Phóng viên báo trò chuyện với TS.BS Ngô Thị Thanh Hương, nhà đồng sáng lập nền tảng hỗ trợ sức khoẻ tinh thần Safe and Sound, Viện Ứng dụng công nghệ Y tế... về vấn đề này.
Xin chào bà. Bà có thể đánh giá như thế nào về tình trạng mắc các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần hiện nay? Xu hướng mắc bệnh về sức khỏe tâm thần này phải chăng đang tăng lên trong thời gian gần đây?
Số lượng người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý tâm thần (SKTT) ở nhiều cấp độ khác nhau ngày càng gia tăng, nhất là sau dịch Covid19. Hơn thế nữa, tỷ lệ người cần chăm sóc SKTT đang có xu hướng trẻ hoá. Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 14-15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, theo số liệu của Viện SKTT quốc gia năm 2014, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: Tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng rượu… Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này hiện nay chắc chắn cao hơn nhưng rất đáng tiếc ở Việt Nam không có các số liệu cập nhật về các bệnh sức khỏe tâm thần, hoặc các khảo sát quy mô nhỏ nên số liệu không thể đại diện cho toàn Việt Nam.
Vậy, bà có thể lý giải nguyên nhân dẫn tới các rối loạn tâm thần? Phải chăng do xã hội hiện đại, internet phát triển, áp lực cuộc sống gia tăng?
Sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm lý tâm thần hiện nay một phần vì trong xã hội hiện đại con người ngày càng có nhiều áp lực, người lớn thì áp lực việc làm, kiếm tiền, làm việc suốt ngày suốt đêm; trẻ em thì áp lực học tập, thành tích, đáp ứng mong đợi của người lớn… Rồi lối sống hiện nay cùng vô vùng vội vã và rất nhiều căng thẳng khiến cho con người cứ bị cuốn theo mà bỏ quên đi sự chăm sóc cho bản thân mình, bỏ qua những dấu hiệu mà cơ thể cảnh báo cần hồ trợ để cân bằng.
Ngoài ra một nguyên nhân cực kỳ quan trọng phải kể đến là những tác động tiêu cực từ lối sống ảo và mạng xã hội, thứ mà tưởng là tốt nhưng cũng đang mang lại rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý tâm thần, nhất là của giới trẻ, thanh thiếu niên.
Sống ảo là một ví dụ, nó làm giảm các tương tác trực tiếp, mọi người thu mình vào với cái thế giới ảo của họ, họ tưởng là mang lại cảm xúc tích cực hơn, nhưng thực ra họ đang sống một đời sống khác, một con người khác, ở trên đó, họ sống và thể hiện theo sự ước nguyện của mình hơn là sống thật với những gì mình đang có và khi quay trở lại đời sống thật thì họ chông chênh, mất phương hướng… và rơi vào trạng thái mất cân bằng và trầm cảm.
Tại sao trước đây, con người vẫn phải chịu áp lực mưu sinh, học tập, công việc trong khi điều kiện sống không được đủ đầy như hiện nay nhưng tình trạng mắc các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần dường như không phổ biến?
Đúng là như vậy, một phần vì trước đây chúng ta chưa có những đánh giá đầy đủ, nhưng thực tế thì tình trạng này cũng đang ngày càng gia tăng. Như đã nói ở trên, tôi xin nhắc lại sự khác biệt lớn mà ta có thể thấy giữa thời nay và thời xưa là sự phát triển các thiết bị công nghệ và của internet.
Ở đây tôi muốn nói đến việc sử dụng quá mức các thiết bị công nghệ, rồi internet và mạng xã hội. Cụ thể là có những nghiên cứu cho thấy sử dụng internet có liên quan đến mức độ lo âu của người dùng. Ví dụ bạn đọc quá nhiều các tin tức tiêu cực trên các mặt báo mạng sẽ khiến bạn phải lo lắng và lo lắng không đáng có, rất nhiều khách hàng của chúng tôi cũng than phiền điều này.
