Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

(PNTĐ) - Cây mít từ lâu đã gắn bó với hình ảnh ảnh miền quê Bắc Bộ “nhà ngói cây mít”, rất thân thuộc với mỗi người dân ở làng quê. Trái mít dai, mít na… là những giống mít bản địa cho quả chất lượng ngon, năng suất cao, đang được thành phố Hà Nội đưa vào diện bảo tồn, phát triển nguồn gen quý và tiến tới phát triển sản phẩm từ trồng đến tiêu thụ trên thị trường.

Những vườn mít trĩu quả

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Diện tích cây ăn quả của toàn thành phố là 20.359ha; sản lượng 312.374 tấn. Trong đó, diện tích trồng mít hiện là 1.135ha, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm, hiệu quả đạt hơn 280 tỷ đồng/năm. 

Các giống mít được trồng đa dạng, phong phú về chủng loại, bên cạnh các giống mít dai, mít na truyền thống thì có các loại mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ Malaysia, mít ruột đỏ Indonexia… Chất lượng mít được đánh giá trên các tiêu chí về độ giòn, ngọt, mùi thơm. Các giống mít đặc sản truyền thống ở Hà Nội vẫn cho thấy sự vượt trội, ổn định và được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước ưa chuộng hơn.

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 1
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tham quan các gian hàng mít 

Cùng với giá trị về quả, gỗ mít còn được làm đồ thờ, tượng phật ở nhiều nơi, như làng nghề Sơn Đồng huyện Hoài Đức, làng nghề điêu khắc Dư Dụ, huyện Thường Tín, nếp nhà cổ của làng nghề Canh Nậu huyện Thạch Thất... 

Quả mít không chỉ cho ăn tươi mà các múi mít, hạt mít, xơ mít cũng được chế biến thành rất nhiều sản phẩm chất lượng. Nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP như mít khô, mít sấy, làm nguyên liệu các món chè, xôi mít, thạch mít, bánh đúc mít,…

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 2
Cây mít cổ có tuổi đời hơn 300 năm được trồng tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh

Hiện nay, cây mít được trồng nhiều ở một số huyện, thị xã như: Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hoà... Đặc biệt, có 1 cây mít cổ có tuổi đời hơn 300 năm được trồng tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh được công nhận là cây di sản. Thành phố công nhận 28 cây mít đầu dòng, gồm 2 cây mít Na Ba Vì, 8 cây mít dai Cổ Loa - Đông Anh và 18 cây mít dai Sơn Tây. Đây là nguồn cung cấp giống chất lượng cao để mở rộng diện tích trồng cây mít đặc sản trong thời gian tới.

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 3
Các món ăn được chế biến từ quả mít

Để phát triển giá trị của sản phẩm mít, năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả mít tươi được trồng tại thị xã Sơn Tây. Đây là tiền đề giúp người trồng mít Sơn Tây nói riêng, Hà Nội nói chung quảng bá, phát triển kinh tế từ cây mít, sản phẩm chế biến từ mít.

Phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít

Thị xã Sơn Tây là một trong những vùng đất có diện tích trồng cây mít lớn, hàng năm thị xã có, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Hiện nay, thị xã có 105ha trồng mít tại 9/15 xã, phường, trong đó tập trung ở các xã: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Tuy nhiên, việc bảo tồn giống mít, các sản phẩm chế biến từ mít mang giá trị ổn định còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) sẽ góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, nâng cao giá trị cây mít ta trên địa bàn thị xã nói riêng và thành phố nói chung.

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 4
Phần thi mít của xã Cổ Đông, Sơn Tây

Nhiều năm nay, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây nổi tiếng với mít dai thơm ngon. Toàn xã có diện tích trồng mít 40ha, với 30.000 cây, mỗi năm cho sản lượng 2.000 tấn quả. Cây mít đã và đang mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình trồng chuyên canh, với mức thu 300-400 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng phát triển du lịch cộng đồng, dulịch nghỉ dưỡng gắn với thương hiệu mít Cổ Đông, còn với trái mít dai ta thì sẽ xây dựng để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 5
Ông Phùng Xuân Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông giới thiệu cây mít xã Sơn Đông

Ông Phùng Xuân Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, hiện toàn xã có diện tích trồng mít các loại là 15ha. Bên cạnh việc tiêu thụ trái mít tươi thì xã còn phát triển các sản phẩm chế biến từ trái mít là hướng đi tiềm năng của nhân dân địa phương, như: Múi mít sấy, sữa chua mít, chè mít, rượu mít; cùng đó là các sản phẩm từ gỗ mít như: đồ gia dụng, nội thất, đồ thờ được làm từ gỗ mít…

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 6
Bà Lê Thị Loan (xã Sơn Đông, Sơn Tây) giới thiệu cây mít lâu năm

Là hộ trồng cây mít lâu năm ở xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), bà Lê Thị Loan cho biết, việc tiêu thụ mít hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái đến thu mua, thời điểm chính vụ, mít chín nhiều thì giá thấp, thậm chí có thời điểm còn bị ép gía thấp chỉ từ 7.000-1.000 đồng/kg. 

Vấn đề tiêu thụ sản phẩm mít không chỉ thị xã Sơn Tây mà trên toàn thành phố, điều này được lý giải là do sự kết nối giữa người nông dân với nhà phân phối chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Hiện nay, mít chủ yếu tiêu thụ dưới dạng mít tươi nguyên quả; chưa cónhiều sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến sâu. Cùng đó, do quy mô trồng mít vẫn nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị.

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 7
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng lãnh đạo thị xã Sơn Tây tham quan gian hàng có cây mít cổ gần trăm năm

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang rà soát lại diện tích trồng mít, từ đó có định hướng cụ thể về vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và có chính sách hỗ trợ cụ thể về cơ sở hạ tầng. Cùng đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao quy trình sản xuất tiên tiến cho người dân, bảo đảm các yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và hướng đến xuất khẩu.

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon - ảnh 8
Các món ăn được chế biến từ quả mít

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, việc bảo tồn nguồn gen quý về giống mít bản địa luôn được thành phố Hà Nội quan tâm. Các địa phương cũng luôn tạo điều kiện để các hộ trồng mít được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây mít. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục lựa chọn, bình tuyển, quản lý và khai thác hiệu quả cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nâng cao giá trị kinh tế từ cây mít.

“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-ton-va-phat-trien-kinh-te-tu-cac-san-pham-mit-ngon-a175487.html