Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 12/7, trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Viện nghiên cứu rau quả tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.

Hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị, có giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng rất cao, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.

Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội  - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo

Ở Hà Nội, nhắc đến hoa sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp của vùng đất Tây Hồ. Sen Bách Diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát; có màu sắc và hương thơm độc đáo, khác biệt so với hoa sen của các vùng đất khác.

Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Do vậy, để bảo tồn và phát triển cây sen quý Tây Hồ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn được qua việc lai tạo, nhập nội giống.

Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, với mục tiêu khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình "Sản xuất hoa sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu" tại quận Tây Hồ với quy mô 7 ha tại 2 đầm sen Đầu Đồng và Thủy Sứ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, đến nay đã đạt được kết quả rất đáng kích lệ.

Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành. Trong đó, có 18 sản phẩm từ cây sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.

Nhân dịp này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen.

Ban tổ chức Hội thảo mong muốn, sau hội thảo sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh phát triển Sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Đồng thời xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm Sen, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.

Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội  - ảnh 2
Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ

Dưới góc nhìn của mình, bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận uỷ Tây Hồ cho rằng, Tây Hồ được thiên nhiên ưu đãi, nổi bật không chỉ với Hồ Tây – lá phổi xanh của thành phố, mà còn có sen Bách Diệp – một giống sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loại sen khác.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội. Hà Nội đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã, đến nay có khoảng hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha… Bà cũng khẳng định, Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển sen tại địa phương như: (i) phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch; (ii) cần bảo tồn giống, nghiên cứu giống trồng sen, quy hoạch vùng trồng và phát triển các kỹ thuật cho việc trồng và khai thác các sản phẩm khác nhau từ sen. Tăng cường tạo các sản phẩm thứ cấp từ cây sen để nâng giá trị hàng hóa của cây sen; (iii) tăng cường liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; (iv) định kỳ tổ chức Lễ hội sen gắn với lịch sử địa phương; quảng bá văn hóa cần phải đi từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, các giá trị văn hóa cần được giới thiệu đến du khách một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, để du khách tự cảm nhận và thẩm thấu; (v) đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển ngành hàng sen, khai thác tối đa giá trị gia tăng từ cây sen.

Tham luận với nội dung: "Ứng dụng các giá trị của cây sen trong sản phẩm thương mại về trà sen tại Việt Nam", bà Bà Đoàn Thị Kim Dung - vai trò Chuyên gia Du lịch, Đại diện Công ty TNHHMTV Chuông Vàng nhận định, thực tế đã cho thấy, các sản phẩm được chế biến từ cây sen rất đa dạng và ngày càng được nghiên cứu, chế biến theo những cách tiếp cận mới, phù hợp với xu thế thời đại. Những sự sáng tạo này đã giúp cho cây sen có thêm những “giá trị gia tăng” khác, bên cạnh vẻ đẹp của những đầm sen mùa hoa nở.

Theo bà, trong những hướng đi khai thác giá trị từ hoa sen để ứng dụng vào cuộc sống, thì ướp trà sen Bách Diệp Tây Hồ là một hướng đi khá mới mẻ. Điều này không chỉ giúp phục hồi những đầm sen Bách Diệp đang ngày một ít đi, có nguy cơ biến mất ở ven hồ Tây (Hà Nội) mà còn nâng tầm giá trị của trà sen Tây Hồ sau một thời gian bị trùng xuống, thậm chí sa sút về chất lượng do nhiều yếu tố của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để hướng đi này trở nên bền vững và làm dày nên nét văn hóa, thành lịch của người Hà Nội, cần có sự đầu tư bài bản, từ việc khoanh vùng trồng sen, áp dụng những biện pháp kỹ thuật đúng đắn, lành mạnh với loài sen Bách Diệp đặc sắc. Bên cạnh đó, cần có những quy trình thích hợp trong việc khai thác cũng như sự kết hợp giữa kỹ thuật ướp trà cổ truyền với sự hỗ trợ của máy móc để làm sao trà sen Bách Diệp Tây Hồ vừa “chuẩn vị”, vừa bảo quản được lâu, hướng tới những người thích uống trà ở khắp mọi nơi, ở tất cả các thời điểm trong năm…

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-ton-va-phat-trien-hoa-sen-viet-nam-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-a173888.html