“Ánh sáng cuối đường hầm” của ngành đường sắt hậu Covid-19

Với việc kinh doanh có lãi, năm 2023 đã đánh dấu việc kết thúc chuỗi lỗ liên tiếp trong năm 3 năm trước đó của ngành đường sắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Những tín hiệu khởi sắc

Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong năm 2023 đạt 8.806 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2022.  Đây cũng là mức doanh thu cao nhất mà VNR từng đạt được, vượt đến 17% so với giai đoạn trước đại dịch (năm 2019).

Do giá vốn có mức tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng vọt 46%, đạt 995 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của VNR đạt gần 43 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 120 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp có mức tăng không quá lớn, lần lượt là 220 tỷ đồng và 593 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, VNR ghi nhận trên 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trên 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù khoản lãi vẫn khiêm tốn so với doanh thu và chưa bằng với giai đoạn trước dịch nhưng năm 2023 đã đánh dấu việc kết thúc chuỗi lỗ liên tiếp trong năm 3 năm trước đó của ngành đường sắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, ngành đường sắt lỗ đến 1.300 tỷ đồng trong năm 2020, lỗ 585 tỷ đồng trong năm 2021 và lỗ gần 112 tỷ đồng trong năm 2022.

Covid-19 được xem là giai đoạn khó khăn nhất ngành đường sắt phải trải qua kể từ khi ra đời đến nay. Trong lịch sử, kể cả giai đoạn chiến tranh, chưa bao giờ đường sắt phải dừng khai thác toàn bộ tàu khách. Tuy nhiên, các làn sóng của đại dịch Covid-19 cùng với việc rất nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã dẫn đến tất cả các đoàn tàu chở khách phải tạm dừng hoạt động và phải cắt giảm các tàu hàng chuyên tuyến.

Đi cùng với đó, hàng nghìn công nhân đường sắt phải hoãn huỷ hợp đồng, nhân sự khối gián tiếp từ cấp lãnh đạo tổng công ty, trưởng phòng, phó phòng... đều phải cắt giảm giờ làm, làm luân phiên, giảm thu nhập...

Với việc bắt đầu có lãi trong năm 2023, ngành đường sắt đã nhìn thấy “ánh sáng” và quan trọng hơn là hiểu rằng mình phải thay đổi để thích ứng với sự biến động của thị trường và đối diện với những biến cố.

Lý giải về những khởi sắc của ngành đường sắt trong năm 2023 vào dịp đầu năm nay, ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, bên cạnh sự phục hồi nhu cầu đi lại của người dân, điều quan trọng chính là việc chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt cũng ngày càng được cải thiện. 

“Trong khi chờ đợi dự án được triển khai với những bước đột phá lớn, để cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, ngành đường sắt xác định việc nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách chính là yêu cầu cấp bách, mục tiêu xuyên suốt và là nhiệm vụ sống còn. Vì vậy, trong những năm qua, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách; đồng thời đa dạng các dịch vụ cung cấp đến hành khách”, lãnh đạo VNR nói.

Điển hình vào cuối 10/2023, ngành đường sắt đã cho ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng SE19/20 với nhận diện riêng và gia tăng tính thẩm mỹ để thu hút hành khách.

Mới đây, đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng) tiếp tục được đưa vào khai thác ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch “hot” đối với du khách trong dịp hè 2024.

Hồ sơ doanh nghiệp - “Ánh sáng cuối đường hầm” của ngành đường sắt hậu Covid-19

Sự khởi sắc trong kinh doanh của ngành đường sắt, bên cạnh việc nhờ vào sự phục hồi nhanh của hoạt động vận tải, còn được quyết định bởi việc chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành.

Những thay đổi của ngành đường sắt vẫn đang phát huy tác dụng. Báo cáo tài chính quý I cho thấy lợi nhuận của cả 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt trong 3 tháng đầu năm 2024 đều đã vượt xa kế hoạch.

Cụ thể, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn có doanh thu đạt 556 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 32,9 tỷ đồng, tăng 24,6% so với quý I/2023. CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội có doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, đạt trên 710 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong gần 9 năm qua của doanh nghiệp này. Lãi sau thuế tăng thêm 87%, đạt trên 34 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2024, Vận tải đường sắt Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,76 tỷ đồng. Vận tải đường sắt Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.563 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 12 tỷ đồng.

Còn nhiều trăn trở

Dù kinh doanh có nhiều khởi sắc nhưng vết thương do Covid-19 để lại vẫn còn đó. Tính đến ngày 31/12/2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế trên 2.080 tỷ đồng, bằng đến 67% vốn góp của chủ sở hữu. Nợ phải trả ở mức gần 5.000 tỷ đồng.

Đối với 2 doanh nghiệp vận tải của ngành đường sắt, tình trạng cũng tương tự. Theo đó, đến thời điểm 31/3/2024, lỗ lũy kế của Vận tải Đường sắt Hà Nội vẫn còn trên 334 tỷ đồng, lỗ lũy kế Vận tải Đường sắt Sài Gòn là trên 348 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng trước mắt của ngành đường sắt là việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Vào cuối năm 2023, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình lãnh đạo Chính phủ về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Trong đó, một số nội dung cần phải tập trung tái cơ cấu, gồm: Tái cơ cấu quản trị hiện đại phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và Tổng Công ty; cơ cấu lại và sử dụng tài sản, nguồn tài chính đang có một cách hiệu quả hơn, phù hợp hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với bố trí lại, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.

Và ở dài hạn, cái khó của ngành đường sắt là bài toán đổi mới – đổi mới trong bối cảnh tấm áo của ngành đã cũ và chật chội so với nhu cầu phát triển. Sau gần 4 thập kỷ đổi mới, đối với các ngành vận tải khác phát triển đều rất tốt với nền tảng hạ tầng, phương tiện vận tải và chất lượng dịch vụ đều đang tiệm cận với mức của thế giới. Tuy nhiên, đối với đường sắt vẫn đang quản lý một nền tảng hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu và không cùng một mặt bằng so với các ngành vận tải khác. Với nền tảng hạ tầng như vậy, việc đổi mới, phát triển là điều đầy thách thức.

Hồ sơ doanh nghiệp - “Ánh sáng cuối đường hầm” của ngành đường sắt hậu Covid-19 (Hình 2).

 Cái khó của ngành đường sắt là bài toán đổi mới.

Trăn trở với sự phát triển của ngành, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của ngành Đường sắt. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ của ngành đường sắt không chỉ đơn thuần là làm ăn có lãi mà cần phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới, tạo đột phá phát triển ngành, đặc biệt, về chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn.

Và câu hỏi với ngành đường sắt là: Khi phát triển đường sắt tốc độ cao, tương lai của cả hệ thống đường sắt hiện hành ở đâu? .

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/anh-sang-cuoi-duong-ham-cua-nganh-duong-sat-hau-covid-19-a171393.html