Thi cử, nhảy cầu, học nghề và phạm tội

Bạn có thể chọn lựa một đời sống sẵn sàng theo đuổi ước mơ, sống với đam mê, hoặc chọn cái chết, hay gây nên những hoạt động tội ác. Tất cả, là do chính mình!...

Thời gian thi tốt nghiệp 12 vừa qua, cộng đồng mạng được dịp xôn xao với câu chuyện về người đàn ông đã ở tuổi 48 vẫn quyết lòng thi đại học. Một lần nữa, dân mạng lại đào xới câu chuyện về tinh thần hiếu học của người Việt.

Qua tìm hiểu thông tin, tôi được biết người đàn ông ở tuổi 48 là một ông bố đơn thân, một mình nuôi hai con, có công việc ổn định. Ông quyết lòng thi vào đại học, để nâng cao tinh thần học tập, làm gương cho hai con.

Ông là một người ham học, coi trọng tri thức, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, nên ngày xưa không thể theo đuổi ước mơ học tập, mà phải bươn chải vào đời để mưu sinh. Giờ cuộc sống ổn định, ông quyết chí thực hiện hoài bão của tuổi trẻ.

Câu chuyện về ông, ít nhiều khơi lên ngọn lửa ham hiểu biết, ham tri thức, với không chỉ những người đã gần ngưỡng cửa 50 tuổi, mà còn kích thích sự dám ước mơ với những người trẻ.

Như ông chia sẻ, ông muốn làm gương cho chính hai con, ngay trong gia đình mình, chứ không đâu xa. Qua video trò chuyện, cho thấy ông là một người chất phác, quyết đoán, có tinh thần cầu tiến rất cao.

Câu chuyện về ông còn cổ vũ tinh thần dám theo đuổi ước mơ. Một người, khi khát vọng đủ lớn, thì người đó sẵn sàng thực hiện ước mơ của mình, dù trẻ hay già.

Sau câu chuyện về người đàn ông 48 tuổi vẫn thi tốt nghiệp phổ thông, để lấy điểm vào đại học, thì cộng đồng mạng lại thấy thông tin về một vụ nhảy cầu tự tử, của một em học sinh sau khi thi vào 10.

Hai câu chuyện với hai chiều kích cảm xúc trái ngược nhau. Một bên thì mang lại năng lượng tích cực cho con đường theo đuổi đam mê, theo đuổi ước mơ. Một bên là những phức cảm khá chông chênh của chuyện áp lực học hành, thi cử, một dạng cảm xúc tiêu cực về câu chuyện giáo dục.

Chuyện về việc nhảy sông hay nhảy lầu tự tự của những học sinh cấp hai, cấp ba, không còn là chuyện hi hữu trong xã hội Việt Nam đương đại. Năm nào chúng ta cũng chứng kiến một vài vụ tương tự, mà nguyên nhân xuất phát từ trong chính gia đình.

Đành rằng, việc học hành quá nặng nề, thiên về thành tích, hình thức, cũng là một trong những nguyên nhân làm giới trẻ chán học, và có những ý nghĩ không mấy tích cực. Để rồi sẵn sàng chôn vùi cả tuổi trẻ. Nhưng chuyện giáo dục trong gia đình cũng quan trọng vậy.

Tôi có một góc nhìn nho nhỏ, là đặt cậu con trai sinh năm 2009 bên cạnh người đàn ông 48 tuổi (sinh năm 1976), có lẽ, cậu ấy sẽ không bao giờ nhảy cầu tự tử, hoặc có bất cứ hành động rồ dại nào.

Chuyện giáo dục trong gia đình, đâu nhất thiết phải là một người có học thức cao, bằng cấp nhiều, thành đạt lớn, mà còn là câu chuyện về ý thức. Người đàn ông 48 tuổi kia, dù mới chỉ học hết 12, nhưng ý thức giáo dục con rất cao. Và cái quý cũng như quan trọng nhất, đó là sự làm gương.

Chàng trai sinh năm 2009 kia, được công an cứu sống, và rồi lại trở về với cuộc sống, mong rằng chàng sẽ sớm tìm được niềm an yên trong chính lòng mình, trong chính gia đình mình, để sống hạnh phúc, và theo đuổi ước mơ.

Nhắc đến giới trẻ, và ước mơ, thì không thể không nhắc đến chuyện nghề nghiệp. Và mối xung đột giữa bố mẹ với con cái, đôi khi cũng là câu chuyện liên quan đến việc chọn lựa nghề nghiệp và định hướng tương lai.

Nhiều người luôn nghĩ đến nghề nghiệp thì cần phải rõ ràng, ổn định, và thậm chí là có chức vụ, quyền lực. Nhưng thử đặt một giả thiết, rằng ai cũng có khát vọng nghề nghiệp như vậy, thì xã hội sẽ như nào? Ai sẽ làm những công việc không tên?

Câu chuyện về chàng trai tự mày mò học cách làm búp bê để thỏa mãn đam mê là một ví dụ, đó là một loại hình công việc mang tính “không tên”.

Chàng trai đã thành công vì đam mê của mình, tạo ra thu nhập tốt cho bản thân, khi được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ khách Việt, mà còn khách nước ngoài đặt hàng. Nghề tạo hình búp bê không chỉ mang lại nguồn thu nhập tốt, mà còn giúp chàng trai được sống hạnh phúc với đam mê của mình.

Và hiển nhiên, trong xã hội có người sống tích cực, làm những điều tốt, thì cũng có người lại muốn làm giàu bằng những thủ đoạn, những hành động vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, để thỏa mãn lòng tham.

Chuyện về chàng trai mặc áo Grab, chở một người ngồi sau, bị phát hiện mang theo thuốc phiện. Cơ quan chức năng đã đấu tranh và bắt giữ.

Vấn đề sử dụng và buôn bán chất ma túy, là câu chuyện không xa lạ gì với đời sống hiện nay. Dù chính phủ vẫn ra sức ngăn chặn, nhưng tội phạm vẫn mãi phạm tội.

Ở đây, cần nhìn nhận vấn đề với nhiều góc độ, nhưng căn bản nhất vẫn là vấn đề về lòng tham. Vì ham tiền, ham ăn chơi, mà một bộ phận không nhỏ thành viên trong xã hội gây nên những chuyện không tốt cho xã hội. Trong đó có tình trạng sử dụng và buôn bán ma túy.

Cùng tồn tại trong một hiện thực xã hội, nhưng mỗi người lại mang đến cho mình một nguồn năng lượng khác nhau, tốt, xấu, tích cực, tiêu cực. Do đó, điều sau cùng, cuộc sống của mỗi người diễn ra như thế nào, là do ý thức của chính mình vậy!

Bạn có thể chọn lựa một đời sống sẵn sàng theo đuổi ước mơ, sống với đam mê, hoặc chọn cái chết, hay gây nên những hoạt động tội ác. Tất cả, là do chính mình!...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thi-cu-nhay-cau-hoc-nghe-va-pham-toi-a172517.html