theo ý muốn cá nhân hơn. Hiểu một nghĩa nào đó, việc sống hạnh phúc theo cách mình muốn, đơn giản hơn.
Và một điều thực tế, là người phương Tây sẽ không có “truyền thống” về cúng sao giải hạn, hay cúng dường, làm công quả để được phước báu. Đi kèm với đó, chắc chắn không có tình trạng lợi dụng “lòng công đức” của người khác để chiếm đoạt tài sản, để hưởng thụ cá nhân. Vậy hạnh phúc cá nhân ở đây là gì?...
Niềm tin tâm linh là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hạnh phúc của cá nhân mỗi người, nhưng niềm tin tâm linh ở mỗi nền văn hóa là mỗi khác biệt. Chuyện thờ cúng tổ tiên, ngoài niềm tin tâm linh, thì còn là sự gắn kết cộng đồng. Ở một phương diện nào đó, điều đó cản trở sự tự do chọn lựa của cá nhân, nếu cá nhân người đó sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhà thờ nhiều đời.
Vậy làm sao có thể điều hòa được mọi khía cạnh để đạt được lý tưởng cá nhân? Nếu tôi được tự do chọn lựa, chắc chắn tôi có chọn lựa khác, sống theo cách mình ao ước, và tôi rất hạnh phúc với điều đó. Hạnh phúc là khi được là chính mình.
Nhưng tôi không hoàn toàn có khả năng tự do đó, như bao nhiêu người trong chúng ta, bởi bổn phận và trách nhiệm mà văn hóa ngàn năm người Việt gìn giữ. Mặc dù vậy, tôi nhất định phải hạnh phúc. Vì không thể nào khác được. Và có lẽ, ai trong chúng ta, cũng nhất định phải hạnh phúc, dù hiện thực cuộc sống như thế nào. Bởi, mấy ai trong chúng ta được sống là chính mình?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhat-dinh-phai-hanh-phuc-a171385.html