Phía sau sự vắng dần những bữa cơm chung
7 rưỡi tối, anh Khoa (37 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đón cậu con trai út ở lớp tiền tiểu học về. Lúc này, vợ anh vẫn đang làm việc ở công ty (chị là kế toán và rất bận). Chị sẽ làm việc tới khoảng 8h30 tối để sau đó đi đón con gái lớn học thêm gần đó, rồi hai mẹ con mới về nhà. Bữa cơm sẽ chia làm hai, bố con anh Khoa ở nhà đã ăn trước rồi. Hơn 1 năm nay, những bữa cơm tối ở nhà anh Khoa luôn được xẻ đôi như thế, kể cả ngày nghỉ. Anh chia sẻ, vì việc học của các con và cũng vì kinh tế gia đình, vợ chồng anh lao vào cày cuốc những mong sớm ổn định. “Thôi thì, đành thiệt thòi một chút, gia đình không được ăn cơm cùng nhau nhưng tối muộn cả nhà vẫn đông đủ là được”. Dẫu vậy, trong thâm tâm anh chị vẫn mong mỏi có một ngày thảnh thơi để cả nhà quây quần, chia sẻ cho nhau những câu chuyện của mình.
Trước đây, hai vợ chồng Tuấn và Hiền sống cùng bố mẹ ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Một đại gia đình cùng chung sống, nên việc giữ gìn lễ nghĩa, nếp nhà được chú trọng. Dù đi đâu, học hành gì, cứ đến bữa là ai cũng có mặt ở nhà. Người nấu nướng, người dọn mâm bát. Khi ăn, việc trước tiên là mời cơm. Con mời bố mẹ, em mời anh chị, cháu mời ông bà, chú bác... Trong bữa ăn, mọi người vui vẻ nói chuyện, kể cho nhau nghe những chuyện vui trong ngày, không khí thân mật và ấm cúng. Ăn xong, con cháu mời ông bà, bố mẹ dùng cây tăm, chén nước...
Nhưng từ ngày chuyển lên trung tâm thành phố vì điều kiện học tập, công tác, gia đình anh Tuấn đã có nhiều thay đổi trong sinh hoạt, rõ nhất là những bữa cơm không đủ thành viên. “Mẹ chồng tôi không còn lo chuyện thiếu tiền mua thức ăn ngon nữa, thích gì thì mua đó, nhưng bây giờ thường xuyên chỉ có bố mẹ ngồi ăn cơm với nhau (hai ông bà đã về hưu)”- chị Hiền kể.
Lâu lâu, có những dịp hiếm hoi cả nhà có mặt đông đủ thì tổ chức ăn uống cho vui. Tuy nhiên điều đó không làm cho mẹ chồng chị Hiền vui hơn nhiều vì bữa cơm dù có đông đủ nhưng lại vội vàng quá. Trẻ con vừa ăn vừa xem điện thoại, chẳng mời chào gì, người lớn chỉ mải chuyện việc, chuyện tiền cũng quên cả dạy con lễ nghĩa. “Có đủ đầy, nhưng sao vẫn thấy thiêu thiếu, mẹ tôi bảo thế”- chị Hiền cho hay.
Không chỉ ông bà, bố mẹ mong những bữa cơm gia đình tuy bình dị nhưng đông đủ thành viên, mà cả các con, các cháu cũng thổ lộ mình có mong muốn đó. Bùi Phương Linh (15 tuổi, ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho hay, hàng ngày đến trường từ sáng đến tối. Linh hết ở trường lại đến lớp học thêm, học ngoại ngữ, đến lớp năng khiếu… liên miên nên ít khi dùng cơm cùng bố mẹ. Bánh mì, cơm hộp, hay những món đồ ăn nhanh như gà rán, pizza đã trở nên quen thuộc với Linh.
Linh bảo, bố mẹ em cũng rất bận, nhà phải thuê người giúp việc lo ăn uống. Rất nhiều bữa cơm ở nhà Linh không thiếu người này thì thiếu người nọ. Những tấm ảnh đông đủ thành viên mà Linh hay chia sẻ trên facebook hầu như đều là những buổi họp mặt, ăn uống được tổ chức ngoài nhà hàng vì chẳng ai có thời gian vào bếp chuẩn bị cả, “ra nhà hàng cho nhanh”.
Giữ bữa cơm là giữ nếp nhà
Theo ThS, BS Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Cục Dân số, Bộ Y tế), trong thời đại mọi thứ đều tính bằng tốc độ, chuyện thiếu thời gian cho những bữa cơm gia đình là tất yếu, nhưng chúng ta cũng nên rộng lượng thấu hiểu. Bởi nhiều gia đình trẻ không có thời gian để đi chợ, nấu cơm, khi bị cuốn trong vòng quay của công việc, học hành, làm thêm, học thêm... “Tuy nhiên, nếu biết hướng tình cảm về tổ ấm, thì bằng cách này hay cách khác, dù ít, dù nhiều, mỗi người sẽ cố gắng thu xếp được những bữa cơm gia đình ấm áp. Xin đừng nghĩ đó là sự ràng buộc mà là văn hóa, là sự kế thừa truyền thống” - ông Phương nói.
Với chị Hoài Thu (giáo viên mầm non, sống tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nấu một bữa cơm cho cả nhà và gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau là rất cần thiết. “ Bởi mình nghĩ, đây là khoảng thời gian mà các thành viên trong gia đình kết nối với nhau. Sau bữa cơm bố mẹ và các con hỏi han nhau về công việc một ngày, các con kể về chuyện vui ở lớp, hay đơn giản cả nhà chơi một trò chơi như nối từ, đố vui, gì cũng được miễn là cả nhà được cười nói vui vẻ”- chị Thu cho hay.
Cho đến nay, trong quan niệm của nhiều người, trách nhiệm gia đình vẫn thuộc về người phụ nữ. Nhưng chỉ một mình phụ nữ, làm sao xây được “tổ ấm”. Đó là lý do mà anh Danh Tuấn (nhân viên ngân hàng, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) thấy rằng, “chẳng có gì sung sướng, hạnh phúc bằng việc được quây quần bên vợ con trong các bữa cơm hàng ngày, đặc biệt là bữa cơm tối”. Đặc thù công việc bận rộn, hay phải tiếp khách, khuya khoắt mới về nhà khiến anh càng thêm trân trọng những phút giây bên gia đình. “Đành rằng trong cuộc sống hiện đại, nhất là người đàn ông luôn có nhiều mối quan hệ trong công việc, làm ăn, giải quyết trên bàn nhậu, nhưng cánh đàn ông chúng ta hình như hơi quá lạm dụng điều này để tụ tập nhậu nhẹt thì phải. Trong khi các ông chồng đi nhậu thì các bà vợ phải bận rộn với vô số việc nhà, nuôi dạy con cái, đối nội, đối ngoại... và nếu việc này cứ tiếp diễn liên tục thì sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình sẽ nhạt dần. Theo tôi, cánh đàn ông nên thay đổi cách nghĩ, cùng nhau làm một việc đơn giản nhưng ý nghĩa, đó là hãy về nhà ăn cơm cùng gia đình, vợ con, chắc chắn điều đó sẽ làm cho gia đình các bạn hạnh phúc hơn!”.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-bep-luon-do-nha-luon-am-a171390.html