Các đơn vị Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cấp thông báo số định danh cho 2.350 trường hợp, trong đó cấp căn cước cho 1.201 người. Có 1.149 người chưa đủ điều kiện cấp căn cước, nên khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành sẽ tiến hành cấp căn cước cho số công dân này.
Trong năm 2024, Công an thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hồ Chí Minh duy trì thực hiện thường xuyên giải quyết cư trú và cấp căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt như không có giấy tờ tùy thân; con lai chưa xác định được quốc tịch Việt Nam… với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư.
“Phương châm thực hiện là dễ làm trước, khó làm sau và vướng đến đâu, gỡ đến đó. Từ đó, giải quyết số nhân khẩu đặc biệt tồn đọng để mang lại niềm hạnh phúc cho những người yếu thế", Thượng tá Hồ Thị Lãnh thông tin.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Đề án 06) là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp.
Việc triển khai Đề án 06 phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài.
Đề án 06 cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực, đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, qua đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại…
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tphcm-hieu-qua-tu-su-tan-tam-phuc-vu-nhan-dan-cap-the-can-cuoc-a172090.html