Ngày 28/6, tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Đại diện Cục Thủy sản, một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng các sở, ngành chức năng, doanh nghiệp nuôi thủy sản và ngư dân tham dự hội thảo.
Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Năm 2023, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt trên 33.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thuỷ sản hơn 233 triệu USD; sản lượng thủy sản 798.319 tấn; thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 50,52%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, hội thảo chuyên đề đã đưa ra các giải pháp để phát triển nuôi biển theo hướng bền vững cho tỉnh đến năm 2030 về cung ứng vật tư đầu vào; nguồn cung, chất lượng con giống, công tác kiểm dịch giống thủy sản; giám sát chủ động dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi lồng bè; việc chuyển đổi sang mô hình nuôi lồng nhựa HDPE; tăng cường liên kết sản xuất cá nuôi lồng bè trên biển; chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản…
Kế hoạch năm 2025, tỉnh Kiên Giang phát triển 7.500 lồng, sản lượng 29.890 tấn; diện tích nuôi biển ven bờ 25.500 ha, sản lượng 83.850 tấn. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phát triển 14.000 lồng, sản lượng 105.690 tấn; diện tích nuôi biển ven bờ 26.900 ha, sản lượng 101.460 tấn.
Nuôi biển của tỉnh tập trung ở huyện đảo Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên; nuôi nhuyễn thể và các đối tượng khác phù hợp vùng bãi triều ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi của Cục Thủy sản, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngư dân về những kỹ thuật nuôi hiện đại, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất và các đề xuất, kiến nghị đối với công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh nhằm phát triển nuôi biển theo hướng bền vững của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.
Ông Trần Công Khôi, Cục Thủy sản đề xuất tỉnh Kiên Giang hoàn thiện cơ chế chính sách cả Trung ương và địa phương trong phát triển nuôi biển, kêu gọi đầu tư về giống, thức ăn và tổ chức dự án nuôi thí điểm để nhân rộng mô hình hiệu quả.
Tỉnh Kiên Giang cần thực hiện liên kết trong chuỗi sản xuất nuôi biển, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, nghiên cứu về giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và chọn đối tượng thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện môi trường vùng biển Kiên Giang. Tỉnh cần nuôi biển gắn với phát triển du lịch.
Cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia đề xuất tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư vùng nuôi biển các hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng nuôi biển tập trung về hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi…; đồng thời, đầu tư sản xuất giống vùng nuôi biển.
Hơn nữa, tỉnh Kiên Giang cần xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm công nghệ cao, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng. Mặt khác, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư nuôi biển và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nuôi biển.
Tỉnh Kiên Giang cũng cần hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản trên biển, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản. Hình thành kênh cung cấp thông tin thị trường, thiên tai, biến đổi khí hậu… để kịp thời thông tin đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường, nhất là khuyến cáo, hỗ trợ ngư dân chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi biển theo hướng công nghệ hiện đại…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nêu, thông qua hội thảo tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng những giải pháp phù hợp để phát triển nuôi biển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đạt được các mục tiêu Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã đề ra.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát bổ sung và tích hợp không gian nuôi trồng thuỷ sản trên biển vào Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, bố trí khu vực nuôi biển gắn với đối tượng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn công nghệ nuôi mới trong sản xuất; triển khai các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển dần thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã có chủ trương đầu tư sớm triển khai đóng góp vào sản lượng nuôi biển của tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ phục vụ nuôi biển tập trung vào công nghệ lồng nuôi, dịch vụ hậu cần và kỹ thuật, công nghệ có liên quan để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng, chế biến, tiêu thụ, liên kết sản xuất trong nuôi biển.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kien-giang-nhieu-giai-phap-phat-trien-nghe-nuoi-bien-a171743.html