Hôm nọ các báo loan tin, ban tổ chức lễ khởi công sân bay Đồng Hới đã hủy lễ khởi công, và chuyển toàn bộ kinh phí tổ chức lễ cho quỹ khuyến học tỉnh Quảng Bình.
Tin này được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều người.
Lâu nay ở nước ta, các lễ khởi công và hoàn công khá dềnh dang, và cả tốn kém lãng phí.
Tôi nhiều lần được dự những cái lễ như thế, về cứ nghĩ mãi, rằng tại sao chúng ta lại cứ phải tổ chức những cuộc khởi công như kiểu chạy đua với... tiền như thế.
Những công trình lớn, trăm tỉ, ngàn tỉ, trên ngàn tỉ, có lãnh đạo cấp cao dự, làm lễ khởi công đã đành, tới những công trình bé tí, như cái nhà tình nghĩa, cái lớp học, nhiều khi người ta cũng tổ chức lễ khởi công rất rầm rộ.
Và, nó hình thức một cách... khuôn đúc.
Thế nào cũng phải kéo được báo chí dự.
Thế nào cũng căng rạp, thuê bàn ghế, hoa hoét, băng rôn, khẩu hiệu.
Rồi mũ bảo hộ đồng phục.
Rồi những máng cát được chuẩn bị sẵn.
Rồi cán xẻng được quấn sẵn những băng giấy xanh đỏ tím vàng.
Sau những kính thưa, những giới thiệu dài dằng dặc các chức tước danh hiệu, những đứng lên ngồi xuống, sau những diễn văn, những phát biểu long trọng là tới màn... hất xẻng. Xúc cát từ cái máng hất ra ngoài, vài nhát chi đó cùng lúc với pháo hoa phụt lên, là kết thúc lễ khởi công.
À mà chưa hết, màn chính là bữa "cỗ" hoặc tại chỗ hoặc nhà hàng nào gần đấy. Và những túi quà.
Tôi biết nhiều lãnh đạo cũng phản ứng với những kiểu khởi công hết sức hình thức và lãng phí như thế này. Nhưng biết làm sao, khi tới thì... sự đã rồi.
Cũng như chuyện trồng cây của lãnh đạo. Nhiều bác cũng bị đặt vào cái sự đã rồi. Cây đã lớn, trồng sẵn, bác chỉ việc cầm xẻng vẩy vài nhát, rồi cầm cái ô doa tưới, các máy ảnh và quay phim đã đợi.
Một số lãnh đạo đã cương quyết khước từ những chuyện chuẩn bị sẵn như thế. Ông yêu cầu đúng là cây con, và xẻng bình thường chứ không không cần trang trí lòe loẹt. Nhưng cũng rất khó, vì địa phương đã bố trí như thế rồi, giờ không làm cũng khó cho địa phương, lại mang tiếng là... khó tính.
Hệ quả của những chuyện trồng cây là, bây giờ nhiều cây bỏ thì thương vương thì tội, vì bảng đề tên và cây vẫn sừng sững đấy, còn người "trồng" thì hoặc đang trong tù, hoặc đã bị kỷ luật, mất chức.
Vân vi ra chút nữa, là chuyện đi tặng, từ giấy khen bằng khen giấy chứng nhận, tới quà, cả quà từ thiện. Thay vì nhìn thẳng vào người được tặng, chia vui chúc mừng người ta, đằng này lại... nhìn đắm đuối vào ống kính máy ảnh và máy quay phim.
Nó trở thành một... phản xạ ống kính. Ngay đi bỏ phiếu, thay vì nhìn vào cái kẽ bỏ phiếu để thả lá phiếu cho trúng, thì người ta lại cũng nhìn... ống kính.
Thì cuối cùng, tất cả chuyện tôi kể trên, lỗi là tại anh... truyền thông.
Tới mức mà, bây giờ các nghi lễ truyền thống của các đám cưới, đám ma... cũng phụ thuộc anh chụp ảnh, quay phim. Thiêng liêng thế, nhưng nếu các anh ấy chưa kịp quay, chụp, thì là phải... làm lại.
Hồi cưới con gái, tôi yêu cầu các bạn chụp ảnh, là bạn và đồng nghiệp của tôi, rằng quay chụp những gì tôi làm chứ đừng bắt tôi diễn lại nhé. Ông nhiếp ảnh cười cười kể, có cái đám ma, lúc hạ huyệt máy bị kẹt sao đó, chưa kịp chụp, thế là ổng yêu cầu... làm lại.
Anh em chụp ảnh, quay phim trở thành quyền lực trong các sự kiện là như thế.
Nên các cuộc khởi công, hoàn công, các cuộc lễ lạt, trao thưởng, tặng quà... chủ yếu là để... báo công. Mà báo công thì phải có hình ảnh.
Nhất là bây giờ, khi mà mạng xã hội lên ngôi.
Thì đấy, ông Minh Tuệ làm tới năm sáu chuyến ra Bắc vào Nam êm ru, lặng lẽ đi, êm đềm đi, bình tĩnh đi, kiên định đi, tịnh tâm đi..., cả mấy năm trời, cho tới ngày, mới đây, bị mạng xã hội phát hiện. Thế là rối tung rối mù lên.
Nói cho công bằng, nhờ thế mà nhiều người biết tới sự kiện Minh Tuệ, nhưng bản thân ông Minh Tuệ ấy, ông ấy có cần thế đâu. Rất nhiều lần ông ấy năn nỉ mọi người đừng đi theo. Không cấm cản, nhưng cũng không ủng hộ ông làm gì tới đâu, kể cả đi vệ sinh cũng bị quay rồi tung lên mạng.
Trở lại với cái lễ khởi công được hoãn và chuyển kinh phí cho quỹ khuyến học Quảng Bình. Việc hủy lễ khởi công là vì dự kiến thời gian tổ chức trùng với quốc tang, nhưng việc đơn vị thực hiện không cố làm lễ bằng mọi giá vào những ngày sau đấy, mà dành toàn bộ kinh phí khởi công cho quỹ khuyến học là việc làm hết sức đúng đắn và nhân văn.
Không chỉ nhân dân Quảng Bình phấn khởi, mà rất nhiều người trên cả nước đã chia sẻ tin này. Và té ra, đấy là cách truyền thông tốt nhất, không cứ phải dềnh dang lễ lạt cờ hoa cán xẻng quấn giấy màu vân vân, mà chính cách như ban tổ chức đã làm lại cho hiệu quả lớn, và thiết thực.
Nước ta, lãng phí cũng là một căn bệnh. Như cái lễ khởi công ấy, sơ sơ đã tiết kiệm được một trăm triệu để sử dụng đúng chỗ.
Và còn rất nhiều việc nữa, nếu có một chính sách cụ thể về chống lãng phí, tiền lãng phí ấy chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc, cho nước, cho dân...
Nước ta, khổ lắm, rất thích hình thức. Và hình thức thì thường sẽ phải lãng phí. Người ta có lý do để lãng phí.
Ước gì nhân việc làm tốt đẹp của Quảng Bình này, chúng ta nhân ra cho cả nước...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/loi-tai-truyen-thong-a175425.html