Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh

(PNTĐ) - Ngày 11/7/2024, Hội LHPN quận Nam Từ Liêm phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng y tế quận tổ chức hội nghị tọa đàm bàn “Giải pháp nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Tin liên quan

Quận Nam Từ Liêm biểu dương 88 gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu

Phụ nữ Nam Từ Liêm góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đoàn viên thanh niên phường Mễ Trì thiết kế slogan “siêu chất” cổ động thí sinh dự thi

Nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm từ các làng nghề

Là một hộ kinh doanh bún trên địa bàn phường Phú Đô, bà Phạm Thị Duyên, hội viên Hội LHPN phường Phú Đô cho biết, tiếp tục nghề sản xuất bún của bố mẹ truyền lại, gia đình bà cũng như nhiều hộ làm bún khác trên địa bàn phường, mỗi ngày sản xuất hàng tạ bún. Theo bà Duyên, người dân đã chủ động đầu tư máy móc trong sản xuất như máy lọc bột, máy làm bún sợi, máy vo gạo, máy xay bột… nên đã tiết kiệm được sức lao động vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, một hộ dân có thể làm tới 1-2 tấn gạo, đưa ta thị trường tiêu thụ lên đến 90 tấn bún.

Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm phát biểu tại hội nghị.

Điều bà Duyên lo ngại là hiện nay, việc xử lý rác thải trong làng nghề làm bún đang gặp khó khăn. Nước thải chủ yếu thoát ra ngoài cùng đường nước sinh hoạt chung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường. Dù chính quyền địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ, đảm bảo vừa phát triển kinh tế làng nghề, vừa bảo vệ môi trường, nhưng vấn đề rác thải chưa được giải quyết triệt để.

“Tôi là hội viên Hội LHPN phường Phú Đô, thường xuyên được tham gia các buổi tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh an toàn thực phẩm do Hội LHPN phường tổ chức. Tôi nhận thức rõ về việc đảm bảo quy định an toàn thực phẩm, những ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của con người khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Tôi và gia đình đã ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cam kết đưa sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường, đồng thời, tuyên truyền cho người thân, hàng xóm thực hiện đúng vệ sinh an toàn thực phẩm…” – bà Duyên nói.

Hiện, phường Phú Đô có 135 hộ sản xuất bún và 300 hộ kinh doanh tiêu thụ bún. Nhiều hộ tiêu thụ từ 5-7 tạ bún/ngày, thậm chí 3 tấn/ngày. Theo bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Đô, các hộ luôn chấp hành nghiêm chỉnh về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm tạo điều kiện để phát triển làng nghề.

Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 2
Các đại biểu tham dự hội nghị toạ đàm.

“Hàng năm, Hội LHPN phường cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội trong việc chung tay vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng. Hội còn tổ chức nhiều hoạt động, phát triển sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức liên quan đến an toàn thực phẩm…” – bà Ngọc nói.

Bà Ngô Thị Thức, HTX làng nghề truyền thống Cốm Mễ Trì, phường Mễ Trì cho biết: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm, HTX vẫn còn có một số khó khăn như nhận thức của các thành viên HTX về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đồng đều, nhận thức của người tiêu dùng còn thờ ơ, chưa quan tâm đến hậu quả cũng như tác hại, ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến sức khoẻ khi sử dụng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể nhiều khi chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến nhiều lỗ hổng về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến các sản phẩm kém chất lượng còn tồn tại, ảnh hưởng đến sản phẩm của HTX…

Hiện toàn quận Nam Từ Liêm có 16.908 doanh nghiệp hoạt động (tăng gấp gần 04 lần so với ngày đầu thành lập); 16.359 hộ kinh doanh (tăng hơn 02 lần so với ngày đầu thành lập); 45 HTX (tăng 29 hợp tác xã so với ngày đầu thành lập); có 3.996 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (trong đó: 504 cơ sở do Thành phố quản lý; 563 cơ sở do Quận quản lý và 2.929 cơ sở do phường quản lý).

