Sáng, được mấy người bạn nhắn rủ tới cà phê, quán mới. Họ biết tôi có thói quen chỉ ngồi ở một, hai quán quen, nên nói luôn, lên đây ngắm mưa Pleiku, rất thú.
Thì vẫn phải xong ly cà phê quán quen rồi mới chạy lên, làm ly thứ 2, coi cũng là một cách... chữa lành.
Quán bài trí rất đẹp, cái tên cũng buồn cười, rất... chill như cách gọi của cánh trẻ: Gạo.
Nó được cải tạo từ một căn nhà cũ, cấp 4 thời bao cấp, có điều khác nhà tập thể là có sân, có vườn, rất nhiều cây. Nền xi măng, lợp tôn không trần, cửa sổ sắt hoa vân vân...
Và mưa, Pleiku đang mùa mưa, nhưng năm nay mưa ít, nhẽ giờ đang đỉnh mùa thì nó mới bắt đầu mưa liên tục có mấy ngày.
Ngày xưa ấy, mưa khổ lắm. Toàn xe máy, xe đạp, áo mưa lùng thùng, đường xấu, nước mưa mà đỏ ngầu màu đất đỏ, lá cây cũng đỏ, run rẩy đỏ trong mưa.
Chưa kể nhà dột, nước tràn. Mà ròng rã tới 6 tháng. Thì hồi ấy Tây Nguyên chỉ có hai mùa mà, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô thì gió to nắng rát, lạnh và bụi đỏ mù trời. Mùa mưa thì ấm nhưng cách rách, cũng toàn nước đỏ vì chưa có đường như bây giờ. Đường đất bazan mà gặp mưa thì biết rồi...
Giờ, biến đổi khí hậu, mưa trở thành... hiếm.
Và người ta nhớ mưa, thèm mưa. Người ta rủ nhau vào quán cà phê để... ngắm mưa, hay chính xác chọn quán để có thể ngắm mưa, hưởng mưa và thưởng mưa, hoài niệm mưa.
Quán rất đông, thanh niên là chủ yếu. Và, đập vào mắt tôi là một cô gái ngồi một mình. Quyển sách trên tay, chăm chú đọc, kệ xung quanh.
Hồi nhỏ, tôi mê đọc sách vô cùng, tới mức nói với mẹ, sau này con sẽ làm cán bộ thư viện hoặc... cửa hàng trưởng cửa hàng sách, để đọc sách thoải mái. Hồi ấy thi thoảng mẹ cho tiền mua sách, tôi đạp xe ra hiệu sách, chọn mua một cuốn rồi đọc tại chỗ... 3 cuốn, xong mới về đọc dè cuốn mình mua.
Lấy vợ, có 2 con rồi, giữa thời bao cấp khốn khổ ấy, lương đưa hết cho vợ, xong vợ đưa lại 1/3 để mua sách. Vừa rồi có mấy bạn ở NXB Phụ nữ vào nhà, thấy tủ sách của tôi, vợ tôi nhân thể nhắc lại chuyện ấy mới nhớ.
Nhưng giờ người đọc sách ít quá, cả người đọc thưởng thức lẫn người đọc để học, để làm việc.
Nên tôi ngẩn ra nhìn cô gái ngồi điềm nhiên đọc sách trong cái quán cà phê rất đông người kia, mỗi người một điện thoại và... chém gió.
Lén đưa điện thoại chụp cái ảnh, xong ngồi thừ ra.
Nhớ một người, anh bạn trẻ Nguyễn Quang Thạch, người mấy chục năm nay miệt mài làm cái việc là "Sách hóa nông thôn", không mệt mỏi, không nản chí, không lùi chỉ làm (nhớ thủ tướng hay nói câu này) với một niềm tin mãnh liệt vào việc mình làm, và vào việc mọi người sẽ yêu sách... như mình. Không chỉ sách hóa nông thôn Việt, anh còn sang tận Ấn Độ để làm việc này. Anh là người xây dựng nên các tủ sách dòng họ, xứ đạo, trường học vân vân...
Tôi cũng từng mươi lần làm cái việc là xin sách, nhận sách, trung chuyển sách về cho các trường học. Về các trường mới thấy, có thư viện nhưng đa phần chỉ là cái... biển đề, còn tủ với giá là rỗng. Không phải tất cả các cháu học sinh, kể cả giáo viên, đều ham đọc sách, nhưng ở dưới ấy, nếu có các cháu thích đọc sách thì cũng đành chịu. Nên các thư viện trường học nó khá cần thiết để ít nhất những cháu thích đọc sách có cái mà đọc. Và rồi từ đấy mà lan tỏa.
