Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới

(PNTĐ) - Gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người được dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời. Trong xu thế hiện nay, nhiều hình thái gia đình ra đời nhưng các gia đình Việt vẫn duy trì, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống.

Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới - ảnh 1
Gia đình nhỏ của chị Thuỳ Linh.

Muôn màu hạnh phúc, muôn màu yêu thương

“Tôi là một bà mẹ đơn thân trong một ngôi nhà tràn ngập tiế́ng cười và những bữa ăn ngon”, Minh Khuê (kinh doanh online, sống tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ. Minh Khuê từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, trở thành mẹ đơn thân nuôi con gái nhỏ. Nhưng, cô vẫn tìm thấy hạnh phúc theo một cách riêng. Cô sắp xếp cuộc sống của mình, tạo niềm vui bằng những bữa cơm gia đình ấm cúng. Trên hết, dù tổ ấm của cô có thể không đủ đầy theo quan niệm truyền thống, nhưng cô vẫn tạo ra được một môi trường an toàn, hạnh phúc để bản thân và con nương tựa, phát triển.

Chồng là bộ đội hải quân, quanh năm vắng nhà nên Nguyễn Thùy Dương (Hải Dương) đã thay chồng chu toàn công việc nội ngoại và con cái. Năm nay, niềm vui đã nhân đôi khi anh vừa được về đoàn tụ và gia đình nhỏ có thêm thành viên mới. “Bếp luôn đỏ lửa, anh dạy con trai biết giúp mẹ làm việc nhà”, chị Dương kể. Dù vợ chồng không được thường xuyên bên nhau, nhưng Dương luôn nhìn hạnh phúc theo cách riêng. Đó là họ luôn hướng về nhau, biến khoảng cách xa thành gần và khi được đoàn tụ thì hạnh phúc chính là những bữa cơm đông đủ thành viên, đầy ắp tiếng cười. 

Bích Ngọc, sống tại Hà Nội nói rằng, cô có được tổ ấm hạnh phúc là nhờ mẹ - một người phụ nữ không trọn vẹn trong hôn nhân. “Chính là mẹ đã dành hết đau khổ về mình để các con được lớn lên trong sự yêu thương và có niềm tin vào cuộc sống. Dù bố mẹ không còn ở với nhau nữa, nhưng mẹ luôn dạy rằng, dù bố có như thế nào vẫn là bố của các con, sau này các con phải có trách nhiệm với bố”. Nhờ có mẹ luôn ở bên làm điểm tựa, vợ chồng Ngọc đã chia sẻ với mẹ nhiều ý định cho tương lai và được mẹ chỉ bảo. “Giờ đây, chúng mình đều mong mẹ sẽ tìm được một người bạn tri kỉ thật sự. Người ấy sẽ yêu thương mẹ, chăm sóc mẹ, bù đắp lại cho mẹ những phần khuyết thiếu, để mẹ xứng đáng có một gia đình hạnh phúc cho riêng mình”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đang sống cùng gia đình chồng - một gia đình 3 thế hệ. Linh kể, dù cho đi đâu, làm gì mọi người trong gia đình cô đều mong ngóng đến cuối tuần để gặp nhau. “Mình chính là nàng dâu được mẹ chồng chăm sóc suốt thời gian phải cách ly vì dịch bệnh, cũng chính là cô em dâu suốt ngày rủ các chị chồng về sum họp. May mắn của mình chính là được cả gia đình chồng yêu thương và coi như em út trong nhà. Mình thấy, mọi người trong gia đình mình dường như đều có chung tâm niệm, nhà không cần quá lớn, chỉ cần mình thấy đủ, mọi người nghĩ cho nhau thì đã là hạnh phúc rồi”- chị Linh nói.
Giữ hồn cốt gia đình truyền thống thời hiện đại
Theo các chuyên gia, mặc dù xu hướng hạt nhân hoá gia đình đang trở nên phổ biến ở Việt Nam, song các gia đình tam tứ đại đồng đường vẫn được giữ gìn, bởi trên thực tế, nhiều gia đình đa thế hệ vẫn có thể sống hạnh phúc, hòa thuận. Đó là khi cha mẹ không phân biệt dâu, rể, trai, gái; ông bà luôn coi con dâu, con rể như con ruột của mình. 

Như gia đình ông Nguyễn Đức Long (phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện sinh sống cùng gia đình con trai cả và 3 cháu nội. Hơn 55 năm qua, vợ chồng ông luôn tâm niệm “cha mẹ là tấm gương cho con cái”. Vợ chồng ông luôn nhường nhịn, hoà thuận, làm tấm gương tiêu biểu cho con cháu học tập, noi theo. “Chúng tôi giáo dục con cháu phải có trách nhiệm yêu thương những người thân trong gia đình, chia sẻ với bạn bè lúc khó khăn, góp phần xây dựng một cộng đồng dân cư văn hoá, đẩy lùi tệ nạn xã hội” - ông Long nói.

TS. chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục Khai Tâm cho biết, văn hóa gia đình là nền tảng xây dựng nên các giá trị xã hội. Mỗi loại hình gia đình đều có giá trị riêng trong tạo dựng truyền thống gia đình. Những tinh hoa, giá trị sống của gia đình sẽ được chắt lọc, kế thừa và phát triển trong tương lai. Như vậy, những giá trị của gia đình truyền thống sẽ luôn được bảo tồn, phát huy trong xã hội văn minh và tiến bộ. TS Mã Ngọc Thể cho rằng, để gia đình đa thế hệ tồn tại bền vững, cần có những thay đổi để thích ứng với xu thế thời đại. “Một gia đình hạnh phúc chính là một gia đình có sự thống nhất, đoàn kết, trách nhiệm và chia sẻ với nhau. Mỗi thành viên biết tạo dựng niềm vui, động lực để mọi người cùng tham gia tích cực vào các hoạt động sinh hoạt chung trong gia đình. Có như vậy, gia đình mới trở thành đoàn tàu thúc đẩy, hỗ trợ các thành viên ngày một tiến bộ, văn minh và yêu thương nhau nhiều hơn” - TS Mã Ngọc Thể nhấn mạnh.

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, người Việt Nam, trong đó có phụ nữ đã biết chắt lọc các nét đẹp trong quan điểm hiện đại của thế giới về gia đình để bổ sung vào truyền thống gia đình Việt Nam. Đó là các vấn đề về bình đẳng giới, vấn đề quyền trẻ em, sự tôn trọng tự do cá nhân… Ngày nay, ngày càng nhiều nam giới tham gia vào các hoạt động giữ gìn truyền thống và xây dựng nếp sống mới trong gia đình. Họ trở thành hình mẫu xây dựng mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng trong gia đình, không sử dụng bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ đã giáo dục cho con cháu sự bình đẳng về cơ hội học tập, dinh dưỡng, giáo dục về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình. Truyền thống của gia đình còn thể hiện trong việc làm gương của  ông bà, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Khi ông bà, cha mẹ tôn trọng nhau, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề… sẽ là tấm gương sáng cho con cháu học tập.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giu-gin-gia-tri-gia-dinh-viet-thoi-ky-moi-a172564.html