Trong thế giới của chúng ta, mỗi người đều có một loại hình hoạt động của riêng mình, và đi kèm với loại hình hoạt động đó, ta có sự đóng góp vào sự phát triển của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhận định mang tính chung chung, bao quát, còn đi vào hoạt động cụ thể, thì không phải ai cũng ý thức được điều đó.
Một số người trong chúng ta, khi tham gia vào một loại hình hoạt động nào đó, chỉ với một mục đích duy nhất là phát triển cá nhân, còn những gì liên đới đến cộng đồng, những tác động không tốt đến xã hội, ta không quan tâm. Đó cũng là một hệ lụy của thời buổi kinh tế thị trường, mạnh ai nấy thắng.
Chính vì tư tưởng mang tính cá nhân đó, ở một phương diện nào đó, hoạt động của cá nhân người đó không những không làm giàu thêm văn hóa, phong phú thêm giá trị, mà đôi khi làm nghèo đi, thậm chí là phản văn hóa, phản sự tiến bộ. Bởi, mọi sự phát triển của cá nhân, xét cho cùng đều nhằm mục đích mang lại sự giàu có về vật chất và tinh thần cho xã hội.
Theo một nghĩa nào đó, người nào ý thức được hành động của mình, giúp phần kiến thiết và tạo sinh nên những giá trị, vừa bảo tồn cái cũ vừa kiến tạo cái mới, làm cho văn hóa của xã hội phát triển thêm lên, thì người đó đang làm cho văn hóa thêm phần giàu có.
Nếu mỗi người trong xã hội đều ý thức được việc mình làm góp phần kiến tạo nên văn hóa, kiến thiết những giá trị, thì có lẽ chúng ta không cần phải tranh luận nhiều về công việc và vai trò của loại hình công việc nào đó.
Bởi thực tế, trong mỗi lĩnh vực cụ thể, ta đều thấy có những cá nhân vượt trội, mà tiếng nói của họ tác động lớn đến ngành nghề họ hoạt động, thậm chí tác động đến xã hội. Bản thân cá nhân đó, là một tiếng nói làm vinh danh nghề nghiệp, tạo sinh văn hóa.
Mặc dù vậy, trong sự tồn tại của xã hội, đa phần chúng ta đều làm một công việc gì đó để kiếm sống, và trong phần việc của mình, chủ yếu có mối liên kết với một nhóm rất nhỏ cộng đồng xã hội. Bởi vậy, những sự kiến thiết và đóng góp của mỗi người, cho sự phát triển chung của văn hóa xã hội, nhiều khi không nhìn thấy rõ.
Và cũng chính trong xã hội của chúng ta, có một loại hình công việc đặc thù, mà thông qua loại hình công việc đặc thù đó, người hoạt động đã tác động đến xã hội lớn hơn, có tầm ảnh hưởng hơn. Đó là những người nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ tồn tại trong xã hội, như một cầu nối giữa các nền văn hóa, giữa những vùng văn hóa. Họ có lực lượng người hâm mộ rất lớn, và hiển nhiên, giới báo chí truyền thông cũng chú ý đến nhiều. Vậy nên, vai trò của người nghệ sĩ trong việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc rất là quan trọng.
Vậy cái văn hóa muốn nói ở đây là gì? Đó là những cách thức ứng xử, những hành vi của cá nhân người nghệ sĩ. Chính những điều đó góp phần vào sự tôn tạo ý thức cộng đồng, tôn tạo những giá trị, tôn tạo văn hóa.
Do đó, người nghệ sĩ được thừa nhận là nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nếu với một người làm việc trong lĩnh vực khác, ý thức về việc giữ gìn văn hóa cần phải được nâng cao, thì người nghệ sĩ còn phải đáp ứng yêu cầu cao hơn. Bởi họ liên quan trực tiếp đến khái niệm gọi là văn hóa.
Nếu một người nghệ sĩ không ý thức được điều đó, có hành vi, hành động phản văn hóa, thì tác động của họ đến xã hội là rất lớn. Dù khái niệm văn hóa rất mơ hồ, do nó mang nghĩa khái quát cao. Nhưng biểu hiện của văn hóa thì rất cụ thể, chỉ cần một phát ngôn, hay một hành vi, cũng có thể khép vào phạm trù văn hóa.
Bởi vậy, giới nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng, luôn có lượng người ái mộ đông, nên nhất cử nhất động đều có tính tác động đến cộng đồng. Một hoạt động của họ, khi đến đại chúng, đều có tính truyền thông mạnh. Cũng chính vì lẽ đó, hành vi văn hóa và phản văn hóa của họ rất dễ nhận biết. Tất nhiên, nếu điều đó xảy ra, cộng đồng lên án rất lớn.
Như trường hợp nhiều ca sĩ có cách thức phát ngôn không tôn trọng khán giả, xét ở góc độ cá nhân, thì mỗi người đều có quyền biểu đạt nội tâm mình, nhân cách của mình, đến với cộng đồng. Và chắc chắn rằng, mọi sự biểu đạt đó đều cần có sự trả giá thích đáng. Tuy nhiên, với một người nghệ sĩ, việc phát ngôn không tôn trọng khán giả còn là một hành vi phản văn hóa. Nó không đơn thuần chỉ là sự biểu đạt cá nhân riêng tư. Bởi người nghệ sĩ mang trong mình thiên chức kiến tạo văn hóa.
Hoặc như trường hợp nhiều nghệ sĩ đến những nơi di tích lịch sử, những vùng văn hóa vật chất có giá trị hàng trăm năm, hàng ngàn năm, nhưng lại vô tình có những hành vi rất phản văn hóa, như leo lên mái nhà của căn nhà cổ để đứng chụp hình, quay video. Hành vi đó không phải là hành vi giúp quảng bá di tích lịch sử, quảng bá du lịch, mà là hành vi thiếu sự tôn trọng với di sản văn hóa cổ.
Vậy nên, việc một người ý thức được hành động của mình là tôn tạo nên giá trị văn hóa hay là tạo nên những hành vi phản văn hóa, rất là quan trọng. Bởi, nếu một người không ý thức được việc đó từ trong chính cảm quan của cá nhân mình, thì những hành vi của họ, họ nghĩ rằng có văn hóa, nhưng thực ra là hành vi phản văn hóa. Và điều đó, còn cần thiết hơn với giới nghệ sĩ.
Nếu như một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mà có hành vi phản văn hóa, thì không phải là chuyện "trò cười" hay sao?...
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/van-hoa-hay-phan-van-hoa-a173868.html