Cậu học trò mang căn bệnh hiếm
Trong ánh nắng oi ả của buổi cuối chiều, chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1972) vừa hướng ánh mắt về phía cậu con trai bé bỏng bị mắc bệnh rối loạn dưỡng cơ Duchenne của mình vừa kể, đầu năm 1994, chị và anh Đoàn Văn Bình (sinh năm 1972) gặp gỡ nhau rồi nên duyên vợ chồng và sinh được 3 con đủ nếp, đủ tẻ. Tuy nhiên, con trai út Đoàn Trang Anh (sinh năm 2010) càng lớn cơ thể càng có biểu hiện bất thường. Khi leo lên cầu thang, con thường phải vịn bằng cả hai tay và bước trên đất bằng liên tục bị ngã, dần dần 2 đùi bắt đầu teo dần lại. Vợ chồng chị đưa con đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ, hễ nghe thấy ở đâu có thầy hay, thuốc tốt là anh chị lại bế con tìm đến. Sau hàng loạt các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận con mắc một căn bệnh vô cùng hiếm gặp là rối loạn dưỡng cơ Duchenne (bệnh teo cơ). Bệnh gây ra những rối loạn về cơ, làm cho cơ bắp yếu hơn, mất khả năng vận động, kém linh hoạt theo thời gian. Không chỉ chân yếu mà đôi tay của Trang Anh cũng dần bị teo tóp.
Cô giáo Lê Thị Hiên - giáo viên Trường Tiểu Học Thượng Lâm nhớ lại buổi dạy đầu tiên của năm học lớp 4, vì không biết hoàn cảnh nên đã vô tình gọi Trang Anh lên bảng. Bấy giờ cả thân người của Trang Anh phải ưỡn ngửa ra phía sau mới có thể lết đi từng tý một. Kể từ đó, em được ưu tiên phát biểu bài tập tại chỗ ngồi. Chỉ trong vài tháng, bệnh tình của Trang Anh càng tiến triển nặng hơn đến mức không thể đi lại được nữa, phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn và người thân giúp đỡ.
Bệnh tật khiến cho Trang Anh tự ti, từ một cậu bé hồn nhiên hay cười đùa, cậu trở nên khó tính, lầm lì khó gần, nhưng niềm ham học thì vẫn vô bờ bến. “Có những hôm cháu bị đau bụng, đợi mẹ cho đi vệ sinh xong vẫn nằng nặc đòi đến trường dù đã là 8-9 giờ sáng. Bố đỡ lên xe, con ngả người vào lưng mẹ, tôi vừa chở cháu đi lại vừa thương xót...” - chị Hằng rơm rớm nước mắt nói.
Cách đây 3 năm, từ một người trụ cột trong gia đình, anh Đoàn Văn Bình - chồng chị Hằng bỗng dưng mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm nên chỉ loanh quanh làm công việc nhẹ như quét nhà, ở nhà chăm con. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, tiền đóng học và tiền thăm khám, đưa Trang Anh đi bệnh viện đều do một tay chị Hằng gánh vác, lo lắng.
Người bạn thân 6 năm tình nguyện cõng bạn đến trường
Tuy ở cùng xã khác thôn, nhà nhau cách 800m nhưng cả hai cậu học sinh Đoàn Trang Anh và Bùi Thái Sơn lại cùng học chung từ hồi lớp 1. Thời gian đầu, Thái Sơn thường hỏi han Trang Anh có đau không, có cần giúp đỡ gì không, rồi nhặt hộ bạn khi thì cái bút, cái thước kẻ lúc lại cục tẩy mà chẳng may tay Trang Anh run rẩy đánh rơi. Dần dà khi đã trở nên quen, Thái Sơn đã cất đi “cái mai rùa” tự ti của Trang Anh để giúp bạn thêm hòa đồng. Bắt đầu bước vào năm học lớp 4, mỗi buổi đến trường, Thái Sơn cõng Trang Anh vào lớp, cầm cặp sách cho bạn, cõng bạn lên các phòng học bộ môn tận trên tầng cao. Không nề hà, Thái Sơn còn cõng cả bạn đi vệ sinh.
