Lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản Thăng Long - Hà Nội

(PNTĐ) - Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều đổi mới giáo dục về di sản văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội. Đây vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là biện pháp để gìn giữ di sản cho hiện tại và tương lai.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản Thăng Long - Hà Nội - ảnh 1
Các em học sinh tham gia chương trình Giáo dục lịch sử địa phương tại Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.

Hà Nội hiện quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lai của Thủ đô mà còn cho cả đất nước nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của Thủ đô Hà Nội.

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là một trong số những địa điểm được các trường học trên địa bàn Thủ đô lựa chọn là nơi trải nghiệm thực tế những bài học lịch sử địa phương. 

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/8/2010. Đến nay, sau gần 15 năm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới (2010-2024), công tác giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ ngày càng được đẩy mạnh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì Hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình Giáo dục di sản dành cho các em học sinh tiểu học và THCS. Đó là chương trình “Em làm nhà khảo cổ” với mong muốn tạo một không gian học tập, trải nghiệm cho học sinh tiểu học. Và chương trình “Em tìm hiểu di sản” dành cho học sinh THCS được xây dựng theo phương pháp mới, vừa học, vừa chơi, trải nghiệm và sáng tạo.

Chương trình “Em làm nhà khảo cổ” dành cho đối tượng học sinh cấp tiểu học là một trong những chương trình được sự hỗ trợ của UNESCO với các khu Di sản Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về khảo cổ học, về quy trình khai quật khảo cổ học…, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ giữa di sản với nhà trường, di sản với gia đình. Chương trình đã được triển khai thể nghiệm từ năm 2013, đến nay đã được hoàn thiện và trở thành một chương trình hấp dẫn với đối tượng học sinh tiểu học. Mỗi năm, có hàng nghìn học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm. 

Tham gia chương trình, các em học sinh được xem phim giới thiệu về khu di sản Hoàng thành Thăng Long và các chuyên gia giới thiệu những nét khái quát về bộ môn khoa học khảo cổ học, có dịp làm quen/tiếp xúc với công việc của nhà khảo cổ trên hiện trường khai quật. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội thể nghiệm trở thành một nhà khảo cổ, học tập và thực hành một số kỹ năng cơ bản trong khai quật khảo cổ. 

Chương trình “Em làm nhà khảo cổ” được tổ chức nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, qua đó khuyến khích việc tăng cường tìm hiểu các giá trị nổi bật của khu di sản. Chương trình dành cho học sinh cấp THCS, có thể đáp ứng tiếp đón từ 200-1.000 học sinh một buổi trải nghiệm trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ. 

Trong chương trình này, các em học sinh được tham quan các điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, khu vực điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, hầm Chỉ huy tác chiến. Tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản. Tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố. Tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian.

Tham gia chương trình, các em còn được nghe kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và giao lưu với các chuyên gia, các nhà khoa học. Mỗi chương trình, chúng tôi đều liên hệ và mời các chuyên gia, các nhà khoa học lĩnh vực Khảo cổ, Lịch sử, Văn hóa, Di sản… đến nói chuyện và giao lưu cùng học sinh. 

Ngoài hai chương trình trên, thời gian gần đây, một số trường tiểu học, THCS, THPT, Đại học cũng phối hợp với Hoàng thành Thăng Long tổ chức các chương trình dành cho học sinh, sinh viên tại Hoàng thành Thăng Long. Có thể kể đến như chương trình “Chào tân sinh viên” của khoa Văn hóa Du lịch - Đại học Thủ đô Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ dâng hương và báo công của Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô, các trường tổ chức lễ dâng hương báo công, kết nạp Đội/Đoàn cho học sinh tiêu biểu tại sân Rồng - Điện Kính Thiên, nơi từng diễn ra các kỳ thi Đình dưới thời Lê - kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học Việt Nam để chọn ra những người hiền tài bổ nhiệm các chức quan trong triều…

Có thể nói, làm tốt công tác giáo dục di sản sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần xây dựng Thủ đô là thành phố hòa bình, sáng tạo.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lan-toa-thong-diep-bao-ve-di-san-thang-long-ha-noi-a174248.html