Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, với vị trí địa lý đặc biệt, vùng duyên hải miền Trung Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế hàng hải, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết.
Đó là nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức, dẫn đến khả năng kết nối và năng lực vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế hàng hải và đời sống của người dân ven biển. Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong chính sách, quy hoạch và quản lý phát triển kinh tế hàng hải.
Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hàng hải trong bối cảnh mới, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế hàng hải miền Trung: Thách thức và triển vọng" nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế hàng hải miền Trung, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả nước.
TS. Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Trong đó, phát triển logistics hiện được các địa phương miền Trung xác định là một trong những ngành dịch vụ xương sống cho thúc đẩy và phát triển nền kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, còn nhiều địa phương trong vùng hiện chưa có chính sách hay quy hoạch cụ thể cho phát triển logistics trên địa bàn. Các chính sách phát triển logistics còn mang tính đơn lẻ cho các dịch vụ, chưa có chính sách hay quy hoạch mang tính đồng bộ.
Theo đó, để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển logistics tại miền Trung cần được xem xét ở cấp độ vùng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kết nối và khoa học-công nghệ; tập trung nguồn lực đầu tư hình thành một cảng cạn chính để thu hút nguồn hàng đủ lớn thúc đẩy phát triển logistics toàn vùng.
Đề cập đến vấn đề nguồn hàng cho logistics, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho hay, hiện nay và những năm tới, kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên tăng trưởng nhanh và ổn định. Điều này tuy đã làm tăng đáng kể nguồn hàng nhưng năng lực của ngành logistics đang có xu hướng tăng nhanh. Sự khan hiếm nguồn hàng so với năng lực dẫn tới sự cạnh tranh giữa các địa phương.
Từ thực trạng đó, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng cần có các giải pháp phát triển nguồn hàng cho ngành logistics. Theo đó, cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành logistics tương xứng với sự phát triển kinh tế; quy hoạch hạ tầng và trung tâm logistics phải bảo đảm tính kết nối với các tỉnh trong Vùng nhất là các cụm cảng ở Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Đồng thời phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông trong tổng thể bảo đảm cho hoạt động logistics có thể khai thác nguồn hàng có hiệu quả.
Ngoài những giải pháp trên, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng khuyến nghị đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Nhật Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/phat-trien-kinh-te-hang-hai-mien-trung-trong-boi-canh-moi-a173544.html