Ngày 8/7, phiên tòa xét xử vụ án In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và Trốn thuế do bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (SN 1973, ngụ quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục với phần tranh luận.
Đủ cơ sở khẳng định các bị cáo có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố
Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND thành phố Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với các bị cáo.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án mua bán hóa đơn với số tiền đặc biệt lớn, do bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cầm đầu. 38 bị cáo có liên quan trong vụ án được xác định vai trò đồng phạm, giúp sức cho Trang thực hiện hành vi phi pháp, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Đại diện VKS cho rằng, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại tòa, đủ cơ sở xác định, ngày 9/3/2023, lực lượng chức năng tuần tra trên tuyến đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh), phát hiện đối tượng Mạc Trí Minh đang điều khiển xe có nhiều biểu hiện nghi vấn, nên yêu cầu ngừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, đối tượng Minh khai nhận đang đi giao hồ sơ, tài liệu giúp Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang. Từ lời khai của Minh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ Trang và hàng loạt đối tượng liên quan.
Tiến hành khám xét 9 địa điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, công an thu giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy tính, điện thoại di động, một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.
Tại cơ quan điều tra Trang khai bắt đầu mua bán hóa đơn khống từ tháng 4/2017. Để phục vụ cho các hoạt động phi pháp của mình, Trang lấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người thân, hoặc mua chứng minh nhân dân, căn cước công dân ở các tiệm cầm đồ để thành lập nhiều công ty ma; mua lại những công ty lập ra nhưng không hoạt động.
Sau đó, Trang thuê Ngô Thị Bích Thủy (SN 1977, ngụ quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) làm dịch vụ thành lập pháp nhân mới, thay đổi pháp nhân không hoạt động mua lại trước đó, kêu gọi người thân hoặc người có quan hệ thân thiết tham gia đường dây mua bán hoá đơn trên và phân công nhiệm vụ, vai trò cho từng người rất chặt chẽ, nhằm mục đích hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Trang là người trực tiếp tìm khách hàng trên mạng Internet, liên hệ qua ứng dụng Zalo để chào bán hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, với mức giá thỏa thuận là 1,5% đến 2% trên trị giá hóa đơn chưa thuế.
Sau khi chốt đơn mua hóa đơn khống với khách hàng, Trang đẩy thông tin cho em gái của mình là Hoàng Ngọc Phượng Trân (SN 1981, ngụ quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) để Trân trực tiếp soạn thảo hợp đồng, xuất hóa đơn.
Trang cũng giao cho em gái trực tiếp quản lý các con dấu các công ty ma/pháp nhân ma, giấy đăng ký kinh doanh, chữ ký số, mở tài khoản, quản lý tài khoản và chủ động giao dịch chuyển khoản, thanh toán. Trân cũng là người kiểm tra thông tin hóa đơn khách hàng và thực hiện xuất hóa đơn điện tử, soạn thảo hợp đồng, quản lý tiền phí và báo cáo lại cho Trang.
Để tránh bị phát hiện, mỗi pháp nhân ma được thành lập, sau thời gian hoạt động xuất hóa đơn khống khoảng 3-4 tháng, Trang sẽ đóng mã số thuế, ngưng giao dịch. Sau đó, Trang lập và sử dụng pháp nhân "ma" mới nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế và sự phát hiện của công an.
Bên cạnh đó, Trang kết nối và sử dụng các kế toán chuyên làm dịch vụ bao trọn gói từ đăng ký thuế, kê khai báo cáo, tự cân đối doanh số đầu ra, đầu vào tương ứng với hóa đơn khống xuất bán. Nhóm này đã tạo ra các chân rết để xuất khống hoá đơn cho các doanh nghiệp, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền rất lớn.
Trong một thời gian dài, bị cáo Trang đã mua lại 21 pháp nhân, lập mới 20 pháp nhân tại các quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai. Tất cả 41 pháp nhân này đều không hoạt động thực, chỉ sử dụng để xuất khống hóa đơn.
Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định được hoạt động mua bán hóa đơn, trốn thuế của 31 công ty do Trang lập tại thành phố Hồ Chí Minh. Riêng 10 công ty Trang lập tại tỉnh Đồng Nai được tách hành vi giải quyết riêng.
Tổng cộng, 31 công ty do Trang lập tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân/tổ chức khác nhau trên 51 tỉnh thành của cả nước, với tổng giá trị hàng hóa/dịch vụ có giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.424 tỷ đồng.
Chủ mưu vụ án bị đề nghị từ 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù
Đại diện VKS khẳng định, việc truy tố các bị cáo là khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào hoạt động kinh tế, gây mất trật tự xã hội và gây thiệt hại số tiền lớn của Nhà nước, do đó cần có mức án nghiêm khắc, đủ tác dụng giáo dục riêng với từng bị cáo và răn đe phòng ngừa chung đối với xã hội.
Trong vụ án này, bị cáo Mỹ Trang đóng vai trò chủ mưu; bị cáo Trân và Bích giữ vai trò giúp sức trong việc in, phát hành, mua bán hóa đơn. Quá trình xét xử, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, có bị cáo bị bệnh nặng…đây là các tình tiết được VKS xem xét, làm căn cứ giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Từ lập luận trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX cùng cấp tuyên phạt bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang từ 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù. Hoàng Ngọc Phượng Trân và Ngô Thị Bích Thuỷ cùng bị đề nghị từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù.
Đối với nhóm bị truy tố về tội Mua bán trái phép hoá đơn và Trốn thuế, đại diện VKS bị đề nghị tòa phạt từ 4 năm đến 8 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội Mua bán trái phép hoá đơn bị đề nghị phạt từ 1 năm đến 4 năm 6 tháng tù.
Đối với nhóm bị truy tố về tội Trốn thuế bị đề nghị phạt từ 9 tháng tù treo đến 4 năm tù giam.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-nghi-muc-an-cao-nhat-la-5-nam-tu-voi-ba-trum-mua-ban-hoa-don-khong-hon-4400-ty-dong-a173128.html