Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, chỉ khi có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, nỗi lo về hàng giả, hàng nhái mới có thể được giải quyết triệt để.

Tiềm năng phát triển của thị trường TMĐT tại Việt Nam

Nhìn lại chặng đường phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, không thể không thấy được những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. 

Từ một mô hình kinh doanh còn khá mới mẻ, TMĐT đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2022 đã đạt 16,4 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2021. Dự báo, đến năm 2025 quy mô thị trường này có thể vượt mốc 35 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ước tính khoảng 20-25%. 

Điều này cho thấy, TMĐT đang trở thành một kênh bán hàng ngày càng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Bên cạnh những con số ấn tượng, TMĐT Việt Nam còn có những tiềm năng rất lớn về sự tăng trưởng trong tương lai. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng internet, tương đương với 70% dân số. 

Tuy nhiên, chỉ khoảng 35% người dân từng mua hàng trực tuyến. Đây là một tỉ lệ khá thấp so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, cho thấy nhóm người tiêu dùng tiềm năng chưa khai thác hết.

Siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng hóa vi phạm

Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… 

Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng. Tiêu biểu là Nghị định 85/2021, Nghị định số 17/2022 và Nghị định số 98/2020 về xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT.

Các văn bản này đã tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tăng cường trách nhiệm các bên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Bộ Công Thương (nòng cốt là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc liên quan đến TMĐT từ năm 2021 đến nay. 

Kết quả đã xử phạt trên 20 tỷ đồng, gỡ bỏ 23.359 sản phẩm vi phạm và chặn 6.254 gian hàng.

Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).

Năm 2022, thực hiện thanh tra, kiểm tra 784 vụ, xử lý 449 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT.

Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm.

Ngoài vấn đề hàng giả, nhiều đối tượng còn lợi dụng TMĐT để bán các sản phẩm cấm lưu hành, sản phẩm gắn bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia như vụ việc: Đồ chơi có hình “Bản đồ cắm cờ thế giới" có "hình lưỡi bò" của Trung Quốc (thu giữ 30 thùng hàng và 2 bao tải chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ); vụ việc đồng 2 đô la Úc có hình "cờ vàng" (Lazada gỡ bỏ 30 sản phẩm và khóa 8 gian hàng; Sendo gỡ bỏ 6 sản phẩm và khóa 2 gian hàng; Shopee khóa 27 gian hàng và khoảng 700 sản phẩm)...

Ông Linh chia sẻ, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Chuyển hồ sơ Công an xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.

Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tăng cường ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo và nâng cao năng lực thực thi pháp luật, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đăng tải các thông tin, bài viết bao gồm các hướng dẫn về các quy định mới, các thông báo, yêu cầu rà soát, gỡ bỏ sản phẩm.

Điều này nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm bắt và phòng tránh các nguy cơ lừa đảo, đồng thời bảo vệ mình trước thủ đoạn của các đối tượng vi phạm pháp luật.

“Hàng năm, Bộ Công Thương cũng chủ trì và phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Sở Công Thương các địa phương tổ chức hơn 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về thương mại điện tử trên các địa bàn, với gần 6.000 cán bộ tham dự. Đây chính là lực lượng nòng cốt giúp công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả”, ông Linh nhấn mạnh.

Giải pháp phòng, chống hàng giả trên TMĐT

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên TMĐT, theo ông Trần Hữu Linh, Bộ Công Thương có nhiều giải pháp đang được triển khai để kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn này.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ, lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/2022 và nghị định 85/2021 để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiếp đến là tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Bộ Công Thương với Bộ Công an, Bộ Tài chính… về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm để xử lý. 

Trong đó, cần rà soát theo từ khóa những sản phẩm, vật phẩm bị cấm, các sản phẩm nhạy cảm liên quan tới đường lưỡi bò, cờ ba sọc, các sách báo ấn phẩm, xuất bản phẩm điện tử, phim bị cấm. Lập danh sách đề nghị kiểm tra, xử lý theo quy định.

Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh 3.

Bộ Công Thương có nhiều giải pháp đang được triển khai để kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử cho các cán bộ Quản lý thị trường. Đặc biệt là các nội dung liên quan tới quy định pháp luật về thương mại điện tử; kiểm soát thông tin trên các sàn, website; kiểm soát kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội.

Cùng với đó tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đồng thời, xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.

Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt các vấn đề pháp lý, quy định pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội nhằm tạo ra các cơ chế quản lý hiệu quả.

Đón đọc bài cuối: Mua phải hàng giả trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có quyền khởi kiện?

Ngọc Tân - Kim Thoa

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chong-hang-gia-hang-nhai-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-a173912.html