“Di sản” bất động sản - năng lượng của Chủ tịch Hà Đô trước khi từ nhiệm

Khi mới thành lập, Hà Đô đi từ con số không về vốn nhà nước, tài sản hầu như không có gì ngoài khu nhà xưởng tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Hà Đô được thành lập năm 1990, tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Năm 2010, Hà Đô chuyển thành mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG.

“Di sản” bất động sản - năng lượng của Chủ tịch Hà Đô trước khi từ nhiệm- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Hà Đô.

Người đặt nền móng cho sự xuất hiện của Hà Đô, cũng là người đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển là ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT công ty.

Xây dựng "đế chế" Hà Đô từ con số không

Năm 1990, thành lập công ty Hà Đô từ con số không về vốn nhà nước, tài sản hầu như không có gì ngoài khu nhà xưởng tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), ông Nguyễn Trọng Thông cùng 8 cán bộ Viện Khoa học công nghệ Quân sự đã miệt mài gây dựng tên tuổi Tập đoàn Hà Đô được như ngày nay.

BĐS là ngành nghề kinh doanh thế mạnh của Tập đoàn trong nhiều năm qua, Hà Đô tập trung khai thác vào các thị trường và phân khúc có lợi thế như các dự án nhà ở của đơn vị quân đội với thế mạnh là doanh nghiệp cổ phần nguồn gốc quân đội.

Tập đoàn thành công trong việc phát triển các dự án liên doanh liên kết đầu tư xây dựng khu đô thị cho các đơn vị Quốc phòng với các dự án đã và đang triển khai như Dự án chung cư Hoàng Quốc Việt cho Cán bộ công nhân viên Viện Khoa học công nghệ Quân sự; khu nhà ở Z751A, B tại quận Gò Vấp, Tp. HCM cho Tổng cục Kỹ thuật; Dự án khu nhà ở Hoàng Văn Thái cho Quân chủng Phòng không - không quân; Dự án Nguyễn Văn Công, Tp. HCM, Dự án Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng...

“Di sản” bất động sản - năng lượng của Chủ tịch Hà Đô trước khi từ nhiệm- Ảnh 2.

Tập đoàn Hà Đô đã đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh nhà.

Tuy nhiên dự án thật sự làm nên tên tuổi của Hà Đô phải kể tới Hà Đô Centrosa Garden được ra mắt vào năm 2016. Tọa lạc tại số 200 đường 3 Tháng 2, Quận 10, Tp.HCM, Khu phức hợp Hà Đô Centrosa Garden có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm thành phố.

Được quy hoạch xây dựng trên khu đất có khuôn viên 68.513,7 m2, Hà Đô Centrosa Garden là khu phức hợp bao gồm khu nhà phố liên kế, 8 tòa căn hộ cao tầng cùng trường học, công viên, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng

Hà Đô đã thành công rực rỡ với dự án này cùng tỉ lệ kinh doanh đạt 100% (gần 2.200 căn hộ) chỉ sau 1 năm ra mắt thị trường.

Sau đó, công ty dần lấn sân sang bất động sản tại các khu đô thị mới, khu nhà ở hiện đại như Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội với 22ha; Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội diện tích 30ha; Dự án quận 2, quận 12, Tp.HCM…

Trong các năm gần đây, dự án Hado Charm Villas tiếp tục giúp tên tuổi của Hà Đô trên thị trường BĐS giữ độ "nóng" sau sự thành công của dự án Hà Đô Centrosa Garden. Công ty ước tính ghi nhận doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng từ dự án này.

Dưới thời ông Thông, Hà Đô ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực, đặc biệt là sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, mỗi năm công ty ghi nhận lãi đạt từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Doanh thu mảng năng lượng vượt mặt bất động sản

Ngoài bất động sản, từ năm 2006, Tập đoàn Hà Đô bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Khi các giai đoạn trước đây, doanh thu của Hà Đô chủ yếu đến từ mảng bất động sản thì sau thời gian dài đầu tư, Hà Đô đã được "hái quả ngọt" từ mảng năng lượng.

Trong những năm gần đây, mảng năng lượng liên tục tăng trưởng mạnh, trở thành nguồn thu chính, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô.

Chứng khoán SSI dự đoán rằng Hà Đô có thể không ghi nhận thêm doanh thu từ mảng bất động sản từ nay đến hết năm 2024.

Lần lượt trong các năm 2022, 2023, doanh thu từ mảng năng lượng đều chiếm từ 60% tới 67% tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, vượt xa so với nguồn thu từ bất động sản.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, tổng doanh thu thuần của Hà Đô đạt gần 848 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản chiếm 37% tổng doanh thu còn mảng năng lượng vẫn chiếm phần lớn với 49% tổng doanh thu, tương ứng hơn 413 tỷ đồng trong một quý.

Hiện Hà Đô đang phát triển mảng năng lượng với tổng công suất 462 MW, bao gồm 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và 98 MWp điện mặt trời (quy đổi khoảng 82 MW).

Doanh nghiệp có 3 dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành gồm: Điện gió 7A công suất 50 WH; Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước công suất 50 WH và Điện mặt trời Hồng Phong 4 công suất 48 WH.

