Vạch áo...

Nó chứng tỏ một điều là, người ta vẫn cần cái danh. Và khi không được đáp ứng thì... nổi loạn. Nổi loạn một cách... phi thường, bất chấp.

Là cái chuyện ở làng văn Sài Gòn ấy, nơi được coi như là một trong những địa phương mạnh, là trung tâm văn chương phía Nam và cả nước.

Thì đang yên bình thế, một bà làm thơ, “suýt” được kết nạp, bị dừng lại vì những chuyện ngoài văn chương, nhảy dựng lên, tố cáo trên phây, và rồi chính thức gửi đơn cho các cơ quan có trách nhiệm của thành phố, tố toàn những chuyện trời ơi.

Tôi có đọc thơ chị này, trên phây của chị ấy, mỗi bài thơ đăng kèm cái ảnh tác giả, thì thấy, té ra làm hội viên hội Nhà văn Tp.HCM cũng... dễ, nếu chị này được kết nạp.

Nhưng cái lý do để ngừng kết nạp chị này lại là bởi việc khác, thông tin từ một số nhà văn thì do chị này vu khống một bác hội viên  của hội văn thành phố (đã khá cao tuổi và bị chất độc da cam) gạ tình chị ấy, rủ chị ấy đi nhà nghỉ. Chị ấy viết lên phây, zalo rồi đi bêu riếu khắp nơi. Bác này, nghe nói đã trên tám chục tuổi, bèn đến hội tuyên bố: nếu vẫn tổ chức kết nạp cho chị này trong cái lễ sắp diễn ra bác sẽ tới và làm to chuyện. Tình hình căng thẳng, người đề nghị kết nạp chị này bèn gửi văn bản đề nghị cho hội báo cáo và đề nghị dừng kết nạp để làm sáng tỏ mọi chuyện.

Nhưng chị này lơ chuyện dừng đi, mà cho là đã duyệt thông qua rồi nhưng hội Nhà văn  Tp.HCM lại gạch tên chị. Thế là chị “tranh thủ” tố luôn chuyện có thành viên BCH đã gợi ý vòi tiền và quà của chị ấy.

Cơ khổ, đã nghèo lại gặp eo.

Văn chương là chốn dễ bị thị phi, giờ lại thêm chính trong nhà tố nhau, đấy nhé, các ông các bà viết thì toàn thiêng liêng cao cả, toàn nhân văn trong trắng, toàn rưng rưng trinh nguyên tốt đẹp vân vân, giờ té ra, chả khác gì... chúng sanh, thậm chí không bằng.

Mà lại cứ rêu rao khắp thế. Cõi mạng tràn ngập thông tin, nhiều chiều. Lãnh đạo nhận đơn cũng lúng túng.

Đến hôm kia thì đã ba mặt một lời. Các báo đã đưa thông tin cuộc họp giữa ban kiểm tra của hội Nhà văn Tp.HCM và chị này để đối chứng. Và theo kết quả được đăng tải thì chị này sai toàn tập.

Thế nhưng, ơ kìa, trên Facebook của chị ấy, vẫn rất đanh thép, vẫn giữ nguyên quan điểm cũ, và cho rằng việc làm của hội Nhà văn Tp.HCM là “việc làm bỉ ổi”.

Thua chị này toàn tập rồi.

Tôi từng làm ở hội VHNT, từng có kinh nghiệm, và cũng từng gặp những người gần như chị này, nhưng phải nói là, chị này mới xứng... đỉnh cao.

Nó chứng tỏ một điều là, người ta vẫn cần cái danh. Và khi không được đáp ứng thì... nổi loạn. Nổi loạn một cách... phi thường, bất chấp.

Tôi thương các anh chị vác tù và hàng tổng ở hội Nhà văn HCM. Họ đúng nghĩa là làm đầy tớ thiên hạ. Làm đúng cũng ăn chửi và làm sai càng ăn chửi.

Trong trường hợp cụ thể này, tôi thấy chị đi kiện là người không biết điều. Khi cám ơn hoặc trao đổi mà phải ghi âm thì quả là nó thành “thế lực thù địch” của nhau rồi, chỉ tiếc các anh chị “được” nhắc tên đã ngây thơ, chủ quan mà giờ bị liên lụy. Nhưng tôi tin các anh chị ấy trong sáng. Gớm, cái hội nhà văn địa phương ấy mà, dẫu là Tp.HCM, thì có gì mà phải hối lộ để được vào. Có chăng là bữa nhậu, cữ cà phê..., trong trường hợp cụ thể này, vẫn còn tin nhắn, là chị đi kiện này hứa ủng hộ hoa cho buổi lễ kết nạp, nhưng người nhận tin nhắn đã từ chối.

Vả nữa, nếu mặc cả trước khi tiến hành công việc là chuyện khác, còn việc xong rồi, cảm ơn nhau nó cũng chả có gì tới nỗi phải băm chặt nhau tới tái tê như thế.

