Tỷ lệ ly hôn trẻ gia tăng
Trong phiên xét xử vụ án ly hôn phúc thẩm đối với nguyên đơn là chị Q và bị đơn là anh T (trú tại Mê Linh, HN) tại TAND TP Hà Nội cách đây không lâu, câu chuyện mâu thuẫn của vợ chồng khiến nhiều người không khỏi trăn trở. Theo chị Q, chị kết hôn khi vừa tròn 20 tuổi, còn chồng chị mới 23 tuổi. Sau khi kết hôn, hai người trẻ đã sớm vấp phải những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong hôn nhân. Nức nở trước toà, Q kể lể về những tật xấu của chồng mình.
Nào là thường xuyên rượu chè, không có trách nhiệm chăm sóc gia đình, nào là bạo hành với vợ... Vợ mang thai, ốm nghén, chồng lại không chăm sóc, quan tâm. Vừa sinh con, chồng đi uống rượu về còn phả mùi rượu vào hai mẹ con đang say ngủ… Còn anh T lại trách vợ “nói quá mọi thứ lên”. Anh tố vợ hay cằn nhằn, hay cãi lại, không biết ứng xử, không biết chăm sóc con. Có chuyện gì cũng bỏ về nhà đẻ.
Theo thẩm phán Bùi Đức Hiệp, Chánh án TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội: Những vụ ly hôn vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà trong phút bất đồng quan điểm, cả hai không làm chủ được cảm xúc rồi quyết định ra toà hiện nay không hiếm trong các gia đình. Chỉ cần toà thụ lý giải quyết, chắc chắn, cuộc hôn nhân của họ sẽ kết thúc. Vì thế, các cán bộ toà án luôn cố gắng hoà giải, để họ có cơ hội hàn gắn hôn nhân.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.
Thực tế, thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu tập trung vào 2 nguyên nhân chính: Một là, phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng/vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân.
Hai là, do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: Do tư tưởng lạc hậu; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn...
Số vụ ly hôn tăng nhanh những năm gần đây đã là một thực trạng xã hội cần nhìn nhận. Con số ly hôn tăng không chỉ ở thành thị, các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc mà cả ở các tỉnh, huyện, nhiều nơi cũng có tỷ lệ ly hôn gây bất ngờ. Như tại tỉnh Quảng Bình, chỉ tính trong 8 tháng năm 2023, TAND tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ xin ly hôn. Theo thống kê, độ tuổi nộp đơn ly hôn phổ biến là 25 - 45 tuổi. Tại Quảng Nam, trong vòng 1 năm, có gần 2.500 cặp vợ chồng ra tòa ly hôn. Thống kê về nguyên nhân ly hôn cho thấy, nhiều nhất là do mâu thuẫn gia đình với 2.120 vụ; nghiện ma túy, cờ bạc, rượu, bia, ngoại tình, mâu thuẫn về kinh tế 203 vụ; các nguyên nhân khác 151 vụ…
Giữ gia đình là giữ sự bền vững của xã hội
Theo các chuyên gia, gia đình với những giá trị tình cảm, đạo đức, tâm lý, con cái… không thể thay thế trong sự phát triển của xã hội. Những giá trị đó sẽ có tính định hướng đến hành động, suy nghĩ của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một tương lai Việt Nam phát triển bền vững. Để phát huy giá trị hôn nhân, gia đình đối với thế hệ trẻ Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy những giá trị tích cực.
Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ Việt Nam định kỳ nhằm tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm cũng như nhận định của giới trẻ về những giá trị gia đình, hôn nhân, cuộc sống, công việc; từ có những hoạt động can thiệp phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho giới trẻ phát triển toàn diện, lành mạnh. Cần có sự quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… để có thể xây dựng các hoạt động mang tính nền tảng từ góc độ của nhà quản lý.
Đồng thời, phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ len lỏi vào trong quan điểm, nhận định của giới trẻ.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyện, Bí thư Huyện Đoàn Thanh Oai, TP Hà Nội cho biết: Quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc, gia đình của thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi hơn so với trước đây. Nhưng bản chất của những vấn đề này thì không bao giờ thay đổi. Gia đình vẫn luôn là điểm tựa tinh thần vô cùng vững chãi, là nơi mà bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm tin, hy vọng và sức mạnh để vượt qua những thử thách khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - đặc biệt trong giới trẻ - càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo chị Minh Nguyện, để nâng cao nhận thức của người trẻ về giá trị của gia đình, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ, như: Hội thi, hội diễn, sân khấu hóa, tuyên truyền trực tuyến... Bên cạnh đó, giáo dục các thành viên hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn những giá trị tốt đẹp trong gia đình.
Các gia đình cần duy trì bữa cơm chung bởi, thông qua bữa cơm gia đình, sẽ trao đổi nhắc nhở việc học tập của con cái, những khó khăn vướng mắc của từng thành viên để cùng nhau giải quyết. Vợ chồng chia sẻ các công việc như: Sẵn sàng tư vấn hỗ trợ công tác chuyên môn cho vợ/chồng và các công việc khác khi vợ cần giúp, cùng vợ quan tâm giáo dục con cái…
Gia đình nào cũng vậy, sẽ có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, thế nhưng nếu mỗi thành viên trong gia đình biết trân trọng giá trị của tình cảm gia đình, tôn trọng bạn đời, nhường nhịn nhau, sẵn sàng bên nhau lúc khó khăn... thì sẽ luôn giữ được hạnh phúc.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cung-nhau-xay-dap-hanh-phuc-gia-dinh-a171623.html