Ngoài ra, có 5 dự án thủy điện đã hoàn thành gồm: Thủy điện Nậm Pông sản lượng đạt 123,3 triệu KWh/năm; Thủy điện Nhạn Hạc có công suất 59 MW, sản lượng đạt 220 triệu KWh/năm; Thủy điện Đăk Mi 2 công suất 147 MW, sản lượng đạt 450 triệu KWh/năm; Thủy điện Za Hưng sản lượng đạt 122,7 triệu KWh/năm; Thủy điện Sông Tranh 4 sản lượng đạt 180 triệu KWh/năm.

Bên cạnh đó, Hà Đô còn 1 dự án đang triển khai là Thủy điện Sơn Nham có sản lượng dự kiến đạt 24,05 triệu KWh/năm.

Đối với mảng thủy điện, Chứng khoán SSI cho rằng thời tiết không thuận lợi sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng năm 2024 của công ty.

“Di sản” bất động sản - năng lượng của Chủ tịch Hà Đô trước khi từ nhiệm- Ảnh 3.

Mảng năng lượng liên tục tăng trưởng mạnh, trở thành nguồn thu chính, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô.

Ngoài ra, về mảng năng lượng tái tạo, công ty chứng khoán cho rằng rủi ro pháp lý của Dự án năng lượng mặt trời Hồng Phong 4 vẫn còn hiện hữu khi chưa được sự chấp thuận của Chính phủ.

Cụ thể, công ty con của Hà Đô là CTCP Hà Đô Bình Thuận đã xây dựng nhà máy Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Dự án cũng vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao.

Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019 được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).

Áp lực đòn bẩy tài chính cao

Tại thời điểm cuối quý I/2024, Tập đoàn Hà Đô có quy mô tổng tài sản là 14.259 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 7.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ là 3.058 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2.394 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp đang gánh trên vai khoản nợ phải trả lên tới 6.766 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024, chiếm 47% tổng tài sản và giảm nhẹ so với đầu kỳ.

Dù vậy, con số này vẫn khiến Hà Đô phải đối diện với áp lực trả nợ khá cao. Quý đầu năm 2024, công ty đã phải bỏ ra tới hơn 94 tỷ đồng để thanh toán chi phí lãi vay.

Trước đó, Hà Đô cũng chia sẻ công ty đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư rất mạnh, do đó phải đẩy mạnh huy động vốn để triển khai đồng thời các dự án năng lượng và bất động sản.

Tổng nợ vay tài chính của công ty đến hết tháng 3/2024 đạt hơn 5.312 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn. Công ty không có vay nợ từ kênh trái phiếu mà gần như toàn bộ là vay nợ từ ngân hàng và một số cá nhân.

“Di sản” bất động sản - năng lượng của Chủ tịch Hà Đô trước khi từ nhiệm- Ảnh 4.

Cơ cấu vay nợ của Hà Đô tính đến hết quý I/2024.

Hà Đô không thuyết minh chi tiết về các khoản vay nợ tại cuối quý I/2024, nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến cuối năm 2023, chủ nợ lớn tại Hà Đô gồm Ngân hàng Woori Việt Nam cho vay dài hạn hơn 728 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV cho vay dài hạn tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng thông qua 3 khoản vay.

Tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là tài sản hình thành từ Dự án Điện gió 7A thuộc quyền sở hữu của Công ty Hà Đô Thuận Nam, tài sản hình thành từ Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 4 thuộc sở hữu của Công ty Sông Tranh 4 và toàn bộ công trình Dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 2 thuộc sở hữu Công ty CP Năng lượng Agrita-Quảng Nam.

Ngoài ra, Vietcombank cũng cho vay dài hạn hơn 383 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là tài sản hình thành của Nhà máy điện Hồng Phong 4 thuộc Công ty Hà Đô Bình Thuận.

Hay như Vietinbank cho vay dài hạn hơn 424 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích phát sinh và bất động sản thuộc Dự án Nhà máy điện mặt trời SP Infra thuộc sở hữu của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam…

Bên cạnh thế chấp các dự án điện gió, thủy điện, Tập đoàn Hà Đô cũng thế chấp các dự án bất động sản tại ngân hàng.

Chủ tịch Hà Đô đã chuẩn bị cho sự chuyển giao thế hệ

Mới đây, ông Thông đã xin từ nhiệm vị trí lãnh đạo đứng đầu tại doanh nghiệp vì tuổi cao, sức yếu. Bên cạnh đó lui về hỗ trợ với doanh nghiệp trong cương vị mới với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT công ty.

Trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 mới đây, ông Thông cũng đã đề cập đến mong muốn chuyển giao việc nắm quyền bền vững cho thế hệ sau.

"Năm nay tôi đã hơn 70 tuổi, trách nhiệm của tôi là chuyển giao càng sớm càng tốt. Cổ đông nên ủng hộ tôi chuyển giao một cách bền vững, như vậy tốt hơn cho cổ đông, hơn là tôi ngồi ở đây", ông Thông khẳng định.

Hiện tại, người sẽ thay thế ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT chưa được công bố.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông có ba người con là Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Trọng Thùy Vân và Nguyễn Trọng Vân Hà.

Trong đó, ông Nguyễn Trọng Minh là người con duy nhất của ông Thông đang nắm giữ vị trí lãnh đạo tại Hà Đô, ông Minh là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc tại Tập đoàn Hà Đô.

Ông Minh sinh năm 1987, có trình độ cử nhân Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Đại học Hamiline – Hoa Kỳ, đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn Hà Đô như Phó Trưởng phòng Tài chính, Trợ lý Chủ tịch HĐQT.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/di-san-bat-dong-san-nang-luong-cua-chu-tich-ha-do-truoc-khi-tu-nhiem-a175389.html