Hay cũng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến cảm giác trầm cảm và lệ thuộc vì khi chúng ta truy cập mạng xã hội, chúng ta đang tìm kiếm sự khẳng định và dù có ý thức hay không, chúng ta cũng đang so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác. Kết quả là chúng ta cảm thấy tủi thân, thấy buồn, tự ti vì cuộc sống của mình không được như thế và không tận hưởng được những gì hiện tại mình đang có.
Hơn thế nữa, việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính và máy tính bảng quá mức có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Ánh sáng từ các thiết bị này sẽ khiến cho não của bạn không tiết melatonin, loại hormone điều hòa giấc ngủ trong cơ thể. Đó là một số ví dụ cụ thể mà nhiều người đều ít nhiều gặp phải..
Theo bà, cần làm gì để giảm thiểu tình trạng mắc bệnh về sức khỏe tâm thần tốt khi các thiết bị thông minh vẫn đang bủa vây?
Có lẽ tôi sẽ tập trung vào nguyên nhân liên quan đến công nghệ và internet. Trước tiên là cần phải kiểm soát hiện tượng “sử dụng internet quá mức”. Cụ thể là nếu bạn cảm thấy cần phải liên tục kiểm tra tài khoản mạng xã hội của mình để biết thông tin cập nhật hoặc trả lời email ngay lập tức (kể cả vào lúc nửa đêm), bạn có thể đang gặp phải hiện tượng mà một số chuyên gia gọi là "có vấn đề trong việc sử dụng internet”. Nếu như vậy bạn cần phải điều chỉnh. Đối với khách hàng của chúng tôi, tôi thường khuyên họ nên đặt giờ đi ngủ, cắt điện thoại và ngừng sử dụng mạng xã hội vào ban đêm. Cuối cùng, chúng ta phải vạch ra một ranh giới khi truy cập mạng xã hội, có thể thông qua việc đặt giới hạn về thời gian sử dụng thiết bị mỗi ngày hoặc tắt thiết bị của mình vào một thời điểm nhất định mỗi đêm.
Xin cảm ơn chuyên gia.
(1) Hãy thường xuyên nói chuyện với người mà bạn tin tưởng: Chia sẻ cảm xúc của bạn với bạn bè, thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp sẽ rất hữu ích. Ngay cả khi tương tác mặt đối mặt bị hạn chế, bạn vẫn có thể duy trì kết nối thông qua cuộc gọi video, cuộc gọi điện thoại hoặc ứng dụng nhắn tin.
(2) Chăm sóc sức khỏe thể chất. Chúng ta không thể có một tâm trí khỏe mạnh trong một cơ thể yếu ớt. Muốn vậy cần duy trì hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày như là chạy, đi bộ, bơi, tập yoga, đạp xe...; chú ý ăn uống lành mạnh và ưu tiên giấc ngủ để đảm bảo bạn nạp năng lượng và nghỉ ngơi đầy đủ; tránh lạm dụng các chất có hại như rượu, hoặc thuốc lá để đối phó với căng thẳng, ban đầu có thể giúp giảm đau nhưng về lâu dài chúng có thể làm sức khỏe tinh thần của bạn càng trở nên tồi tệ hơn và gây ra rủi ro cho sức khỏe của bạn
(3) Duy trì các hoạt động thư giãn, làm những việc bạn thấy có ý nghĩa và thú vị. Ví dụ như nấu ăn, dành thời gian cho những người thân yêu, đọc sách hay xem phim, việc tạo thói quen với các hoạt động khiến bạn hạnh phúc sẽ thúc đẩy sức khỏe tinh thần tốt.
(4) Hãy dành một chút thời gian để tập trung vào hiện tại, kết nối lại với môi trường xung quanh bằng cách tự hỏi: Năm điều bạn có thể thấy là gì? Bốn điều bạn có thể nghe thấy là gì? Ba thứ bạn có thể chạm vào là gì? Hai thứ bạn có thể ngửi thấy là gì? Một món bạn có thể nếm thử món gì?
(5) Hãy tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia khi bạn cảm thấy mình không thể đối phó với căng thẳng. Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc và có những điều bạn có thể làm để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của mình.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khong-the-co-tam-tri-khoe-manh-trong-mot-co-the-yeu-ot-a171399.html