Gặp mấy bạn giáo viên, nhân thể nói chuyện về thi tốt nghiệp năm nay, một đề tài đang hot, hot nhất là toán không có điểm 10 nào, mà văn lại có.
Thế là mừng.
Và mừng nhất là, với chương trình và cách dạy, học như hiện nay, thì muốn học được, thi được môn văn, bắt buộc phải đọc sách.
Các thầy cô có quyền chọn ngữ liệu, học sinh cũng thế, trên cơ sở một cái khung chương trình. Cách dạy và học môn văn lâu nay trong nhà trường khiến cả giáo viên và học sinh không cần đọc sách vẫn... dạy và học tốt. Có mấy tác phẩm trong sách giáo khoa rồi, cứ thế mà xoay. Năm nay Sông Đà thì sang năm chị Dậu, năm ngoái Sóng thì tiếp sẽ là A Phủ vân vân, tới nỗi học tủ dạy tủ trở thành "trào lưu lớn", đến mức thi văn mà có... phao, luyện thi tức là... học thuộc lòng. Đây là mấy câu thơ vui về đề thi một thời: "Mỗi năm cứ đến mùa thi/ "Vợ chồng A Phủ" thầm thì bảo nhau/ Năm ngoái bi kịch đến đâu?/ Năm nay không biết xoáy sâu chỗ nào/ Chí Phèo thất thểu phều phào/ Thị Nở xắn váy đi vào đi ra/ Vợ nhặt hớn hở hớn ha/ Năm nay dứt khoát đến ta vào đề...". Rồi đây nữa: " "Nét chữ tử tù" phân vân mãi/ "Vợ nhặt" lênh đênh phép giảng bình/ "Từ ấy" đề thi mang ra chép/ Năm nay chẳng biết lại ra gì?", còn nhiều lắm, những hài hước và cả bi kịch đề thi một thuở.
Tràng giang thế vì đang mừng. Từ chuyện gặp một người đọc sách mà hy vọng cả phong trào đọc sách. Và nói luôn, cái bạn đọc sách này không phải diễn, bởi bạn ấy ngồi đọc rất lâu và chăm chú. Rất nhiều ông bố bà mẹ trẻ bây giờ đang làm những việc rất hay là dùng sách làm quà tặng cho con. Tôi có mấy đứa cháu, lâu lâu lại gửi cho chúng một ít sách, và thấy chúng chăm chú đọc thì rất mừng. Mẹ chúng còn khuyến khích chúng đọc xong thì viết nhận xét, tóm tắt lại truyện, việc thường xuyên của chúng tôi ngày xưa, học rất khổ nhưng đứa nào cũng có một cuốn "sổ tay văn học", nhiều khi là tự đóng chứ chả có tiền mua, trong ấy ghi những câu thơ hay (cô giáo đọc cho), tóm tắt nội dung những cuốn sách được đọc.
Tôi cũng may mắn được quen và chơi với rất nhiều người làm sách, mê sách, chơi sách như Hoa Phượng NXB Phụ Nữ, Võ Kim Thanh NXB Dân Trí, Vũ Phương Liên Liên Việt, Nguyễn Thúy Hằng NXB Hội Nhà Văn, Vũ Danh Tuấn Kẹp hạt dẻ,... tới cả những người chả liên quan như anh bạn kỹ sư giao thông suốt ngày lênh đênh theo các công trình tên là Việt, nhưng nghe ở đâu có sách, có người chơi sách là tới làm quen, và mỗi lần từ công trường lên phố thì địa chỉ đầu tiên anh ghé là... hiệu sách.
Và từ buổi sáng may mắn này, tôi hy vọng phong trào đọc sách sẽ phát triển trở lại, để cạnh tranh với... smartphone. Và cám ơn cô gái đọc sách trong một buổi sáng Pleiku mưa để tôi tin là, phụ nữ vốn dĩ rất là đẹp, nhưng nếu thêm cuốn sách, họ xinh lên nhiều lần. Và vì tôn trọng phút tĩnh lặng đọc sách mà tôi chỉ chụp ảnh từ xa, không lại cắt ngang sự đọc của cô để xin phép.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cam-on-nguoi-doc-sach-trong-mua-a174397.html