Nga hôm 18/7 tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để đáp trả quyết định gần đây của Mỹ về triển khai tên lửa hành trình tầm xa ở Đức.
Phát biểu với các nhà báo ở Moscow về kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk tới Đức bắt đầu từ năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga sẽ đáp trả bất kỳ bước đi nào của Mỹ nhằm tăng cường năng lực tên lửa hạt nhân.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm cả những kịch bản tiêu cực", ông Ryabkov nói.
Khi được hỏi liệu Nga có đặt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở một số khu vực như một biện pháp đối phó hay không, Thứ trưởng Ryabkov trả lời: "Tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào".
Vị quan chức Nga nhấn mạnh rằng Moscow sẽ quyết định triển khai "cái gì, ở đâu và khi nào" dựa trên năng lực tổng thể của các nước NATO.
"Đây không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai. Điều quan trọng là phải tìm ra phương án hiệu quả nhất, kể cả về mặt chi phí, để ứng phó với những thách thức đang thay đổi", ông Ryabkov giải thích.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại bãi huấn luyện Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan phía Nam nước Nga gần Biển Caspian. Ảnh: Getty Images
Thứ trưởng Nga cũng chỉ trích các nước phương Tây làm leo thang căng thẳng. Ông nói: "Đây là một tình huống đáng buồn, nhưng nó sẽ không ngăn cản chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh dọc theo toàn bộ chu vi biên giới của Nga, bao gồm cả vùng phòng không của chúng tôi".
Tuyên bố chung của Washington và Berlin ngày 10/7 thông báo việc triển khai tên lửa hành trình Tomahawk và các loại vũ khí tầm xa khác tới Đức, bắt đầu từ năm 2026. Lần triển khai vũ khí tầm xa như vậy gần đây nhất của Mỹ tới Đức là vào những năm 1990.
Nga trước đó đã cảnh báo rằng động thái này có thể dẫn đến một "cuộc đối đầu trực tiếp" kiểu Chiến tranh Lạnh.
Trong một diễn biến khác hôm 18/7, Nga đã cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng quân sự hóa và đối đầu hơn khi người đứng đầu khối này vạch ra kế hoạch thành lập một liên minh quốc phòng mới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hôm 18/7, cho biết bà hy vọng sẽ thành lập một Liên minh Phòng thủ châu Âu để đối phó với các mối đe dọa xuyên biên giới trong 5 năm tới, bắt đầu với "Lá chắn Không quân châu Âu và phòng thủ mạng".
"Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các dự án lớn này được mở cho tất cả mọi người và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ mà chúng tôi có – cả về quy định và tài chính – để đảm bảo chúng được thiết kế, xây dựng và triển khai trên đất châu Âu nhanh nhất có thể", bà von der Leyen cho biết trong một tài liệu vạch ra chương trình của mình trước cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 18/7.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đề xuất này thể hiện "những ưu tiên thay đổi" của bà von der Leyen và "màu sắc quân sự" của EU.
"Nó xác nhận thái độ chung của các quốc gia châu Âu đối với việc quân sự hóa, leo thang căng thẳng, đối đầu và phụ thuộc vào các phương pháp đối đầu trong chính sách đối ngoại của họ", ông Peskov nói. "Mọi thứ đều khá rõ ràng ở đây".
Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm rằng mặc dù Nga không gây ra mối đe dọa đối với EU nhưng hành động của các quốc gia thành viên khối này liên quan đến Ukraine "đã loại trừ mọi khả năng đối thoại và xem xét các mối quan ngại của Nga".
"Đây là những thực tế mà chúng tôi phải sống và điều này buộc chúng tôi phải điều chỉnh các cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp", ông Peskov nói.
Minh Đức (Theo Anadolu, Al Jazeera)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nga-khong-loai-tru-kha-nang-trien-khai-ten-lua-mang-dau-dan-hat-nhan-a174392.html