Ngày 10/7, Bộ NN&PTNT tổ chức "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân".
Tọa đàm có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế tham dự.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ băn khoăn, trăn trở về việc làm thế nào để kết nối đưa sản phẩm KHCN vào thực tiễn cuộc sống.
Theo ông Hùng, tuy cơ chế chính sách chưa thể hiện rõ song từng chương trình hỗ trợ về KHCH của Vụ đều đặt tiêu chí có sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí "bắt buộc" để đẩy nhanh ứng dụng KHCN.
Với trên dưới 20 chương trình KHCN cấp quốc gia, ông Hùng đề nghị các nhà khoa học cùng triển khai và sự vào cuộc của doanh nghiệp. "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có những bài toán thực tiễn và chuyển cho các nhà khoa học và nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách nào đấy để hỗ trợ. Từ đó, có thể triển khai các đề tài KHCN và nhanh chóng đưa sản phẩm vào thực tiễn.
Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về giống nấm linh chi với các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển lĩnh vực này. Rừng trồng được nấm linh chi do ông Lê Hoàng Thế nghiên cứu và phát triển đạt chuẩn 100% Organic Reishi Mushroom của USDA Organic của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và được công nhận trên toàn thế giới.
Để sản phẩm dược liệu nấm linh chi của Việt Nam có thể đạt được tầm quốc tế, cần có sự kết nối và hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ các cơ quan quản lý và các bộ ngành liên quan.
Để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm dược liệu, ông Thế cho rằng, việc thành lập các trung tâm xét nghiệm đạt tiêu chuẩn là rất quan trọng. Những trung tâm này sẽ giúp kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, cần có những quyết sách và chiến lược cụ thể để chứng nhận các sản phẩm dược liệu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và phát triển thị trường quốc tế.
GS.TS. Võ Đại Hải, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam nêu 5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm KHCN.
Thứ nhất, GS. TS Võ Đại Hải cho rằng muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ KHCN, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT đã có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện. Sau khi xác nhận sự phối hợp của doanh nghiệp, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả.
Thứ ba, ông Hải cho rằng muốn kết nối, chuyển giao KHCN, công tác tuyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Thứ tư, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN.
Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ tín lên hàng đầu.
GS. TS Võ Đại Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để các tổ chức KHCN tiếp tục chủ động trong nghiên cứu công nghệ cao và cho ra đời những sản phẩm tốt.
Với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng hợp tác là để kết nối, cần hiểu đúng khái niệm "Thị trường Khoa học Công nghệ". "Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn", Bộ trưởng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.
"Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp. Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ 'vốn'. Chúng ta phải thoát ra cái ý nghĩ 'mình làm tốt nhất rồi'. Nghĩ thế là hỏng. Sản phẩm của chúng ta chưa phải là cuối cùng. Thế giới đã nghiên cứu đến chuyển đổi xanh, phát thải xanh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Trong khuôn khổ của tọa đàm, 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học được tổ chức, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp với 8 chủ đề: trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi - phòng chống thiên tai; cơ điện - công nghệ sau thu hoạch; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Khối các Trường Đại học, Cao đẳng.
Nhiều thành tựu KHCN mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của Diễn đàn, như giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, 82 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dua-san-pham-khoa-hoc-nong-nghiep-gan-voi-thi-truong-a173429.html