Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều 30/6, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với doanh nghiệp sáng tạo Tired City tổ chức lễ khai mạc triển lãm tranh "Dân gian trong Gen Z".

Triển lãm mở cửa vào 1/7 và kéo dài đến hết tháng 7 tại Khu trải nghiệm Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám nhằm giới thiệu những tác phẩm tranh dân gian độc đáo.

Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam - ảnh 1
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhấn mạnh: "Những tác phẩm tại triển lãm sẽ cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc như một dòng sông chảy suốt, thông qua sự sáng tạo từ những họa sĩ trẻ thế hệ 2000. Các tác phẩm này gợi lại ký ức quý giá của thế hệ trước và đáng trân trọng sức sống mới được truyền vào từ các nghệ sĩ trẻ".

Theo ông Kiêu, trong thời gian tới, Văn Miếu sẽ chứng kiến hàng loạt các triển lãm từ các bạn trẻ, biến nơi đây không chỉ là di tích mà còn là một thực thể sống, tràn đầy sinh khí hoạt động, để dòng chảy sáng tạo từ những giá trị văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục tuôn chảy và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam - ảnh 2
Ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tired City phát biểu
 

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” trưng bày 39 tác phẩm tranh vẽ của 3 họa sĩ trẻ thế hệ đầu 2000. Trong chuyến du ngoạn văn hóa này, 3 họa sĩ mang đến cho khán giả những góc nhìn độc đáo về những chủ đề khác nhau như tranh Đông Hồ, nghệ thuật hát Bội và Vè nói ngược bằng sự linh hoạt, mới lạ và khéo léo lồng ghép những câu chuyện gần gũi với thời hiện đại.

Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam - ảnh 3
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm

Bội Ký là chủ đề được họa sĩ Vei Vei (tên thật Nguyễn Phương Vinh, 2000, Thành phố Hồ Chí Minh) lựa chọn để mang đến “Dân gian trong Gen Z”. Những tác phẩm thuộc Bội Ký là các tìm hiểu sâu sắc của Vei Vei về Tuồng và hát Bội- loại hình nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật văn học, ca múa và võ thuật. 

Họa sĩ trẻ Pao (tên thật Lê Đức Anh, sinh năm 2002, Huế) mang đến những bức tranh miêu tả về Vè nói ngược- nét đẹp độc đáo trong văn học dân gian Việt Nam, là tiếng nói lời ca dành cho trẻ thơ được ông cha sáng tạo, đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Các tác phẩm thuộc Vè nói ngược có đề tài muôn hình muôn vẻ, trải dài từ cây cỏ, loài vật đến sinh hoạt xã hội hay các trò chơi trẻ con. Qua loạt tác phẩm, những hiện tượng thú vị, “ngược đời” trong các bài vè càng thêm phần tinh nghịch và ấn tượng.

Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam - ảnh 4
Khán giả trẻ đến tham quan triển lãm

Những bức tranh dân gian Đông Hồ - một trong những dòng tranh dân gian gắn liền với cuộc sống người Việt suốt nhiều thập kỷ là nguồn cảm hứng cho chủ đề “Đông Mèo” của họa sĩ Meaptopia (tên thật Hồ Vũ Thiên An, sinh năm 2000, Hà Nội).

Cảm hứng từ những nét đẹp ấy đã giúp Meaptopia khắc họa lên những tác phẩm đầy vui nhộn, lém lỉnh với các chú mèo của mình. Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật dân gian truyền thống và góc nhìn hiện đại trẻ trung đã tạo nên những mối tơ duyên mới, mang những giá trị truyền thống tiến gần hơn đến những khán giả trẻ. 

Góc nhìn sáng tạo của gen Z về nghệ thuật dân gian Việt Nam - ảnh 5
Những postcard tranh từ Dân gian trong gen Z
 

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/goc-nhin-sang-tao-cua-gen-z-ve-nghe-thuat-dan-gian-viet-nam-a172015.html