Học ngành bất động sản không phải để làm "cò đất"

Theo chuyên gia, với việc được đào tạo bài bản về kinh tế, xây dựng, quản lý đất đai, ngành bất động sản sẽ trang bị lượng kiến thức giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm.

Bất động sản nhiều năm trở lại đây là một trong những ngành nghề hấp dẫn, thu nhập cao. Tuy nhiên vị trí và cơ hội ngành nghề vẫn chưa được đánh giá đúng, nhiều thí sinh vẫn còn có cái nhìn "hạn hẹp" về công việc, kiến thức được đào tạo của ngành này.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước chỉ có 20 cơ sở đào tạo trình độ đại học ngành bất động sản, trong đó có 10 cơ sở đào tạo ngành quản lý đất đai, xây dựng, kiến trúc là ngành tương đối gần với ngành. 

Mỗi năm, ngành này chỉ cung ứng khoảng 2.000 nhân sự ra thị trường.

Để hiểu rõ  về nội dung học tập, chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.Phạm Anh Tuấn - Trưởng khoa Quản lý đất đai Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, khi lựa chọn theo học ngành bất động sản, sinh viên không chỉ được học khối kiến thức chung có liên quan đến ngành nghề, kiến thức và kỹ năng về quản lý và kinh doanh bất động sản mà còn được học khối kiến thức, kỹ năng về đầu tư phát triển bất động sản, quản lý, khai thác và vận hành bất động sản, hệ thống hóa các kiến thức về chính sách pháp luật có liên quan đến ngành.

Chương trình đào tạo sẽ giúp sinh viên có khả năng thích ứng với ngành nghề cao, có năng lực tự chủ, có đạo đức và trách nhiệm trong nghề nghiệp, có khả năng làm việc sáng tạo, độc lập, theo nhóm, có kỹ năng hội nhập và khởi nghiệp.

Học ngành bất động sản không phải để làm "cò đất"- Ảnh 1.

Nhiều cơ hội việc làm mở ra khi học ngành bất động sản (ảnh: Hữu Thắng).

Theo ông Tuấn làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước hay trở thành chuyên gia trong các tổ chức trong nước, quốc tế đều là những vị trí, cơ hội làm việc mà sinh viên sau khi ra trường có thể lựa chọn.

Ngoài ra các em có thể tìm hiểu công việc như xây dựng cơ sở dữ liệu bất động sản, tài nguyên môi trường; giá đất; thẩm định giá đất; làm việc tại các công ty kinh doanh phát triển bất động sản, các công ty môi giới kinh doanh bất động sản; công ty xây dựng; các sàn giao dịch bất động sản; các tổ chức tài chính, tín dụng…

Hoặc các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng, có đạo đức và trách nhiệm xã hội.

"Nếu sinh viên lo ngại rằng sau khi tốt nghiệp ngành bất động sản chỉ có thể làm "sale bán đất" - suy nghĩ này chưa đúng và chưa hiểu rõ thế mạnh, tầm quan trọng và tiềm năng của ngành bất động sản hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam cũng như trên thế giới", ông Tuấn đưa ra lời khuyên cho các em.

Học ngành bất động sản không phải để làm "cò đất"- Ảnh 2.

Các thí sinh có thể cân nhắc các ngành học liên quan đến bất động sản (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng nhận định cần có cái nhìn bao quát hơn về ngành Bất động sản, PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, chuyên ngành bất động sản có lịch sử đào tạo dài, với bậc đào tạo cao nhất là tiến sĩ nên đây là ngành học cung cấp đa chiều kiến thức, có tính chuyên môn sâu không chỉ dừng lại việc mua bán đơn thuần.

"Nền tảng kiến thức sau khi học giúp các em có thể làm việc liên quan đến đầu tư và phát triển dự án bất động sản, định giá bất động sản, có chuyên môn về kinh doanh trong các dự án", bà Thảo cho hay.

Trước băn khoăn, liệu sự thay đổi và những diễn biến của thị trường bất động sản có ảnh hương đến tính ổn định của công việc hay không, bà Thảo chia sẻ: "Một ngành đào tạo không thể chỉ dừng lại hay phục vụ trong một vài năm hay khoảng thời gian ngắn".

Mặc dù vậy, bà Thảo cho rằng sinh viên sẽ thuận lợi hơn nếu ra trường làm việc "khớp" đúng vào lúc thị trường sôi động. 

Tuy nhiên, đó cũng chỉ dành cho những bạn làm về thị trường mua bán, khi theo học bài bản các em được trang bị tư duy khả năng phân tích, kiến thức được mở rộng về cả lĩnh vực kiến trúc đô thị giúp các em tự tin đứng vững trước sự thay đổi, biến động của xã hội và thị trường lao động.

Theo Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và phải đáp ứng các điều kiện sau:

Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản;

Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ;

Có tối thiểu 1 cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản;

Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hoc-nganh-bat-dong-san-khong-phai-de-lam-co-dat-a173863.html