Giúp cha mẹ hiểu về sơ cứu

(PNTĐ) - Trong cuộc sống hằng ngày, những tình huống nguy hiểm vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, nhiều tình huống bị bỏ qua hoặc không được xử lý đúng do sự chủ quan hoặc thiếu kiến thức và kỹ năng, ngay cả khi đó là những tình huống khẩn cấp về sức khỏe.

Tại Việt Nam, thời gian trung bình để xe cấp cứu đến hiện trường là 30 phút (tính từ thời điểm trung tâm cấp cứu tiếp nhận cuộc gọi). Tuy nhiên, con người không thể nhịn thở quá 2 phút. Do đó, đối với một số tình huống khẩn cấp về sức khỏe như ngừng tim hoặc hóc dị vật đường thở, nếu nạn nhân không được sơ cứu đúng cách thì nguy cơ nạn nhân tử vong hoặc chịu hậu quả vĩnh viễn là rất cao. Trên thực tế, sơ cứu thường được thực hiện bởi những người không có chuyên môn về y tế.

Mùa hè tới cũng là thời điểm dễ xảy ra các tai nạn thương tích khi trẻ được nghỉ học ở nhà. Dưới đây là một số kiến thức cơ bản các cha mẹ cần biết để có thể khẩn trương can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu cho nạn nhân (có thể là con em mình) ngay tại nơi xảy ra sự cố bằng các phương tiện, dụng cụ có sẵn khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Mục đích của sơ cứu:

• Giữ và tăng khả năng sống sót cho nạn nhân;

• Ngăn ngừa các tổn thương trở nên nặng hơn;

• Hạn chế các tổn thương vĩnh viễn và tổn thương thứ phát;

• Tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục nhanh chóng.

Giúp cha mẹ hiểu về sơ cứu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nguyên tắc của sơ cứu:

Nguyên tắc đầu tiên của sơ cứu là phải đảm bảo an toàn cho bản thân người sơ cứu và những người có mặt tại nơi xảy ra sự cố, để không có thêm nạn nhân tiếp theo. Để đảm bảo an toàn, các cha mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn dưới đây:

• Chỉ đi vào nơi xảy ra sự cố hoặc tiếp xúc với nạn nhân khi không có các yếu tố nguy hiểm;

• Mang găng tay khi thực hiện sơ cứu có tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc máu;

• Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi thực hiện sơ cứu;

• Rửa sạch vị trí trên cơ thể có tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc máu bằng xà phòng. Sau đó, nhanh chóng tới cơ sở y tế để được tư vấn (trong vòng 24 giờ);

• Khử trùng dụng cụ đã sử dụng hoặc vứt bỏ đúng nơi quy định sau khi sơ cứu.

4 bước trong thực hiện        sơ cứu

BƯỚC 1: ĐÁNH GIÁ NƠI XẢY RA  SỰ CỐ

• Quan sát xem xung quanh nạn nhân có an toàn không;

• Loại bỏ các yếu tố nguy hiểm cho người sơ cứu trước, sau đó là các yếu tố nguy hiểm cho nạn nhân. Sau khi không còn các yếu tố nguy hiểm, tốt nhất tiến hành các bước sơ cứu tiếp theo ngay tại nơi xảy ra.

• Nếu không thể loại bỏ yếu tố nguy hiểm thì không tới gần nạn nhân hoặc ở lại nơi xảy ra sự cố. Lập tức gọi hỗ trợ từ mọi người xung quanh và gọi hỗ trợ khẩn cấp (không cần bấm mã tỉnh/thành phố): 112 (tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn); 113 (công an); 114 (cứu hỏa); 115 (cứu thương).

BƯỚC 2: KIỂM TRA DẤU HIỆU SỐNG

Dấu hiệu sống là các chi tiết cho thấy nạn nhân đang sống như tỉnh táo, thở, tim đập, còn huyết áp,... Hướng dẫn này tập trung vào các dấu hiệu sống mà cộng đồng có thể dễ dàng kiểm tra, bao gồm: Sự tỉnh táo, hô hấp và mạch. Hãy kiểm tra theo thứ tự trên, nếu có dấu hiệu thì không cần kiểm tra dấu hiệu tiếp theo.

- Kiểm tra sự tỉnh táo

Thực hiện hành động sau trong tối đa 10 giây. Nếu nạn nhân không phản ứng nghĩa là nạn nhân không tỉnh táo. Cụ thể:

• Đối với người lớn: Dùng tay đập vào vai nạn nhân và gọi to

"Anh ơi/Chị ơi";

• Đối với trẻ nhỏ: Dùng tay đập nhẹ vào bàn chân của trẻ.

• Kiểm tra hô hấp

• Ấn trán nâng cằm. Nếu thấy dị vật trong miệng thì dùng tay có đeo găng cao su (hoặc nilon) để lấy ra;

• Ghé sát tai vào miệng và mũi của nạn nhân, hướng mắt về phía lồng ngực của nạn nhân và quan sát sự phập phồng của lồng ngực. Thực hiện hành động này tối đa trong 10 giây. Nếu không cảm nhận được hơi thở và không thấy lồng ngực của nạn nhân phập phồng nghĩa là nạn nhân không thở.

- Kiểm tra mạch: Thực hiện hành động này trong tối đa 10 giây. Nếu không cảm nhận được mạch đập nghĩa là nạn nhân không có mạch. Cụ thể:

• Kiểm tra mạch cảnh ở cổ (cách ưu tiên): Đặt ngón trỏ và ngón giữa vào một bên cổ cạnh yết hầu ngay dưới hàm của nạn nhân;

• Kiểm tra mạch quay ở cổ tay: Ngửa cổ tay của nạn nhân, sau đó đặt ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út của mình vào cổ tay nạn nhân, phía bên ngón tay cái.

Nếu nạn nhân vẫn còn dấu hiệu sống, bộc lộ cơ thể nạn nhân để kiểm tra các tổn thương khác. Có thể cắt hoặc cởi bỏ quần áo nạn nhân để tìm và xử lý thương tích.

BƯỚC 3: GỌI HỖ TRỢ

- Gọi hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Gọi to, thông báo rõ địa điểm.

• Gọi hỗ trợ khẩn cấp 115. Cần cung cấp các thông tin sau:

• Địa chỉ nơi xảy ra sự cố;

• Số lượng nạn nhân;

• Tình trạng của nạn nhân.

Ví dụ: Tôi đang ở số nhà 24, đường ABC. Trước cửa nhà có 3 nạn nhân bị tai nạn xe máy. Cả 3 người đều tỉnh, trong đó có 2 người bị gãy chân.

LƯU Ý: Không tắt máy trước tổng đài viên.

BƯỚC 4: XỬ TRÍ THEO TÌNH HÌNH NẠN NHÂN

Ưu tiên sơ cứu những tình trạng đe dọa mạng sống của nạn nhân trước. Thứ tự ưu tiên như sau:

1. Hồi sinh tim phổi

2. Xử trí các vết thương chảy máu

3. Xử trí gãy xương

4. Xử trí các tình trạng khác.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giup-cha-me-hieu-ve-so-cuu-a173753.html