Tin liên quan
Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông tạo sinh kế cho người dân
Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông mang lại giá trị kinh tế cao
Phát triển khuyến nông đô thị kiến tạo không gian xanh cho Thủ đô
Tham gia diễn đàn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Phúc Thọ, đại diện hơn 260 các doanh nghiệp, hiệp hội, nhóm tham gia sản xuất, hộ nông dân, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Người sản xuất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp
Huyện Phúc Thọ hiện 6 tháng đầu năm 2024 có diện tích gieo trồng 3.464/3.463ha; tổng đàn trâu bò đạt 7.889 con, sản lượng xuất chuồng 580 tấn; tổng đàn lợn 76.061 con, sản lượng xuất chuồng 7.400 tấn; tổng đàn gia cầm 1.429 nghìn con, sản lượng xuất chuồng gia cầm thịt 3.338 tấn, trứng gia cầm 80 triệu quả; giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 877 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nhiều mô hình khuyến khích phát triển nông nghiệp đã được huyện hỗ trợ triển khai như: Sản xuất lúa chất lượng cao cơ giới hóa từ làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay cho đến gặt bằng máy gặt đập liên hợp tại các xã Hát Môn, Trạch Mỹ Lộc, Liên Hiệp, Phúc Hòa; Triển khai chuỗi liên kết sản xuất dưa bao tử và ngô ngọt quy mô 41 ha; Triển khai 41ha cây vụ đông các loại cây có giá trị cao như khoai tây, bí đỏ, ngô ngọt;Hỗ trợ sản xuất hoa ly và loa kèn… Chăn nuôi được quy hoạch phát triển theo vùng tập trung xa khu dân cư, năm 2023 đã quy hoạch 11 khu chăn nuôi với diện tích 210ha.
Một số HTX của huyện Phúc Thọ tích cực đổi mới, mở rộng nhiều dịch vụ theo hướng liên doanh, liên kết như: HTX nông nghiệp xã Long Xuyên triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa bao tử quy mô đến nay 10ha; HTX nông nghiệp xã Vân Nam thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với cây chuối và cây bưởi, trong đó giống chuối Nam Mỹ 3 ha, trồng mới 4ha bưởi Tam Vân và ghép cải tạo 2ha bưởi giống mới…
Tại diễn đàn, đại diện các hộ sản xuất, HTX đã có nhiều chia sẻ, đặt câu hỏi với các chuyên gia trong việc chăm sóc cây, con và bày tỏ mong muốn được liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ đề nghị cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, lãnh đạo có các giải pháp mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để phát triển. Việc ký kết hợp đồng giữa người dân với các đơn vị, các doanh nghiệp cần có cả chính quyền làm trung gian để đảm bảo cho thực hiện cam kết của 2 bên trong suốt quá trình nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm.
Anh Kiều Văn Tuyên, nhà vườn xã Phúc Hoà (Phúc Thọ) chia sẻ về việc trồng 1,5 mẫu nho sữa và mong muốn phát triển rộng, tìm người tâm huyết có hướng đi cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng sản xuất kết hợp với làm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Mỡ (xã Thượng Cốc), bày tỏ trăn trở về việc làm sao để phát triển thương hiệu sản phẩm tương tiến vua Thượng Cốc có lịch sử hơn 400 năm, đã đạt OCOP 3 sao từ năm 2023 nhưng chưa được nhiều người biết đến. Bởi vậy, ông Mỡ cho rằng, người nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất, còn với thị trường thì vẫn còn là thách thức, nên rất cần được hỗ trợ đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất với các. doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Xuyên cho biết, trước đây HTX trồng bưởi, hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển đổi liên kết với doanh nghiệp trồng dưa chuột bao tử và dưa kiếm, đang có nhiều thành công, tạo việc làm cho 50-70 lao động, bình quân thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành và bao tiêu sản phẩm
Chia sẻ về chuỗi liên kết sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chuối Việt cho rằng: Chính quyền cần làm cán cân, làm trọng tài để người dân và doanh nghiệp có được liên kết hiệu quả. Việc ký kết hợp đồng là làm thật, nông dân có đất, có cây, doanh nghiệp có sự nắm bắt thị trường, cùng bắt tay với nhau để tạo ra giá trị cao từ tổ chức sản xuất, cung cấp chất lượng sản phẩm đưa đến người tiêu dùng hiệu quả.