Quận là nơi tập trung hàng vạn học sinh, sinh viên, người lao động đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhà hàng phát triển mạnh mẽ. Một số làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến thực phẩm như: Bún Phú Đô, Cốm Mễ Trì trên địa bàn quận cũng là nơi luôn có tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra ngộ độc thực phẩm.

Quận có tốc độ phát triển nhanh, kèm theo là sự gia tăng dân số và thường xuyên có các sự kiện kinh tế-chính trị quan trọng của Trung ương, Thành phố, Quận được tổ chức trên địa bàn quận; đây là sự thách thức không nhỏ đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị quận Nam Từ Liêm.

Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 3
Lãnh đạo Hội LHPN các phường đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

 Từ khi thành lập đến nay, quận Nam Từ Liêm luôn là đơn vị làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, công tác thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn, nên chưa để xẩy ra trường hợp hợp nào bị ngộ độc thực phẩm. Mặc dù quận Nam Từ Liêm không phải là điểm nóng về vấn đề An toàn thực phẩm của thành phố, nhưng vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn xẩy ra.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

Qua thống kê, hiện toàn quận có gần 16.000 hội viên phụ nữ với 147 chi tổ hội. Hội LHPN quận luôn xác định cán bộ, hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Nêu cao vai trò của tổ chức Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề, cơ sở dịch vụ... Hội LHPN quận Nam Từ Liêm cũng luôn chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở Hội và đơn vị trực thuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả, hàng năm, Quận Hội đã tổ chức tuyên truyền, vận động hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thay đổi, xóa bỏ những hành vi không an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm; nâng cao nhận thức về tác hại của vấn đề mất an toàn thực phẩm tới sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng; các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm; nâng cao kiến thức nhận diện thực phẩm an toàn; chú trọng tuyên truyền Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động cho 100% cán bộ, 85% hội viên về kiến thức thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tập trung vào các nhóm đối tượng phụ nữ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh khối chợ, bếp ăn tập thể… Phối hợp tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ để hướng dẫn cách chế biến và nhận diện thực phẩm an toàn, kiến thức về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quy trình trồng rau sạch, rau an toàn, bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo sức khỏe.

Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 4
Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 5
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN, Phòng kinh tế và Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm tham quan sản phẩm cốm Mễ Trì và bún Phú Đô nổi tiếng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm được trưng bày tại hội nghị toạ đàm.

Hội thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi thăm quan mô hình rau sạch, thực phẩm sạch, hướng dẫn, tập huấn cách phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cho cán bộ, hội viên phụ nữ; duy trì và phát huy vai trò của các mô hình phụ nữ thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn ở làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Các cấp Hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, hội viên phụ nữ làm người tiêu dùng thông minh biết cách chọn lựa thực phẩm an toàn cho gia đình (rõ nguồn gốc xuất xứ, giữ gìn vệ sinh đồ dùng, dụng cụ chế biến thực phẩm thường xuyên, sử dụng riêng dụng cụ như dao, thớt trong chế biến thực phẩm chín và sống…). Từ sự cần thiết đó, Hội LHPN quận đã ra mắt và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của 119 mô hình “Chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, được người dân nhiệt tình hưởng ứng và đánh giá cao.

Các chi Hội duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng, hàng quý và hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Thành viên tham gia mô hình được tiếp cận các kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình này không chỉ tác động đến bản thân hội viên phụ nữ mà còn tác động cả đến cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến trong thực hành các hành vi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn; tăng cường hoạt động phối hợp giám sát cộng đồng phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Quận Nam Từ Liêm: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh - ảnh 6
Quầy giới thiệu sản phẩm truyền thống Bún Phú Đô tại hội nghị toạ đàm.

