Bài cuối: Bảo tồn và phát triển hài hòa giá trị các làng nghề

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm nghề truyền thống.

Bài cuối: Bảo tồn và phát triển hài hòa giá trị các làng nghề - ảnh 1
Làng nghề truyền thống cần có hướng đi mới để gìn giữ giá trị văn hóa.

Tạo sức hút để phát triển 
Có thể thấy, làng nghề truyền thống Bát Tràng là một trong những điểm sáng trong gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của một nghề làm đẹp từ đất. Làng nghề đã và đang được đầu tư phát triển cả về văn hóa và du lịch trải nghiệm. Cùng với việc duy trì và phát triển nghề gốm sứ truyền thống, nhiều di sản văn hóa gắn liền với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, như các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực… cũng được người dân Bát Tràng bảo lưu, gìn giữ. Diện mạo, nhịp sống, con người ở Bát Tràng ẩn chứa sự hòa trộn khá hoàn hảo những nét văn hóa truyền thống của một làng quê, với xu thế phát triển mạnh mẽ, năng động là hướng đi để Bát Tràng tạo nên sức hút của riêng mình. 

Như bao làng nghề khác, quá trình đô thị hóa cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nét cổ xưa của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), song nhờ sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, làng nghề truyền thống này đang ngày càng hồi sinh. Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ, các cơ sở sản xuất kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây, góp phần để sản phẩm làng lụa Vạn Phúc từng bước trở thành một sản phẩm của văn hóa. 

Xôi Phú Thượng (Tây Hồ) - món ăn thơm ngon nức tiếng đã trở thành một đặc sản của Thủ đô. Trong những năm gần đây, để phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng xôi đã chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; gắn nghề truyền thống với lịch sử văn hoá địa phương nhằm phục vụ khách du lịch.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng chia sẻ, nguyên liệu nấu xôi phải được chuẩn bị từ buổi chiều hôm trước. Gạo phải chuẩn nếp cái hoa vàng. Đỗ, lạc lựa cẩn trọng, không để lẫn hạt mốc. Gạo vo thật sạch, rồi ngâm khoảng 3 tiếng cho nước thật trong. Đến lúc này, công đoạn nổi lửa mới chính thức bắt đầu. Xôi sau khi thổi sẽ được trút ra rổ lớn, xới đều. Sớm hôm sau, những người thợ lại thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng, đồ lại một lần nữa rồi mới phân loại, chất đầy lên xe mang đi bán khắp Hà thành. Vì thế xôi Phú Thượng bao giờ cũng có hương vị và độ dẻo khác hẳn mọi nơi… 

“Ngày nay ở Phú Thượng, các bạn trẻ lớp con cháu chúng tôi cũng đã nhiều người mở lớp dạy làm xôi online. Đây là một cách để chúng tôi giữ lửa làng nghề. Hy vọng sau này, xôi Phú Thượng luôn được các thế hệ giữ gìn, lan tỏa đi xa, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế" - Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tự hào.

Bài cuối: Bảo tồn và phát triển hài hòa giá trị các làng nghề - ảnh 2
Bảo tàng sinh thái được cho là một hướng đi có triển vọng trong bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa làng nghề truyền thống. 

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề xôi truyền thống với tư cách là một di sản văn hoá, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hoá phi vật thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các nhà khoa học đầu ngành văn hoá, quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng Hai vừa qua, xôi Phú Thượng đã được Công bố Quyết định ghi danh "Nghề làm xôi Phú Thượng" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Với những nỗ lực trong bảo tồn, phát triển giá trị làng nghề truyền thống, vừa qua Hà Nội có thêm 15 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Hiện nay, toàn Thành phố đã có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã được trao bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. 
Hướng đi triển vọng
Vừa qua, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề luôn được Thành phố quan tâm. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững. 

Khẳng định phát triển làng nghề là vấn đề có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng Luật, Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. 

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết: “Bát Tràng đã làm khá tốt việc bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề, song để câu chuyện văn hóa đặc sắc của Bát Tràng tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa làng cổ, lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tốt đẹp, cũng như góp phần phát triển kinh tế, gắn văn hóa với du lịch làng nghề thì cần phải có hướng đi nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy và hội nhập với thế giới. Đó là cơ sở và cũng là mục tiêu để chúng tôi xây dựng kế hoạch thiết lập Bảo tàng sinh thái làng Gốm cổ Bát Tràng”. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia tư vấn về bảo tàng sinh thái, việc giữ gìn bản sắc văn hoá qua phát triển bảo tàng sinh thái này cũng sẽ đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, làm sâu sắc thêm nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng cư dân Bát Tràng về giá trị của di sản văn hoá với tư cách là động lực của phát triển, phục vụ phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Có thể nói, mô hình bảo tàng sinh thái không phải là mô hình mới trên thế giới, song lại khá mới mẻ đối với Việt Nam. Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng nếu được xây dựng sẽ là một tổ chức văn hóa mà ở đó cho phép nghiên cứu, trưng bày, bảo vệ và phát huy cả một tập hợp hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên trong toàn bộ khu vực làng cổ Bát Tràng. 

Tiến sĩ Phạm Dũng, người khởi xướng thành lập Hội Cổ vật Thăng Long nêu ý kiến: “Nhiều nghệ nhân làm gốm ở đây phải được coi là bảo vật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng là rất cần thiết và đây là mô hình kiểu mẫu để chúng ta có thể nhân rộng ở Thủ đô cũng như cả nước”.

 Còn GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, khi người dân có được lợi ích từ việc thiết lập Bảo tàng sinh thái đó thì họ sẽ đồng thuận cao, cùng làm, cùng chịu và cùng hưởng. Điều quan trọng nữa là vai trò và sự ủng hộ của Nhà nước và vai trò của các cá nhân và các tổ chức xã hội cùng chung tay với người dân để dự án Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng sớm được triển khai.

Có thể nói, với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, các sở ban, ngành, đơn vị trong việc đưa làng nghề trên địa bàn Hà Nội đi đúng hướng sẽ giúp cho các nét văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống tiếp tục được “sống”, phát triển trong môi trường văn hóa làng cổ. Có thể thấy, hướng đi triển vọng của Bảo tàng sinh thái làng nghề Bát Tràng được thực hiện sẽ là bước tiền đề quan trọng để hình ảnh, văn hóa làng nghề truyền thống Bát Tràng nói riêng và văn hóa làng nghề Hà Nội nói chung tiếp tục được tôn vinh, được phát huy và hội nhập, đóng góp tích cực trong việc đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn để Thủ đô ngày càng phát triển bền vững.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-cuoi-bao-ton-va-phat-trien-hai-hoa-gia-tri-cac-lang-nghe-a173511.html