Ca nghi bạch hầu cần hội chẩn tuyến trên để sớm dùng huyết thanh kháng độc

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu.

Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957 của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Lưu ý, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Các Sở Y tế trên cần chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Ca nghi bạch hầu cần hội chẩn tuyến trên để sớm dùng huyết thanh kháng độc- Ảnh 1.

Cán bộ y tế lấy mẫu với những người liên quan đến ca bệnh bạch hầu.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...

Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý 2 Sở Y tế này chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. 

Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Trước đó, ông Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính.

Do đó, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ, biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.

Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra, có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Ông Cấp nhận định bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ vắc-xin đã hết, nguy cơ tử vong trong trường hợp này là 10-20%.

Tỉ lệ tử vong bệnh bạch hầu cao hơn nhiều so với Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.

Bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Để phòng bệnh bạch hầu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vắc-xin. Hiệu lực bảo vệ của vắc-xin phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm. Sau 10 năm hiệu lực của vắc-xin giảm dần, có những người sau thời gian nhiều hơn mới sụt giảm.

"Người dân cần tiêm nhắc lại vắc-xin sau 10 năm để phòng bệnh", ông Cấp nói và cho hay sau khi nhiễm bệnh bạch hầu vẫn có nguy cơ mắc bệnh lại, người dân không nên chủ quan, cần chú ý phòng tránh bệnh.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ca-nghi-bach-hau-can-hoi-chan-tuyen-tren-de-som-dung-huyet-thanh-khang-doc-a173686.html