Bà Huyền nhấn mạnh đến việc người tiêu dùng chi tiền xứng đáng với giá trị của sản phẩm, sản phẩm là các đặc sản gắn với giá trị văn hoá, tự hào dân tộc thì đơn vị sẵn sàng đặt cọc tiền để người dân yên tâm sản xuất…
Bà Phạm Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội mã số, mã vạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) cho rằng, sự cần thiết của việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để sản xuất ra các sản phẩm. Bà Lý cũng chia sẻ câu chuyện thành công của các địa phương như bưởi Chương Mỹ và vải Thanh Hà (Hải Dương)… Theo bà Lý, người sản xuất cần bắt tay với các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất rõ ràng và giữ chân được khách hàng.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Trần Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH TMDV OCOP Center cho biết, là đơn vị uỷ thác của hơn 100 nhà sản xuất sản phẩm OCOP tinh hoa, phân phối trên toàn quốc, qua các đại lý lớn. Doanh nghiệp mang sản phẩm ở nơi có đến nơi cần; sản phẩm qua các cái phễu, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đại lý đánh giá sản phẩm như thế nào rồi mới đến khách hàng. Đơn vị hiện ký phân phối tới công đoàn các ngành, các trường học vì vậy có hàng triệu khách hàng.
“Chúng tôi lựa chọn sản phẩm trên 3 cái phễu, không chỉ là nhà thương mại thuần tuý, mà còn là nhà tư vấn của các nhà sản xuất, sản phẩm được lựa chọn phải được biết rõ nguồn gốc sản xuất, quy trình sản xuất. Sản phẩm tốt nhưng phải hoàn thiện câu chuyện sản phẩm, chạm được đến cảm xúc của khách hàng, quy trình sản xuất phải chuẩn chỉ, đảm bảo câu chuyện đầu ra, phải quan tâm đến chế biến và chế biến sâu sản phẩm, liên hệ với các doanh nghiệp để làm”- bà Thuỷ nhấn mạnh.
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Điều hành Chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ về xây dựng thương hiệu và quy trình sản xuất. Về kết nối tiêu thụ, chuỗi cửa hàng Bác Tôm và mạng lưới liên kết thực phẩm. Nếu doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thu mua thôi thì sẽ có những mâu thuẫn khi giá cả lên xuống. Bởi vậy cần sự liên kết, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” - ông Chiến nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hoà Bình cho biết, đơn vị cung cấp giống lúa Nhật J02 và mỗi năm mua được 10.000 tấn lúa của Hà Nội. Khi liên kết sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu từ đầu vào đến tiêu thụ với những quy định ngắt nghèo từ diện tích 10ha trở lên, cam kết thu mua, giá cao, sẵn sàng có tiền trả ngay cho nông dân. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng việc lan toả kinh tế tuần hoàn bằng sản phẩm vi sinh chuẩn, cam kết sản phẩm giá rẻ nhất, cung cấp giải pháp cho bà con…
Tại Diễn đàn, các hộ sản xuất và doanh nghiệp đều bày tỏ sự cần thiết của việc tổ chức các diễn đàn khuyến nông với thời lượng nhiều hơn để người sản xuất và doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã ghi nhận những ý kiến trên và thời gian tới sẽ tiếp tục có những chương trình thiết thực, góp phần hỗ trợ người nông dân, hộ sản xuất, HTX bắt tay với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả.
Tại diễn đàn, trong không khí phấn khởi, đã có các hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất được ký kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp, dưới sự chứng kiến của phòng kinh tế huyện Phúc Thọ.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dien-dan-khuyen-nong-thuc-day-lien-ket-chuoi-san-xuat-a174548.html