Bài 2: Đổi mới phương thức hoạt động để thu hút hội viên

(PNTĐ) - Trong thời gian qua, xác định đúng, trúng 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 gắn với phong trào thi đua, các cấp Hội Phụ nữ đã đổi mới phương thức hoạt động Hội, thành lập nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Bài 2: Đổi mới phương thức hoạt động để thu hút hội viên - ảnh 1
Hội viên phụ nữ tham gia mô hình thu hút tập hợp phụ nữ trên không gian mạng.

Đổi mới mô hình hoạt động Hội từ thực tế cơ sở

Say mê công tác Hội, trong nhiều năm liền, bà Phạm Thị Cúc Tú, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân được các cấp Hội từ quận đến TƯ ghi nhận, đánh giá một trong những tấm gương cán bộ Hội cơ sở tiêu biểu trong hoạt động Hội Phụ nữ. Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô về những yêu cầu công tác Hội Phụ nữ trong tình hình mới, bà Tú cho biết: Giải bài toán thu hút chị em phụ nữ đến với ngôi nhà của Hội, luôn là một điều không hề dễ dàng với người những người “thuyền trưởng” trong tình hình hiện nay. Nhờ việc áp dụng phương châm “Thành phố vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cùng xã, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ” và “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội” đã giúp Hội thu hút được nhiều hội viên.

Cụ thể, Hội Phụ nữ phường đã thay đổi hình thức sinh hoạt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng chi hội như: Tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, dân vũ; tổ chức các hội thi như: Bóng chuyền hơi; Cán bộ hội giỏi; Sức sống mới từ rác thải nhựa... Nổi bật, năm 2024, Hội đã triển khai mô hình “1 +1” (Chi hội khá kèm chi hội yếu, 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội, 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu phát triển Đảng 1 chi hội trưởng/tổ trưởng/tổ phó, 1 hội viên nữ cán bộ, công chức, viên chức/Ủy viên BCH, 1 chi hội mạnh kết nghĩa giúp đỡ 1 chi hội yếu hoặc 1 hội viên có điều kiện hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn...); “3 có, 3 biết” (có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên, biết nhu cầu hội viên, phụ nữ). 

Nửa nhiệm kỳ qua, phương thức hoạt động Hội cơ sở có nhiều đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, tập hợp thu hút thông qua mạng xã hội. Trang fanpage của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội gồm 675 trang với số lượng theo dõi hơn 400.000 người; đồng thời có 9.977 nhóm zalo từ cấp Thành phố đến cơ sở. Với cách làm đổi mới đó, toàn Thành phố phát triển 48.549 hội viên (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ Thành phố đã đề ra, vượt chỉ tiêu TƯ Hội giao). Tính đến tháng 6 năm 2024, tổng số phụ nữ tham gia tổ chức Hội là 1.628.679 hội viên, đạt tỷ lệ 71% số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó hội viên do Hội quản lý là 942.242 người.

Xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn là một trong những đơn vị có tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 90%. 3 năm gần đây, Hội đã thu hút và phát triển được 358 hội viên mới tham gia vào tổ chức Hội. Đến nay, tổng số hội viên của Hội Phụ nữ xã có 2.376 hội viên, là một trong những xã có số lượng hội viên đông nhất của huyện Sóc Sơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Dược chia sẻ, mặc dù kinh phí hoạt động Hội còn hạn chế, thành phần đối tượng chị em hội viên đa dạng, tỷ lệ hội viên làm nông nghiệp chiếm hơn 60%, còn lại hội viên hưu trí và làm các ngành nghề khác.

Cán bộ Hội nắm bắt tìm hiểu thực tế nhu cầu về phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, nhu cầu được rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe đang là điều các hội viên, phụ nữ quan tâm. Vì vậy, Hội đã thành lập và ra mắt 7 câu lạc bộ (CLB) dân vũ, 5 CLB bóng chuyền hơi, 2 CLB múa sạp; và thành lập các tổ phụ nữ cao tuổi, tổ phụ nữ yêu văn nghệ… thu hút hơn 1.000 phụ nữ tham gia. 

Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, bà Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa cho biết: Trong 3 năm, Hội đã phát triển được mới 71 hội viên, đạt 158% so chỉ tiêu (45 hội viên). Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội đã củng cố các mô hình chi hội, tổ hội phụ nữ theo địa bàn dân cư. Cán bộ Hội chuyên trách từ xã đến cơ sở thôn phải thực hiện “3 cùng” với chi hội “cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói phụ nữ hiểu, cùng làm phụ nữ theo”.

