Hô biến MQ-9 Reaper thành UAV tàng hình với “thiết bị mật”

Với thiết bị này, drone MQ-9 Reaper có thể hoạt động mà hầu như không bị phát hiện (có khả năng tàng hình), cải thiện khả năng sống sót và hiệu suất của “Lưỡi hái”.

Thủy quân lục chiến Mỹ đang cố gắng làm cho phi đội máy bay không người lái (UAV/drone) “Lưỡi hái” MQ-9 Reaper của mình trở nên “tàng hình” hơn, nghĩa là khó bị phát hiện hơn, bằng cách trang bị cho những chiếc UAV này một thiết bị công nghệ cao bí mật có thể chống lại cảm biến của kẻ địch.

Thông tin trên được Tướng Eric M. Smith, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, hé lộ tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức hôm 2/7. Theo ông, thiết bị này là một hệ thống hỗ trợ điện tử phòng thủ gọi là RDESS/SOAR, mang lại cho Reaper “khả năng biến mất một phần khỏi radar của đối phương”.

Tướng Smith từ chối đi vào chi tiết về RDESS/SOAR, với lý do đây là “thiết bị mật”, và cũng không tiết lộ có bao nhiêu nền tảng sẽ được tích hợp thiết bị đặc biệt này để giúp chúng trở nên “tàng hình” hơn.

The War Zone (TWZ) gọi RDESS/SOAR là một pod tác chiến điện tử (EW pod), cho biết rằng RDESS/SOAR ban đầu được Không quân Mỹ thử nghiệm vào năm 2021, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin về loại thiết bị này. Không rõ khi nào Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lần đầu tiên ứng dụng “thiết bị mật” này.

Công nghệ - Hô biến MQ-9 Reaper thành UAV tàng hình với “thiết bị mật”

Một chiếc MQ-9A MUX/MALE của Thủy quân lục chiến Mỹ đậu trên đường băng tại căn cứ Kaneohe Bay, Hawaii, ngày 2/8/2023. Ảnh: USNI News

Trong khi Reaper, còn được gọi là Predator B, nổi tiếng là “kẻ săn lùng khủng bố” cho Không quân Mỹ và CIA trong các cuộc chiến hậu 11/9 ở Trung Đông, Thủy quân lục chiến Mỹ chủ yếu muốn sử dụng “Lưỡi hái” để liên lạc, chuyển tiếp dữ liệu, dùng cho nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và nhắm mục tiêu (ISR-T), cũng như thực hiện các nhiệm vụ bổ sung như nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (MDA), mở rộng mạng lưới đường không (ANE), cảnh báo sớm trên không (AEW) và hỗ trợ điện tử (ES).

Reaper sẽ cung cấp cho Thủy quân lục chiến Mỹ phạm vi cảm biến mà chúng tôi cần để hoàn thành mục tiêu và chiến đấu từ các địa điểm xa xôi nếu cần, Tướng Smith giải thích. Ông nói: “Ngày nay các vị phải có khả năng nhận biết tình hình trên phạm vi rộng, phải hiểu được điều gì đang xảy ra, phải có khả năng chia sẻ dữ liệu đó khắp nơi trên không gian chiến đấu với lực lượng chung. Đó là lý do tại sao MQ-9 của chúng tôi rất quan trọng”.

Những chiếc drone MQ-9 Reaper mà Thủy quân lục chiến Mỹ đặt hàng từ nhà sản xuất General Atomics dài 36 feet (11 m) với sải cánh 66 feet (20 m), có thời gian bay lên tới 27 giờ, có thể bay ở độ cao 50.000 feet (15.240 m), có khả năng tải trọng bên ngoài 3.000 pound (1.360 kg) và bên trong 850 pound (385 kg), và có thể bay với tốc độ 240 hải lý/giờ (444 km/h), theo các slide thông tin được trình bày tại một hội nghị về hàng hải thời hiện đại hồi tháng 5.

Nhìn chung, máy bay không người lái thiếu khả năng “tàng hình” như MQ-9 Reaper hay RQ-4 Global Hawk được coi là rất dễ bị tổn thương trong một cuộc xung đột cường độ cao trong tương lai, mặc dù chúng vẫn có thể thực hiện các vai trò hỗ trợ ở các vị trí xa tiền tuyến hơn.

Ví dụ, có thông tin cho rằng trong chiến dịch hải quân ở Biển Đỏ, ít nhất 4 chiếc Reaper đã bị phiến quân Houthi của Yemen bắn hạ, trong đó có 3 chiếc chỉ trong tháng 5.

Do đó, việc bổ sung chiếc pod “thần bí” RDESS/SOAR mang lại lợi ích to lớn cho Reaper, khiến “Lưỡi hái” có thể hoạt động mà hầu như không bị phát hiện (có khả năng tàng hình), cải thiện khả năng sống sót và hiệu suất của loại UAV có cao độ bay trung bình và khả năng hoạt động lâu dài (MALE) này.

Minh Đức (Theo TWZ, Defense Scoop)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ho-bien-mq-9-reaper-thanh-uav-tang-hinh-voi-thiet-bi-mat-a172532.html