Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) ngày 28/6. Dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Bình Phước và Đăk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trong tương lai, giảm tải cho quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh.
Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.
Vai trò của Bộ GTVT
Đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Phước và Đắk Nông theo nhiệm vụ là cơ quan chủ quản sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.
Riêng dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư - PPP, sau khi hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ trình Hội đồng thẩm định Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Phước với vai trò là cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Dự kiến, 4 dự án thành phần do địa phương là cơ quan chủ quản (2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang và 2 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư) sẽ khởi công vào cuối năm 2024.
Với dự án này, Bộ GTVT sẽ giữ hai vai trò. Vai trò thứ nhất là cơ quan chuyên môn về xây dựng, cùng tham gia với Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định dự án. Vai trò thứ hai là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện
Bên cạnh các cơ chế đặc thù về giải ngân vốn, trình tự triển khai dự án, Nghị quyết Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng cho dự án, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để tối ưu thời gian chuẩn bị đầu tư.
Cụ thể, Nghị quyết Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cục Đường cao tốc Việt Nam nhìn nhận, trên thực tế, một số dự án cao tốc lớn được triển khai trong thời gian qua cho thấy, khi cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ giao mặt bằng sạch từ 90 - 95% chỉ sau khoảng 1 năm kể từ ngày Quốc hội bấm nút.
Bên cạnh đó, nếu trước đây, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc như Gia Nghĩa - Chơn Thành thường phải mất khoảng 2 năm kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương thì nhờ cơ chế đặc thù, thời gian này được rút ngắn tối thiểu 1 năm. Vì vậy, những khó khăn phát sinh chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng cho rằng, với số liệu về dự báo nhu cầu vận tải như hồ sơ trình Quốc hội, kết quả tính toán phương án tài chính cho thấy việc đầu tư dự án là khả thi theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP.
Địa phương đã sẵn sàngÔng Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các đơn vị bắt tay ngay vào công việc.
Dự án có tổng diện tích GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông là 261ha bao gồm hơn 8ha đất ở, 1,58ha đất trồng lúa, 25,1ha đất trồng hoa màu, 175,9ha đất trồng cây lâu năm và 50,2ha đất trồng cây hàng năm. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 408 hộ, dự kiến bố trí tái định cư khoảng 250 hộ, kinh phí 662 tỷ đồng.
Nhu cầu sử dụng cát của dự án đoạn qua địa bản khoảng 130.000m3. Theo rà soát, tỉnh có 7 mỏ cát đang khai thác, tổng công suất hàng năm khoảng 182.000m3/năm, đáp ứng dư nhu cầu. Nhu cầu đá của dự án khoảng 690.000m3. Hiện tỉnh có 9 mỏ đang hoạt động, trữ lượng khoảng 8.185.678m3, công suất 539.800m3/năm, đáp ứng đủ nhu cầu. Về đất đắp, nhu cầu sử dụng khoảng 2.580.000m3, trên địa bàn có 19 mỏ, trữ lượng thừa sức đáp ứng.
Tổng mức đầu tư của dự án là 25.540 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, riêng tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng thực hiện hai gói thầu GPMB (662 tỷ đồng) và xây lắp (khoảng 338 tỷ đồng). Địa phương đã có nghị quyết, thống nhất về việc bố trí.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát kỹ khối lượng GPMB, lựa chọn các vị trí tái định cư và dự kiến các nguồn cung cấp vật liệu.
Về nguồn cung vật liệu, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 16 mỏ vật liệu đất đắp trữ lượng 18.850.000m3, 24 mỏ đá xây dựng trữ lượng 146.700.000m3, 2 mỏ cát trữ lượng 1.468.000m3, các mỏ đất đắp trữ lượng 20.080.000m3, đáp ứng toàn bộ nhu cầu.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành nếu được đầu tư sẽ là tuyến đường đẹp, được người dân Đông Nam Bộ chờ đợi.
Theo Bộ trưởng, nhiều dự án BOT giai đoạn trước có thời gian thu phí tới 30 năm vì không có vốn Nhà nước tham gia, tuy nhiên dự án này sẽ có phần vốn góp của Nhà nước nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn. Do đó, Bộ trưởng có niềm tin rằng dự án sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia khi thời gian dự kiến thu phí không quá dài (khoảng 18 năm). Dự án cũng được đảm bảo lãi suất ngân hàng, tỷ suất đầu tư, tương đồng với 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP trên trục Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành.
Phan Trang
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/phan-dau-khoi-cong-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-cuoi-nam-2024-a172590.html