Đi qua thời hoàng kim
Cùng quá trình đô thị hóa, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội dần mai một. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, từ 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay trên địa bàn Thành phố chỉ còn tồn tại hơn 800 làng nghề và làng có nghề. Năm qua, Thành phố tiếp tục đưa ra danh sách 29 làng nghề đã mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi "Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống".
Có thể kể đến như làng nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Làng nghề truyền thống này đã giảm tới 90% số hộ làm nghề chỉ sau hơn 10 năm dù những nghệ nhân làm đàn luôn trăn trở giữ gìn, bảo tồn tổ nghiệp. Hay nghề làm cốm ở làng Mễ Trì có từ khoảng đầu thế kỷ 20, tồn tại đến nay đã hơn trăm năm. Với truyền thống lâu đời, nghề cốm Mễ Trì vẫn gìn giữ vẹn nguyên bí quyết làm cốm mà không nơi nào có được. Làng nghề cốm Mễ Trì được UBND Thành phố công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống năm 2016, sau đó được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019. Tuy nhiên, năm qua, làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì cùng với 28 làng nghề truyền thống khác được Thành phố đưa vào danh mục các làng nghề mai một cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi “Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống” của UBND Thành phố.
Làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã từng là một trong bốn làng nghề tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Ở thời kỳ đỉnh cao, làng đúc đồng Ngũ Xã là trường đúc lớn nhất kinh thành thời bấy giờ và là nơi lưu giữ tinh hoa của một trong bốn làng nghề truyền thống. Sự sáng tạo, tài năng của người nghệ nhân đúc đồng không chỉ dừng lại ở kỹ thuật đúc tượng mà nó còn được thể hiện qua kỹ thuật đúc chuông. Để đúc một chiếc chuông phải trải qua rất nhiều công đoạn nhưng công đoạn quan trọng nhất chính là làm khuôn của chiếc chuông đó. Khuôn phải có chỗ dày chỗ mỏng thì mới có thể cộng âm, âm thanh của chuông mới vang.
Trong khoảng 500 năm tồn tại và phát triển của làng, mỗi dòng họ đều giữ cho mình một bí quyết riêng, tạo nên bản sắc trong từng sản phẩm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, xưa gia đình nào cũng lấy nghề đúc đồng là nghề chính, có gia đình sống hoàn toàn nhờ vào đúc đồng, nhưng giờ đây, người dân làng Ngũ Xã không còn mấy người theo nghề. Cái tên Ngũ Xã giờ vẫn còn đó, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng cũng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa, song sự hoàng kim của một làng nghề ngày nào giờ chỉ còn là câu chuyện kể của lớp người ở tuổi xưa nay hiếm của làng.
Làng nghề mây tre, giang đan Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ xưa kia nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo với hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Làng được công nhận làng nghề truyền thống năm 2009. Tuy nhiên đến nay, số hộ làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, một số ít đã chuyển hướng nghề khác. Theo Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ: Người xưa thường ví “Hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan” để nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn, lấy công làm lãi của nghề đan lát. Nghề mây tre đan đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn rất nhiều sức lao động thủ công. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm, không phải ai cũng có thể thực hiện. Nghề đan lát cũng có khuôn mực của nó. Dù đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, thế nhưng nhiều lớp trẻ hiện nay vẫn khó mặn mà với nghề của ông cha bởi nghề khó nuôi sống được người.
Nhiều thách thức trong việc “giữ nghề” cho làng nghề
Mặc dù các làng nghề truyền thống, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Hà Nội đã có những hoạt động, giải pháp nhằm giữ mạch nguồn văn hóa của “đất trăm nghề”, song cuộc sống hiện đại đang có nhiều tác động khiến các làng nghề của Hà Nội, nhất là các làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một, đánh mất dần giá trị văn hóa truyền thống.
Nguyên nhân có thể kể đến là nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách...
Ông Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng chia sẻ: “Khi quay trở lại đảm nhận công việc duy trì Bảo tàng Hồn Đất Việt Bát Tràng, tôi phải tìm hiểu lại câu chuyện của chính gia đình mình, cùng mẹ thực hành việc làm gốm ở xưởng. Tuy là thế hệ tiếp nối nhưng tôi phải học lại từ đầu, phải tham gia những khoá học trực tuyến về quản lý văn hoá và di sản, những khoá học về giám tuyển, về việc phát triển bền vững. Tôi vừa học, vừa dựa trên những gì bảo tàng đang có để từ đó tìm ra được lối đi cho Bảo tàng. Đó là cái khó, nếu ai không thật tâm huyết, say với nghề thì khó mà kiên trì theo đuổi được”.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, các làng nghề đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn như: Khó thu hút được lực lượng lao động tâm huyết, có tính kiên trì, thiếu lao động trẻ có trình độ; không có sự liên kết giữa các làng nghề; một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ bị mai một và thất truyền... Một số làng nghề truyền thống ở Hà Nội có thế mạnh là lực lượng nghệ nhân rất đông đảo với khả năng tay nghề tốt, đáp ứng được thị hiếu của khách trong và ngoài nước. Song, việc duy trì làm sao để tạo ra được nguồn cảm hứng, cũng như gia tăng nguồn thu nhập vẫn là những trăn trở của bất cứ làng nghề nào. Lớp trẻ thường ngại những vất vả hay thiếu sự kiên trì, đó cũng là một trong những khó khăn để truyền nghề. Các nghệ nhân dù tài giỏi đến thế nào thì họ cũng phải có thể "sống" được với chính những sản phẩm do mình làm ra.
Hiện nay, công tác xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa thực sự được quan tâm dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Nhiều làng nghề chưa thành lập các hiệp hội nghề, hay thành lập CLB nghệ nhân thợ giỏi, quy tụ nghệ nhân về với nghề. Qua đó có thể thấy rằng nếu chỉ phát triển mang tính manh mún thì không thể thúc đẩy, gìn giữ được nghề và làn tỏa văn hóa làng nghề truyền thống. Theo ông Vũ Văn Đoàn, Phó Ban đại diện nhân dân Bát Tràng (Gia Lâm), người dân làng nghề truyền thống ai cũng tự hào và mong muốn làng nghề phồn vinh. Sự mai một của các làng nghề truyền thống cũng đồng nghĩa với việc mất đi nét văn hóa lâu đời khiến nhiều người nuối tiếc. Vì vậy, giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống là nhiệm vụ cần thiết, không chỉ bởi làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn mà còn giữ gìn, tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
(Còn tiếp)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-2-nguy-co-mai-mot-gia-tri-van-hoa-lang-nghe-a172276.html