Tính lũy kế đến ngày 20/6, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự gia tăng cả dòng vốn FDI đăng ký và thực hiện sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước. Cụ thể, chất lượng các dự án đầu tư ghi nhận có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư), như Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.… Dòng vốn tới chủ yếu vẫn từ các đối tác truyền thống của Việt Nam thuộc châu Á, như Singapore, Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Trong đó, các diễn biến phức tạp sau thời kỳ dịch COVID-19 cộng thêm những bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi, tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Trên nền tảng đó, các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số Chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ ba yếu tố cốt lõi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong.
Trong đó, ngành công nghệ đang trải qua rất nhiều đổi mới và số hóa. Tương tự, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm với sự tập trung ngày càng tăng vào các nguồn năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời và năng lượng gió) để tăng cường bền vững nguồn cung cấp điện cho Việt Nam.
Các nhà đầu tư cho biết luôn tin tưởng vào những chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.
Nhận định chung từ các tổ chức trong nước và quốc tế, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, nên có xu hướng nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.
Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bán dẫn, điện tử đang được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn tại Việt Nam. Theo đó, dòng tiền từ các thị trường truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay vốn FDI từ Trung Quốc tăng mạnh nhất và đây là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn toàn cầu hiện cũng đang dịch chuyển và có kế hoạch dịch chuyển đầu tư tại Việt Nam như Apple, Dell, Google, Microsoft, Lenovo…
Khu vực miền Bắc thì Hà Nội tiếp tục hoàn thiện đường Vành đai 4, ngoài ra thì các đường liên quan đến các trục kinh tế như đường nối cửa khẩu Hữu nghị - Chi Lăng cũng đang được triển khai. Ngoài ra, đường nối giữa Hà Nội và các khu vực kinh tế ở Đông Bắc Bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng tiếp tục được mở rộng và một số cao tốc dọc về phía Nam nữa.
Về hạ tầng giao thông phía Nam, ngoài tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM thì hiện cũng đang mở rộng về hướng Bà Rịa-Vũng Tàu, các cụm cảng. Bên cạnh đó, cũng đang dần dần mở một số tuyến sang miền Đông và Miền Tây. Ở phía An Giang và Tiền Giang cũng đã xuất hiện các khu công nghiệp mới. Bên cạnh đó, các trung tâm logistics cũng tiếp tục được mở rộng.
Chính phủ Việt Nam hiện cũng có đầu tư rất lớn về đường dây 500Kv mạch 3. Và một yếu tố nữa là chúng ta có Sân bay Long Thành, nếu so với các sân bay trong khu vực thì hiện tại về số đường bay thuộc loại lớn nhất, số nhà ga cũng lớn nhất.
Vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực ASEAN và hệ thống hạ tầng giao thông, logistics ngày một phát triển đang là yếu tố nền tảng giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vi-the-cua-viet-nam-trong-chuoi-cung-ung-dien-dien-tu-ngay-cang-duoc-cung-co-a174109.html