Từ kết quả giám sát các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại và kiến nghị kịp thời với Ban quản lý các chợ, UBND quận và các phường, đồng thời hướng dẫn nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm qua đó kịp thời phát hiện, đấu tranh với những sai phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại địa phương, góp phần thực hiện tốt tiêu chí “3 sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Bà Giang Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm lo ngại, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn quận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số người chưa quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; các mô hình hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn chưa nhiều, chưa thu hút được nhiều hội viên phụ nữ tham gia; công tác kết nối, quảng bá, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP chưa thực sự hiệu quả…

“Nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức của một số người tiêu dùng vẫn còn “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình. Đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kiến thức chuyên môn về an toàn thực phẩm nên trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên ngành còn chưa được sâu rộng. Nguồn lực và tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Việc xử lý vi phạm sau kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc vi phạm và tái phạm vẫn diễn ra” – bà Minh Hồng nói.

Đánh giá chất lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trên địa bàn, bà Đỗ Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Mễ Trì nhấn mạnh: Hội Phụ nữ phường chỉ đạo 18/18 chi hội lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, sinh hoạt CLB, để tuyên truyền vận động, quán triệtm, phổ biến công tác an toàn thực phẩm, lợi ích của thực phẩm an toàn, tác hại của thực phẩm không an toàn, tiêu chí 3 sạch của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, vận động hội viên phụ nữ sử dụng và chế biến thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm… cho cán bộ, hội viên, tiểu thương, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến, sản xuất cốm, thực phẩm an toàn do phu nữ làm chủ,…

Hội Phụ nữ có đội ngũ cán bộ, hội viên nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hiệu qủa đã được khẳng định qua nhiều phong trào, các đợt vận động khác. “Mô hình Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi an toàn thực phẩm đã triển khai sâu rộng và hoạt động có hiệu quả, góp phần giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất kinh doanh, chết biến, tiêu dùng thực phẩm; đảm bảo an toàn, nâng cao ý thực bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng” – bà Liên nói.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Phương cho biết: Hội nâng cao tuyên truyền các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm phải thực hiện nghiêm cac quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất; nhãn hàng ghi đủ thông tin theo quy định, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; việc thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Đỗi với mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, trong bữa ăn hàng ngày, cần chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xem kỹ thời hạn sử dụng, có dấu kiểm nghiệm của y tế, rau củ sống phải được ngâm, rửa kỹ bằng nước sạch, quả nên gọt vỏ trước khi ăn, nấu chín kỹ thức ăn, và ăn ngay sau khi nấu; bảo quản thức ăn cẩn thận khi đã nấu chín, tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn…

Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN phường Đại Mỗ cũng đánh giá: Hội đã xây dựng nhiều mô hình, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình như mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, mô hình “an toàn thực phẩm trong các hộ kinh doanh thức ăn đường phố”…

“Năm 2024, Hội đã đăng ký thi đua với quận Hội và thực hiện mô hình “An toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh buôn bán”. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình, Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của vấn đề mất an toàn thực phẩm tới sức khoẻ, bảo vệ quyền lợi cho cán bộ, hội viên phụ nữ, người tiêu dùng; tập huấn kiến thức về quản lý chất lượng cho người quản lý cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm; kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn chế biến thực phẩm, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn…” – bà Nguyệt cho biết.

Ông Lê Minh Hiệp, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm cũng khẳng định, hiện nay, quận đã ban hành các chuẩn mẫu gửi đến ban quản lý các chợ trên địa bàn quận thưc hiện theo yêu cầu, đồng thời, sẽ có chế tài xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm đề nghị các cơ sở Hội cần “chia nhỏ”, cụ thể hoá nội dung tuyên truyền để nâng cao chất lượng tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm đề nghị, Hội LHPN các phường tiếp tục công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ hãy là những người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm sạch trong gia đình, phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nilon trong gia đình…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá thực trạng về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại trong an toàn thực phẩm và tìm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thông qua hội nghị, các giải pháp nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong bảo đảm bảo an toàn thực phẩm được đưa ra, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về An toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quan-nam-tu-liem-ban-giai-phap-nang-cao-chat-luong-an-toan-thuc-pham-trong-san-xuat-kinh-doanh-a173512.html