Với con trai, bà Nguyệt phản đối dữ dội: “Long ơi, sao con lại để cho vợ đi xa như vậy. Mẹ không hiểu hai vợ chồng con tính toán kiểu gì nhưng rõ ràng là thiếu sáng suốt. Ở trong nước có bao nhiêu cơ hội làm ăn, tại sao phải sang tận Hàn Quốc”.
Con trai bà Nguyệt giải thích là vợ chồng anh đang tìm hướng kinh doanh mỹ phẩm, muốn vậy thì phải đi tìm hiểu thị trường. Nếu buôn tận gốc, bán tận ngọn, lấy hàng được từ Hàn Quốc thì rất thuận lợi. Song, bà Nguyệt nghe vẫn không lọt tai. Bà lại nói: “Bao nhiêu người có cần phải đi xa mà vẫn làm ăn được đó thôi. Mà nếu đi thì phải là con, chứ nó thân gái dặm trường, còn bỏ con bỏ cái cả tháng ở nhà, quả thực mẹ không an tâm chút nào”.
Anh Long lại nói là vợ anh biết ngoại ngữ nên lần này đi là đúng, chứ anh không nói được tiếng Anh, sang đó biết xoay thế nào. “Chuyến này nhà con sang trước, từ lần sau, nếu có cơ hội làm ăn thì con sẽ trực tiếp sang đó lấy hàng, vợ con sẽ không đi nữa. Mỗi người có một hướng đi, không thể cứ nhìn người ta làm gì thì mình làm nấy mẹ ạ. Mẹ ủng hộ, động viên cho vợ chồng con yên tâm khởi nghiệp, mẹ nhé”.
Vẫn biết là các con đang cố gắng tìm hướng mưu sinh nhưng bà Nguyệt cho rằng, một chuyến đi Hàn Quốc như vậy rất tốn kém, có khi cũng lên tới tiền trăm triệu đồng. Trong khi đó, hai vợ chồng con trai bà thì chưa dư dả gì. Ngày trước, hai đứa cùng làm cơ quan Nhà nước, thu nhập có phần khiêm tốn nhưng ổn định. Rồi chẳng hiểu hết khôn nó dồn ra dại thế nào mà cả hai nằng nặc nghỉ việc. Chúng còn vẽ ra cả mớ kế hoạch buôn bán kinh doanh hy vọng đổi đời. Song, thực tế thì hai vợ chồng sau mấy năm vẫn cứ lận đận, tiền tháng có, tháng không. Giờ, chúng lại ôm mộng vươn ra tận nước ngoài, thành công đâu chưa thấy, chỉ thấy mất đi một mớ tiền.
Sau cuộc nói chuyện với con trai bất thành, bà Nguyệt tiếp tục gọi cho con gái. Bà giục con mau gọi điện cho anh chị khuyên bình tĩnh, đừng có làm gì thiếu suy nghĩ. “Chị dâu con bảo có mấy người bạn thân lấy chồng bên Hàn, giờ đang buôn bán mỹ phẩm. Các bạn chị bảo chị cứ sang đó nói chuyện, bàn bạc trực tiếp rồi có gì họ sẽ giúp đỡ. Tuy nhiên, mẹ thấy có gì đó không ổn. Người ta cũng đang nuôi thân chưa xong, can cớ gì phải đèo bòng thêm mình”.
Tuy nhiên cô con gái lại bảo với mẹ: “Anh chị đều lớn cả rồi. Buôn bán thua lỗ hay không thì anh chị phải là người lo lắng nhất. Giờ, mẹ già rồi, cũng chưa từng kinh doanh buôn bán nên không có kinh nghiệm để truyền cho anh chị. Tốt nhất mẹ giúp đỡ bằng cách trông các cháu đỡ cho anh chị và dặn anh chị phải cẩn thận là được”.
Nhờ các con không được, bà Nguyệt buồn lắm. Mấy ngày liền, bà nằm bẹp, chả thiết ăn uống gì. Bà nghĩ đến con nhà người ta đã ngoài 30 tuổi đều công thành danh toại, còn mua cho bố mẹ nhà lầu, xe hơi. Bà Nguyệt chẳng cần con báo hiếu mình mà chỉ mong chúng tự lập, giàu có, thành đạt để sướng bản thân chúng nó thôi mà chẳng được. Rồi bà tự hỏi: Liệu mình còn phải lo cho các con đến lúc nào.