Kể về hành trình 6 năm cõng bạn tới trường, Thái Sơn tâm sự, thời gian đầu, do cõng bạn trên lưng chưa quen nên mặc dù khoảng cách từ nhà đến trường không xa nhưng Thái Sơn rất mệt. Những hôm nắng to 38 - 39°C cả hai người đều ướt đẫm mồ hôi vì nóng. Những hôm trời mưa, đường đất trơn đầy những “ổ gà”, “ổ voi”, không may trượt chân làm ngã bạn, người lấm lem bùn đất, nhưng cả hai không hề nản lòng mà tiếp tục đứng dậy đi tiếp. Một thời gian sau, Thái Sơn quen dần và lớn lên cũng có sức khỏe hơn nên cõng bạn cũng chắc chắn hơn, không còn bị ngã nữa. Có lần cõng bạn leo cầu thang, chẳng may bước hụt nên Thái Sơn bị đau lưng nhưng cũng chẳng dám nói với ai. Về nhà thấy con mặt mày nhăn nhó, mẹ gạn hỏi thì mới hay biết.
“Việc cõng Trang Anh đến trường đã trở thành thói quen của cháu, nên có những hôm Trang Anh báo trước là bị ốm hoặc có việc bận không đi học được, cháu vẫn quen chân đến nhà đón bạn tới lớp. Cháu rất lo cho sức khỏe của bạn không tốt, mỗi lần bị ngã, bạn rất đau, có lần mấy ngày mới khỏi. Cháu tình nguyện làm “đôi chân” cõng bạn mỗi ngày đến lớp, đến trường để nuôi giấc mơ con chữ” - cậu học trò Bùi Thái Sơn nói.
Chị Trịnh Thị Kiểm - mẹ cháu Thái Sơn bộc bạch: “Ban đầu, khi thấy con trai mỗi lần cõng bạn đi học về là mồ hôi nhễ nhại khiến tôi cũng xót lắm. Nhưng sau này khi hiểu được ý nghĩa công việc của con đang làm nên vợ chồng tôi động viên, khích lệ nhiều hơn. Nhiều hôm nhìn từ xa khi thấy Trang Anh được bố mẹ đưa đến cổng trường là Thái Sơn từ trong lớp lại chạy ra cõng bạn vào, nét mặt hoan hỉ. Hai tay của Trang Anh yếu cứ thẳng đuồn đuột như hai cái dải khoai nên nhấc lên lưng xong, Thái Sơn lại kéo tay của bạn để quàng vào cổ mình”.
“Cháu được bạn Sơn cõng đi học, đưa cháu đi vệ sinh, những đề toán, đề văn khó cháu hay nhờ bạn Sơn giúp. Thời gian giờ ra chơi trên lớp, là bạn ấy lại cõng cháu đi khắp sân trường, cháu vui lắm vì có một người bạn tốt như Sơn. Cháu mong muốn một ngày nào đó sẽ có phép màu cho cháu đi được, cùng với Sơn và các bạn chạy nhảy ngoài sân trường” - Trang Anh tâm sự.
Với Trang Anh, dù thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa khi cơ thể chỉ dài 1,18m, nặng 28kg, nhưng em có một nghị lực phi thường. Cậu học trò này học giỏi, suốt nhiều năm liền là học sinh tiên tiến, xuất sắc và luôn mơ ước về một tương lai tốt đẹp. Còn Thái Sơn, với việc tình nguyện làm “đôi chân” cõng bạn đến trường suốt 6 năm qua, năm 2023, cậu vinh dự được nhận danh hiệu “người tốt - việc tốt” tiêu biểu do Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng.
Cô giáo Lê Thị Hiên chia sẻ: “Đôi bạn này vừa học giỏi, vừa ngoan. Em Thái Sơn hàng ngày cõng bạn đi học, đi vệ sinh và đi chơi quanh sân trường. Có hôm trời mưa to, Thái Sơn cõng bạn qua đoạn sân bùn lầy lội nên bị trượt. Cú ngã trời giáng ấy khiến cả hai đều đau đớn. Tôi vội chạy lại để đỡ em, bụng nghĩ rằng hai đứa sẽ nhăn nhó, cau có vì bẩn, nhưng lại thấy những nụ cười tươi rói. Tôi hỏi Thái Sơn, tại sao em cười? Em không đau à? Thái Sơn bảo: Em đau một thì bạn Trang Anh đau mười, mà càng đau thì càng phải cười cho hết đau Trang Anh nhỉ”.
Nghỉ hè xong, đôi bạn sẽ bước vào lớp 9. Dù chặng đường tương lai phía trước sẽ còn vô vàn gian nan, khó khăn với cậu học trò khuyết tật Đoàn Trang Anh, nhưng với em chính những ngày được đến trường bằng “đôi chân” của người bạn Bùi Thái Sơn đã tiếp thêm cho em nghị lực và niềm tin để tiếp tục giấc mơ nuôi con chữ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cam-dong-cau-hoc-tro-6-nam-tinh-nguyen-cong-ban-den-truong-a173504.html