Để tổ chức Hội là cánh tay đắc lực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội Phụ nữ phát động mỗi chi hội xây dựng một mô hình mới, cách làm hay để tập hợp, thu hút hội viên. Hiện Hội đang quản lý mô hình: CLB Dân vũ; khiêu vũ, bóng chuyền hơi, cầu lông với hơn 200 hội viên tham gia... 

Với những sáng tạo đổi mới hoạt động Hội, Hội LHP xã Viên Nội được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận Bằng khen, giấy khen các cấp trao tặng.

Thu hút hội viên phụ nữ trên không gian mạng
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Hội rất cần thiết. Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã và đang đã khai thác, sử dụng hiệu quả tính năng mạng xã hội như facbook, zalo…để thu hút, kết nối phụ nữ, từ đó đưa phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” đến với từng hội viên phụ nữ.

Phường Phúc La, quận Hà Đông là một đơn vị có nhiều tòa chung cư nhất trên địa bàn quận Hà Đông. Bên cạnh những thuận lợi về hạ tầng đô thị, vấn đề khác biệt văn hóa vùng miền tác động không nhỏ tới công tác quản lý, triển khai, các hoạt động phong trào tại địa phương, nhất là phong trào thi đua của Hội Phụ nữ. 

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Phúc La, quận Hà Đông cho biết: Để tiếp cận được hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ phường đã xây dựng mẫu phiếu, phân công cán bộ Chi hội đến từng nhà gặp gỡ, thu thập thông tin, sau đó phân nhóm theo lứa tuổi, công việc sở thích… từ đó đưa ra mô hình tập hợp phù hợp.

Cụ thể như: Đối với nữ đảng viên, Hội đã thành lập mô hình CLB nữ đảng viên, đối với nữ giáo viên nghỉ hưu thành lập mô hình CLB nữ giáo chức, đối với phụ nữ cao tuổi thành lập 3 nhóm Vui - Khỏe, các chị em tổ chức thăm quan, giao lưu văn nghệ… 2 đến 3 lần/tuần. Hội đã xây dựng và khai thác có hiệu quả trang Fanpage “Hội LHPN phường Phúc La” và 23 nhóm zalo từ phường tới chi, tổ Hội, các hướng dẫn chị em sử dụng và theo dõi những hoạt động của Hội và các vấn đề dân sinh diễn ra trong cuộc sống.  

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Hội là bài toán khó đối với tổ chức Hội trong tình hình mới nhưng các chị em cán bộ phụ nữ huyện Gia Lâm đã đầu tư bài bản để có thể thu hút thêm nhiều chị em cùng tham gia trên không gian mạng. 

Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Gia Lâm được TƯ Hội LHPN Việt Nam tin tưởng lựa chọn làm điểm mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội facebook, nhóm “Phụ nữ Gia Lâm khỏe - đẹp mỗi ngày” được khởi tạo vào ngày 5/5/2024 với 230 thành viên, mục tiêu thu hút hội viên không có điều kiện tham gia trực tiếp hoạt động Hội/sinh hoạt Hội và phụ nữ chưa là hội viên của Hội. 

Một tín hiệu đáng mừng là sau 1 tháng hoạt động, nhóm có 523 thành viên với 7 thành viên nam giới, tăng gấp đôi so với ban đầu, trong đó có 78% là hội viên, 6% phụ nữ chưa tham gia tổ chức Hội, 4% là hội viên danh dự và có 95% thành viên tham gia nhóm là cư dân của Hà Nội và của huyện Gia Lâm. Đây là diễn đàn để phụ nữ cung cấp, chia sẻ thông tin, đề đạt nhu cầu nguyện vọng, có cơ hội để tiếp cận kiến thức về mọi mặt của cuộc sống… 

Sau đơn vị làm điểm tại Gia Lâm, tiếp đến là quận Long Biên triển khai thực hiện thí điểm mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng tại phường Thạch Bàn với tên gọi “Phụ nữ Thạch Bàn Vui - Khỏe - Có ích”. Bà Đào Thu Hải, Chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên cho biết: Mô hình hoạt động dưới hình thức nhóm (group) trên mạng xã hội facebook. Nhóm bắt đầu vận hành từ tháng 5/2024 và hiện có 225 thành viên, đa số là nữ giới (97%), thuộc độ tuổi từ 25-65. Trong đó, 90% là hội viên phụ nữ, 10% chưa tham gia tổ chức Hội. Nhóm đã có 47 tài khoản đăng bài và bình luận, với 1.147 lượt quan tâm theo dõi.

(Còn tiếp)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-2-doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-de-thu-hut-hoi-vien-a174243.html