Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách trong bối cảnh mới

(Chinhphu.vn) - Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu yêu cầu mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển hài hòa kinh tế đi đôi với xã hội

Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo khoa học Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp tổ chức ngày 2/7 tại Hà Nội .

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: "Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển... Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Theo Phó Trưởng ban Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

Để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW trình Ban Bí thư, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đề nghị cần tập trung thảo luận, làm rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.

Bên cạnh đó, tập trung vào những nội dung như vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện...

Ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong một số năm gần đây, tối đa chỉ được phát hành bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn nên không tận dụng được cơ hội để huy động thêm nguồn vốn lãi suất thấp, thời hạn dài... Một số chính sách tín dụng có mức vay còn thấp, chậm được điều chỉnh, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và thực tế diễn biến của giá cả thị trường.

Để thực hiện các nhiệm vụ, lãnh đạo NHCSXH nêu một số đề xuất, kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Thứ hai, đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Tín dụng chính sách xã hội. Thứ ba, đề nghị các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn, tạo nguồn lực đủ lớn để NHCSXH phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Thứ tư, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác... Thứ năm, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Hằng năm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn cho vay.

Cần có Nghị quyết riêng, nâng cao nguồn lực cho tín dụng chính sách

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN hết sức chú ý đến cơ chế cho hoạt động tín dụng chính sách, trong luật Tổ chức Tín dụng mới có chương riêng về hoạt động này.

Điểm đáng chú ý là tín dụng chính sách thành công một phần là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương và địa phương.

"Tỷ lệ nợ xấu thường ở mức dưới 1%, trong khi khá nhiều ngân hàng thương mại khác dù có hệ thống quản trị rủi ro dày đặc mức nợ xấu vẫn cao hơn lên tới 3-4%", Phó Thống đốc ví dụ.

Tuy vậy, trong bối cảnh mới, nhu cầu rất lớn với rất nhiều hoạt động, có tới 27 chương trình phải triển khai, do đó, Đảng, Nhà nước cần có sự chỉ đạo và có cơ chế để là xác định rõ tháo gỡ vướng mắc về vốn, nguồn lực, cơ chế cho NHCSXH.

Nếu chỉ có các địa phương không giải quyết được, cần có sự vào cuộc các ngành chức năng mới vào cuộc, từ đó quyết định được mô hình, nguồn lực, cơ chế, tiền lương của NHCSXH.

Cơ chế tín dụng chính sách và tín dụng thương mại cần có sự phối hợp. Có hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, hoặc có trường hợp thoát nghèo rồi nhưng vẫn chưa bền vững. Do đó, cần có sự phối hợp tín dụng, để người dân khi thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách, có cơ chế thuận lợi tiếp cận tín dụng thương mại để thoát nghèo bền vững, vươn lên. NHCSXH cũng cần đáp ứng tốt cả nhu cầu tiêu dùng, góp phần giảm thiểu tín dụng đen. Cơ chế tín dụng chính sách phải thiết kế đa dạng căn cứ tính chất các vùng miền khác nhau, vì "nghèo ở vùng Tây Bắc khác lí do nghèo ở Tây Nam Bộ"...

"Phải duy trì cơ chế tài chính, định chế tài chính là NHCSXH không vì lợi nhuận nhưng cũng phải tổ chức mang tính chính trị xã hội đơn thuần, mà vấn là ngân hàng, phải có cơ chế tài chính duy trì hoạt động lành mạnh, phát triển gia tăng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Phát biểu kết luật Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Các ý kiến đều thống nhất khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội, bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng nấc thang phát triển; góp phần quan trọng đối với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tín dụng chính sách xã hội ngày càng và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế; giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước; góp phần thực hiện thành công chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

PGS.TS Lê Văn Lợi cho rằng: Cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chị thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay… Cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, đồng thời thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội...Cần nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội; chú trọng công tác sơ, tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt, điển hình tiên tiến trong sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.

"Hội thảo đã cung cấp những cơ sở khoa học, thực tiễn và sự cần thiết của việc đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới", PGS.TS Lê Văn Lợi nói.

Huy Thắng


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-voi-tin-dung-chinh-sach-trong-boi-canh-moi-a172230.html