Đa Phần nhà trọ cho công nhân chưa đảm bảo an toàn
Hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các KCN có khoảng 167.000 người. Theo khảo sát quốc gia năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương với 231.000 người.
Từ năm 2006, khi bắt đầu làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, chị Lê Thị Bích Hải (thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) đã chuyển rất nhiều nơi ở trọ. Chị Hải chia sẻ đã từng sống trong những căn phòng trọ chỉ khoảng 10-15m2, rất chật chội và nóng bức. Mỗi khi mưa lớn, nước lại tràn vào nhà, vừa bất tiện vừa nguy hiểm. Có những nơi trọ khá ổn, nhưng do không làm hợp đồng thuê nhà nên chủ có thể yêu cầu mình chuyển đi bất cứ lúc nào họ muốn.
Nơi ở hiện nay của gia đình chị Hải đã thuê được 6 năm. Đó là một căn phòng cũ diện tích khoảng 40m2, ẩm thấp về mùa đông và nóng nực về mùa hè. Nhưng gia đình chị vẫn “gắn bó” vì giá rẻ (1.5 triệu/tháng) và ông bà chủ tốt bụng. Có con nhỏ, vợ chồng chị Hải cũng được ông bà hỗ trợ khá nhiều.
Trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” thí điểm tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) và thị trấn Chi Đông, Quang Minh (huyện Mê Linh) do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế IOM triển khai từ tháng 11/2023, một khảo sát với 420 người lao động và một số chủ nhà trọ cho thấy: 25% người được hỏi cho biết họ không hài lòng với nguồn nước được cung cấp, 20% không hài lòng với hệ thống thông gió, 24% với hệ thống ánh sáng và 22% với hệ thống thu gom rác tại nhà trọ.
Đa phần các phòng trọ đều không có nội thất (chiếm 37%) hoặc chỉ có một số nội thất cơ bản (chiếm 47%). Có 21% người khảo sát cho biết họ sẽ phải tự chi trả việc sửa chữa nhà nếu xảy ra hỏng hóc hoặc cần bảo trì.
Một số gia đình thuê nhà trọ có diện tích nhỏ (khoảng 10m2) nhưng số người ở lại khá đông (từ 4-5 người), gây ra rủi ro khi có dịch bệnh. 27% người được hỏi cho biết, họ vẫn phải dùng chung nhà tắm/nhà vệ sinh và 7% dùng chung bếp/khu vực nấu ăn.
Khảo sát cũng cho thấy, 58% phụ nữ và 45% nam giới cho biết an ninh là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi tìm nơi thuê trọ. Hơn 30% người được hỏi cảm thấy phòng trọ quá nóng khi đến mùa hè. Có 80% người được hỏi cho biết họ cảm thấy phòng trọ của mình chưa được thiết kế đảm bảo an toàn, thiếu an tâm về phòng cháy chữa cháy, kết cấu xây dựng và nguồn nước sinh hoạt…
Tại Hội thảo “Tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư” do Hội LHPN Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức ngày 4/6, bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam lo ngại: Hiện tại, vẫn chưa có các quy định của pháp luật chính thức hướng dẫn các chủ nhà trọ về việc cung cấp điều kiện sống tối thiểu tại các khu nhà trọ cho lao động, đặc biệt là người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cũng là đối tượng dễ bị tổn thương khi tìm kiếm các chỗ ở đảm bảo.
Dù chính quyền địa phương đã có những nỗ lực để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết chỗ ở cho lao động di cư, song họ vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại để hoà nhập với nơi ở mới.
“Chúng tôi nhận thấy rằng rất nhiều lao động di cư đang phải đối mặt với điều kiện sống không an toàn, thiếu an ninh. Đáng quan ngại hơn, 10% chủ nhà trọ không có hợp đồng thuê trọ chính thức cho người lao động thuê, một số người có hợp đồng lao động với điều khoản không rõ ràng, khiến họ không được đảm bảo việc cư trú. Các công ty cũng gặp nhiều trở ngại tìm phương thức hỗ trợ người lao động đặc biệt là người lao động sống bên ngoài khu ký túc xá công ty…” - bà Park Mihyung nói.
Cần xây dựng bộ tiêu chí nhà trọ an toàn cho công nhân
Hà Nội hiện đã và đang xây dựng 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế cho khoảng 22.420 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở. Trong đó, khu nhà ở công nhân thí điểm xây dựng tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng cho khoảng 12.000 chỗ ở. Ngoài ra, Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà 12 tầng và 2 tòa nhà 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ. Tuy nhiên, số này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại những khu nhà do người dân xây dựng trong khu dân cư thiếu an toàn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.
Bà Lê Kim Anh, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND Thành phố về thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội xác định mục tiêu: Hỗ trợ công nhân lao động trong các khu công nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo đáp ứng mặt bằng chung cuộc sống tại Hà Nội. Đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 1-2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động và đến năm 2030: 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
“Trong thời gian Thành phố chưa hoàn thiện khu nhà ở cho công nhân, việc đảm bảo công nhân lao động có chỗ ở an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống là điều hết sức quan trọng” - bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Kim Anh, dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy chính quyền Thành phố và các địa phương sẽ góp phần thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.
Bộ tiêu chí nhà trọ đáp ứng nhu cầu giới, an toàn, thân thiện áp dụng đối với các nhà trọ do người dân tự xây dựng và cho thuê gồm các tiêu chí như: Thiết kế xây dựng phòng trọ đảm bảo khả năng sinh sống, cơ sở vật chất thiết yếu; diện tích sử dụng phòng tối thiểu 12m2; đảm bảo an ninh khu trọ, an toàn cháy nổ; đảm bảo người thuê trọ được đăng ký tạm trú 100%, có hợp đồng soạn thảo bằng văn bản, có điều khoản rõ ràng; có tổ chức sinh hoạt phổ biến thông tin/có nhóm thông tin trực tuyến (zalo, facebook,..), tham gia các hoạt động/hội nhóm xã hội; cung cấp các kênh thông tin về an toàn sức khỏe, bệnh truyền nhiễm cho người thuê trọ…
Bộ tiêu chí này dựa trên hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền chỗ ở thích đáng cũng như danh mục kiểm tra của IOM về chỗ ở trong hướng dẫn về lao động di cư cho người sử dụng lao động. Bà Park Mihyung đánh giá, bộ tiêu chí này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hoá nhu cầu của người lao động về một chỗ ở đảm bảo.
Bà Phạm Thị Ngần, từng là chủ nhà trọ tham gia CLB Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn xã Kim Chung cho biết, trước đây, khi còn có nhà trọ cho thuê, gia đình bà đều ký hợp đồng hàng năm với các tiêu chí người thuê trọ đảm bảo giờ giấc đi/về không quá 11 giờ đêm, vệ sinh môi trường nơi ở, không đưa người lạ về phòng qua đêm… Để đảm bảo an toàn, bà lắp đặt 3 bình chữa cháy trước cửa 3 phòng trọ, có chế độ ăn ở sinh hoạt khép kín ở mỗi phòng, lắp đặt đường dây điện an toàn. Bà luôn vận động các nữ lao động nhập cư tham dự các sự kiện tuyên truyền pháp luật, sức khoẻ sinh sản cho người lao động…
Những khu nhà trọ an toàn, thân thiện như của nhà bà Ngần là điều mà nhiều công nhân mong muốn. Đây là quyền lợi chính đáng của công nhân - những người đang góp phần quan trọng vào nền kinh tế của Thủ đô.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xay-dung-tieu-chi-nha-tro-an-toan-cho-cong-nhan-tai-sao-khong-a174198.html