Hai món phức tạp nhất của các hội VHNT từ trước tới nay là kết nạp hội viên và giải thưởng. Giờ có thêm món xét đầu tư, tức là chia nhau tiền nhà nước tài trợ cho sáng tác, nhưng vì đều là hội viên nên quyền lợi như nhau nên sự chia nó phải cào bằng, một việc rất... hội hè và không đúng tiêu chí tài trợ. Nhưng biết làm sao, tiền “chùa” mà, phải chia đều, không là... kiện, ít nhất là “căn cứ vào đâu mà bảo nó hay hơn tôi?”

Xấu hổ nhất của giới viết lách là kiện nhau. Chuyện dẫu nhỏ nhưng vì là giới viết, họ tung hê lên, chả nể ai, mà trường hợp chị “kiện” này là ví dụ. Thực ra vẫn còn người vuốt mặt nể... trứng cá, nên ầm ầm lên trong cuộc họp rồi thôi, nhưng chị này tung hê lên mạng xã hội, gọi nhà văn là con này thằng kia thì nó ghê răng rồi. Và qua cái việc gọi “đối thủ” là con cũng biết người gọi nhân cách và phông văn hóa nó như thế nào rồi.

Một số bạn văn sở tại “phím” cho tôi rằng, đây là chiến dịch “hạ bệ” nhau trước đại hội. Ơ thế té ra hội Nhà văn Tp.HCM sắp đại hội à? Vầng, sắp mà. Tôi không tin lắm, bởi nhà văn với nhau ai lại thế. Và như bản thân tôi đây, thoát được việc hội hè nó mừng vô cùng, vì như đã nói, làm ở đấy là làm đầy tớ, làm nàng dâu hầu một lúc rất nhiều bố chồng, mẹ chồng, toàn những loại tính khí ngút trời, tài năng vô biên, các ông bà được phục vụ chúng tôi là nhờ kiếp trước... Minh Tuệ lắm đấy chứ tưởng à. Hồi tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập một hội VHNT địa phương, được... vợ đồng ý, đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước 3 năm. Và khi nhận cái quyết định hưu (đúng tuổi vì đơn không được giải quyết), nó như trẻ ra tới mấy tuổi, nó như vừa thoát một gánh nặng, nó được mình là mình. À lại nhớ thì đấy, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch hội Nhà văn Tp.HCM vừa ra tập thơ, một vài nhà thơ hội viên đăng đàn: Tại sao nhà văn mà lại... làm thơ và xuất bản thơ? Khổ chưa, nếu không làm Chủ tịch sẽ không bị cật vấn thế?

Đa chiều - Vạch áo...

Ảnh minh họa.

À nhân đây nói thêm một chút về các hội và cơ quan VHNT địa phương.

Mô hình thì hoạt động như một cơ quan hành chính sự nghiệp, nhưng lại hoạt động hội, chi tiền ngân sách, theo luật ngân sách...

Mô hình này theo tôi giờ đã lỗi thời, khi nó chỉ dựa vào kinh phí bao cấp để hoạt động, tạo nên sự cào bằng, sự chi tiêu rất vô trách nhiệm, ví dụ các đoàn nghệ thuật xin kinh phí dựng chương trình đi hội diễn, liên hoan... rồi nhận huy chương về lại xin kinh phí để... báo cáo thành tích, lĩnh thưởng của tỉnh rồi... cất chương trình vào kho. Ví dụ các hội VHNT nhận tiền tài trợ hàng năm của Chính phủ, về chia nhau rất cào bằng hoặc theo cánh hẩu, hầu như không có nghiệm thu, năm nào cũng có khoản này mà chất lượng ngày càng lèo tèo. Ví dụ như các tạp chí văn nghệ địa phương in vài ba trăm cuốn mỗi kỳ với chất lượng rất tệ, nhiều ban biên tập không có năng lực thẩm định hay dở, cứ thấy có bài là in, một mặt là in xong thì... cất kho, lãng phí rất lớn khi vẫn phải trả tiền in tiền giấy và nhuận bút, mặt khác, điều này mới quan trọng, nó làm đảo lộn, ít nhất là lệch chuẩn nghệ thuật, cứ thấy được in trên báo/ tạp chí văn nghệ của tỉnh là thành nhà văn nhà thơ rồi, khiến cho cả người sáng tác và người đọc đều ngộ nhận, đều không biết đâu là sự thật...

Cái quan trọng và buồn là, những sự lùm xùm không đáng có làm xã hội có cái nhìn méo mó về văn nghệ sĩ. Và chất lượng hội viên cũng gây nhiều xì xào. Tất nhiên gió tầng nào mây tầng ấy, sinh ra hội là để phục vụ hội viên, nhưng hội viên cũng có năm bảy tầng hội viên...

Cứ như những gì chị “kiện” kia tuyên bố trên FB chị ấy, thì sự kiện vẫn chưa kết thúc. Nhớ thời chiến tranh miền Bắc có bộ phim rất hấp dẫn khi ấy: Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn...

Buồn lắm.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vach-ao-a172686.html