Bà Nguyệt nghĩ vậy vì quả thực, chưa có con nào khiến bà cảm thấy an tâm. Hồi vợ chồng con trai còn sống chung nhà, bà gần 70 tuổi rồi còn phải phục vụ con từ A tới Z. Nào thì buổi sáng, bà lục tục dạy sớm nấu ăn sáng cho các con, rồi lại xúc cho hai cháu ăn, sau đó đưa cháu đi học. Nhiều người bảo bà sao phải khổ vậy nhưng bà biết, cả hai đứa con bà mải mê lo kiếm tiền sẽ không ăn uống chỉn chu. Việc con dâu bà dạy sớm lo bữa ăn dinh dưỡng cho hai con còn khó hơn lên trời. Vì vậy mà thà bà làm để các con, cháu được khỏe còn hơn.
Hết bữa sáng, bà lại quay sang dọn dẹp nhà cửa. Hai vợ chồng nó ở một tầng, nhưng thôi thì bừa bộn lắm. Ngày nào bà cũng phải lên lau dọn, nhặt nhạnh đồ vật để vào đúng chỗ cho gọn gàng. Bà sắp xếp sách vở cho các cháu, thầm trách con dâu không lo được cho các con mình.
Chiều tối, khi các con về thì cũng là lúc bà đã hoàn thành việc cơm nước. Có khi bà còn tắm táp cho cả các cháu, cho các cháu ăn no, bố mẹ chúng ăn xong là chỉ việc về phòng nghỉ ngơi.
Mấy việc sắp xếp cuộc sống này bà làm loáng cái là xong, và còn sẵn sàng làm vì các con. Điều bà buồn nhất là các con mình chưa thành đạt như bà mong muốn. Bà thấy chúng làm gì cũng sai, cũng hỏng, cũng có nguy cơ mất trắng.
Lần con đi Hàn Quốc này, bà càng lo hơn vì không thể kiểm soát được các con nữa. Bà chỉ thích các con thôi thì cá nhỏ bơi ở ao nhỏ, có cái cửa hàng ở nhà thì bán vại dưa, vại cà, mấy gói bim bim cho trẻ con là được. Thế nhưng chúng nó có chịu nghe bà đâu.
Trưa đó, buồn quá, bà Nguyệt gọi điện cho bà thông gia, hỏi thăm thêm về chuyến đi của các con. Bà cứ ngỡ bà thông gia như bà, cũng đang tìm kế ngăn cản chúng. Nào ngờ, bà thông gia lại kể: “Lần đi này của các con, em cho chúng vay 100 triệu làm lộ phí. Em cũng đã nói chuyện với mấy cháu bạn con gái em, đúng là chúng hiện đều làm chủ cửa hàng hay xưởng buôn bán mỹ phẩm khá ổn bên Hàn Quốc. Chúng cũng trao đổi với em kế hoạch của chúng nó rồi, em thấy cũng có khả thi nên đỡ lo hơn. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì hai vợ chồng chúng nó phải tự tính toán, cân nhắc. Em không hỗ trợ được gì thêm, thôi thì em hỗ trợ các con bằng tiền, sau này các con có thì trả lại mẹ, không thì mẹ cũng bằng lòng”.
Nghe bà thông gia nói xong, bà Nguyệt vừa ngạc nhiên, vừa nhẹ lòng phần nào. Song bà vẫn cố kể lại cho bà thông gia mấy vụ làm ăn hỏng của các con và cho rằng, mình cần phải nhắc nhở cho chúng không đi theo vết xe đổ ngày trước. Nhưng, bà thông gia lại nói: “Thôi chị ạ. Mình đã nhắc nhở các con rồi. Giờ, chị em mình buông tay để các con tự đi, tự lớn, tự làm, tự chịu. Mình có lo được mãi cho con đâu. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, chị em mình lui lai phía sau thôi”.
Bà Nguyệt bỗng nghĩ, giờ có cản các con vẫn cứ làm đó thôi. Vậy thì, thay vì cứ trách cứ, rồi dọa con thất bại và đòi kiểm soát các con, bà cũng sẽ học bà thông gia, buông tay ra thôi. Còn sau đó, sướng khổ thế nào thì các con phải tự chịu lấy.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/buong-tay-a174068.html