Vui buồn chuyện gặp lại bạn cũ

Mấy ngày nay, câu chuyện về việc gặp gỡ lại bạn bè xưa cũ lại được cộng đồng mạng nhắc đến, báo chí chia sẻ tâm sự của bạn đọc.

Mỗi năm, cứ vào dịp hè, những câu chuyện liên quan về vấn đề học hành, thi cử, cũng như bạn bè thời phổ thông lại rộn ràng. Đó là những lời nói chia tay tuổi học trò để đến những chân trời mới, cao hơn, xa hơn. Đó là những dòng lưu bút, những buổi tiệc, hay là những kỷ yếu, hoặc đơn thuần chỉ là những chữ ký trên những tà áo trắng.

Gần như ai trong chúng ta cũng trải qua thời học trò đầy mộng mơ, nhiều tình cảm trong sáng, và gần như đa số đều không biết rõ tương lai mình sẽ như thế nào. Có thể có những nguyện vọng học vào đại học, theo những ngành nghề mà bản thân mơ ước, hoặc có thể không. Rồi chặng đường sau đó, kéo dài hàng mươi năm, ai thành ai bại, ai giàu ai nghèo cũng không thể nào biết trước được.

Mấy ngày nay, câu chuyện về việc gặp gỡ lại bạn bè xưa cũ lại được cộng đồng mạng nhắc đến, báo chí chia sẻ tâm sự của bạn đọc. Dù là dịp hè hay là dịp Tết, thì tâm tư của những người “mang nặng ưu tư” cũng tương đối giống nhau.

Nhiều người mặc cảm, tự ti, khi mình không thành công được như bạn bè, thậm chí nghĩ rằng những công việc mình làm là “thấp kém”. Giống như việc nguời đó bán hàng hoa quả ở chợ, hoặc làm lao công đường phố, hay là phụ hồ, còn bạn bè của người đó làm doanh nghiệp, kỹ sư, giám đốc, giáo viên, giảng viên, công chức nhà nước.

Phải thừa nhận một thực tế, rằng không phải ai học cùng lớp cũng chơi thân nhau, và không phải ai cùng học đều thành công thành đạt. Bởi, dù có học cùng lớp nhưng hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác, ước mơ, sở thích cũng khác. Sau khi ra trường thì chí hướng không giống nhau, kèm với cơ duyên cuộc sống, hay là sự bất hạnh bất ngờ ập đến nữa.

Nếu là sinh viên đại học thì câu chuyện lại khác, vì đã vào chuyên ngành thì sau này ra trường dẫu có khác nhau nhưng đa số không quá khác biệt. Trong hoàn cảnh chung, đa phần đều lao động tri thức, sự cách biệt về địa vị xã hội không lớn. Còn bạn học phổ thông thì cực kỳ khác, nếu như một người vào đại học và trở thành người thành công, thành đạt, còn một người thì chỉ dừng lại ở bậc phổ thông và đi làm kiếm sống mưu sinh, bao năm không thoát khỏi hoàn cảnh quá khứ.

Ngày xưa, đời sống kinh tế xã hội ít biến động, sự phân hóa giữa người thành công và thất bại không lớn, điều kiện gia đình không quá nhiều cách biệt. Nhưng ngày nay thì mọi thứ không còn như xưa nữa, sự phân hóa xã hội rất lớn, người giàu và người nghèo ngày càng cách biệt nhau, về nhiều thứ. Đôi khi, nếu như trong cuộc gặp gỡ mà không có sự trân trọng nhau, thì gần như không có gì để hàn huyên tâm sự.

Ngoài ra, còn có nhiều người chia sẻ về sự vô nghĩa trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, vì gặp nhau chỉ biết uống và nhậu, không gì khác hơn ngoài việc nâng ly. Đó là quan điểm của mỗi người, không có đúng hay sai. Nhưng thực tình, đa phần những cuộc gặp gỡ bạn bè đều như vậy cả.

Nhưng thú thực, bạn bè gặp nhau chỉ cần vậy thôi. Bởi bao năm xa cách, bởi ai cũng bận lòng về những lo toan thường nhật cuộc đời, nhiều khi mươi năm bạn bè mới gặp lại, chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, cùng nâng ly, chúc nhau sức khỏe, bình an, là thấy vui vẻ rồi. Được gặp lại nhau đã quý rồi, đâu cần phải biết nhiều về nhau?

Có điều, không phải ai cũng giống ai. Đâu đó tôi vẫn nghe nhiều tâm sự trên báo chí, hoặc từ câu chuyện của những người thân quen mà tôi biết, thì việc gặp gỡ lại bạn cũ đôi khi là cơ hội để ai đó khoe khoang, thể hiện sự vượt trội, với bạn bè xưa cũ của mình.

Đồng ý là bạn thành đạt, bạn có quyền thể hiện sự đẳng cấp của mình, nhưng trong một tình huống mà sự gặp gỡ lại bạn cũ, với tinh thần gắn kết tình xưa, mà bạn hành động như vậy thì thật lố bịch. Đó là sự khoe khoang không đúng chỗ đúng lúc. Bản thân những người ít thành đạt hơn bạn, thậm chí là có cuộc sống khó khăn, đã tự cảm thấy mặc cảm, giờ bạn khoe mẽ vậy, có khác nào làm cho khoảng cách càng cách xa?

Tôi có người bạn khá thành đạt, trong lớp phổ thông, gia đình bạn đạt được một thành tựu kinh tế mà có lẽ cả lớp gộp lại cũng không bằng một phần số gia tài mà bạn đang sở hữu. Nhưng khi gặp gỡ lại bạn cũ, bạn rất nhã nhặn, hòa đồng, và rất quan tâm bạn bè. Vậy nên, khi mỗi lần họp lớp, các thành viên đều rất vui vẻ với nhau, xem nhau như một đại gia đình vậy.

Xã hội thì đa dạng, mỗi người mỗi tính cách, có người thành công thành đạt hay thích khoe khoang, thể hiện bản thân, nhưng có những người lại rất khiêm tốn, chừng mực, và ứng xử khéo léo, tế nhị. Đó là cái riêng của mỗi người, không ai bắt ai phải sống như thế nào.

Có điều, nếu sự thể hiện bản thân trong những hoàn cảnh như gặp lại bạn học xưa, họp lớp, thì sự thể hiện đó có cần thiết không? Và hình ảnh rộn ràng, sướt mướt của những ngày chia tay bạn bè, sau khi kết thúc chặng đường ba năm phổ thông, trở nên mịt mù, xa tít tắp.

Vậy nên, câu chuyện vui buồn gặp gỡ lại bạn cũ, vẫn cứ mãi tâm sự hoài không hết!...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vui-buon-chuyen-gap-lai-ban-cu-a172168.html