Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam

(PNTĐ) - Đối với Việt Nam, một đất nước với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị này là vô cùng cần thiết. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, định hướng cho sự phát triển của ngành văn hóa.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời của một vị tiền bối: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Văn hóa tạo nên bản sắc dân tộc, làm giàu đời sống tinh thần của con người và đóng góp vào sự phát triển toàn diện của xã hội. Theo Tổng Bí thư, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Đảng là vô cùng quan trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ văn nghệ sĩ bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

 

Tổng Bí thư khẳng định từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tổng bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ đơn thuần là bảo vệ những di sản vật thể mà còn phải chú trọng đến những giá trị phi vật thể như tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.  Để đất nước phát triển bền vững không chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự mà còn phải dựa vào sức mạnh văn hóa. Đây là nền tảng vững chắc để tạo nên sự phát triển bền vững và toàn diện.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững. Nếu không có văn hóa, xã hội sẽ thiếu đi sự đoàn kết, tinh thần sáng tạo và lòng tự hào dân tộc, văn hóa chính là nguồn lực giúp con người vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực. Văn hóa giúp hình thành nhân cách con người, tạo nên những giá trị đạo đức, tinh thần cao đẹp, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, văn hóa còn là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam - ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

 

Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tích cực chỉ đạo và tham gia các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đề cao việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều định hướng giải pháp quan trọng, cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa. Giáo dục về văn hóa và lịch sử dân tộc cần được chú trọng trong các trường học, từ đó giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời ngăn chặn các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần dân tộc cần được tăng cường, giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc.

Hợp tác văn hóa quốc tế cũng được Tổng Bí thư coi là một giải pháp quan trọng trong việc quảng bá sức mạnh mềm Việt Nam. Các chương trình giao lưu văn hóa, các sự kiện nghệ thuật quốc tế và các dự án hợp tác văn hóa đã được thúc đẩy, góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Việc xây dựng các hệ giá trị chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Những nỗ lực và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển trên trường quốc tế, giúp  văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trong thời đại hội nhập. 

 

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-su-nghiep-phat-trien-van-hoa-viet-nam-a174983.html