Tu bổ đúng với hồn cốt của kiến trúc
Liên quan đến các ý kiến trái chiều về việc tu bổ Chùa Cầu (Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang thu hút dư luận những ngày qua, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, mục đích của cuộc tu bổ này nhằm khắc phục những khiếm khuyết, làm cho các công trình kiến trúc được chắc chắn hơn.
"Việc tu bổ Chùa Cầu mang ý nghĩa khang trang, đẹp hơn. Thế nhưng, trước diện mạo mới này lại làm mất đi màu thời gian, mất đi giá trị cốt lõi của di sản kiến trúc", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.
Theo ông Trung, màu sắc và chất liệu rất quan trọng đối với việc tu bổ kiến trúc, sau đó mới đến kỹ thuật và công nghệ.
Song quá trình tu bổ một số đơn vị chỉ chú ý đến yếu tố kỹ thuật làm sao khắc phục được sụt lún, dột nát..., thế nhưng làm sao tu bổ để đúng với hồn cốt của kiến trúc thì sẽ còn tốn kém thời gian, tiền bạc, sự nghiên cứu.
Đây là một thách thức lớn đối với các nhà bảo tồn khi phải cân bằng giữa yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về bảo tồn di sản.
Là người đã trực tiếp nghiên cứu về Chùa Cầu, ông Trung cho rằng, trong công tác tu bổ, cần tận dụng tối đa các vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, ngói.
"Những vật liệu này đã gắn bó với Chùa Cầu hàng trăm năm, chúng mang giá trị vô giá về mặt lịch sử và văn hóa. Chúng ta cần phải cố gắng bảo tồn và tu bổ chúng một cách cẩn thận", PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, nếu những vật liệu đã hỏng hoàn toàn và cần thay mới, thì phải tìm cách chế ra những nguyên liệu tương đương về mặt cấu trúc, chất lượng và hoa văn. Chỉ như vậy, mới có thể giữ được giá trị cốt lõi của di sản kiến trúc Chùa Cầu.
Đưa ra kinh nghiệm từ việc tu bổ các di tích ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trung cho hay, tại đây các chuyên gia đã phải nghiên cứu tỉ mỉ về chất liệu đồng, sành sứ để tìm ra những nguyên liệu tương đương. Với gỗ, gạch, các chuyên gia cũng phải thử nghiệm, đánh giá kỹ càng trước khi tiến hành tu bổ.
"Đó là những bài học quý giá. Chúng ta cần áp dụng kinh nghiệm này vào việc tu bổ Chùa Cầu, để vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, chắc chắn trong công trình", ông Trung nhấn mạnh.
Điều chỉnh màu sơn xung quanh việc trùng tu Chùa Cầu
Trước luồng ý kiến cho rằng Chùa Cầu sau trùng tu trở nên lạ lẫm vì màu sơn quá mới và hiện đại, mới đây Chủ tịch UBND Tp.Hội An đã giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xử lý lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau Chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, Chùa Cầu được xây dựng từ thế kỷ 16, là một trong những di sản văn hóa kiến trúc tiêu biểu của phố cổ Hội An, Quảng Nam. Nơi đây luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính và mê hoặc của những công trình kiến trúc độc đáo.
Tuy nhiên, sau gần 500 năm tồn tại, di tích này cũng không tránh khỏi những hư hại do tác động của thiên nhiên và thời gian. Qua nhiều lần tu bổ, những khiếm khuyết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đến năm 2022, cuộc tu bổ tiếp tục được khởi công.
Sau gần 2 năm che chắn, Chùa Cầu đã lộ diện với diện mạo mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Các hạng mục tu bổ đã được hoàn thành, bao gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...
Tuy nhiên, việc trùng tu cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, diện mạo mới của Chùa Cầu đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong vốn là nét riêng của công trình, khiến cây cầu trở nên lạ lẫm so với trước đây.
"Sau khi trùng tu xong về cảm quan phần gỗ bên trong làm rất tốt, song mặt ngoài của Chùa Cầu chọn màu sơn, vôi ve không hợp lý. Tường đậm mà nóc lại bóng sáng", ông Nguyễn Việt Anh, một người dân cho biết.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách Tp.Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.
Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.
Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dai-trung-tu-chua-cau-lam-mat-di-linh-hon-cua-di-san-a175508.html