Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa...

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 1

Vậy là từ nghề của làng, đến nay xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) được công nhận là nghề truyền thống. Món ăn dân dã, thanh tao của người Hà Nội chính thức thành di sản được giữ gìn. Theo lời kể của Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, công việc làm xôi trước đây chỉ có các chị em phụ nữ làm, vì đây là công việc thể hiện sự khéo léo, kiên nhẫn. Nay thì có cả nam giới, nhiều anh thanh niên cũng theo nghề, thậm chí làm ông chủ, chuyên phân phối xôi cho các nơi. 

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 2
Những đĩa xôi màu sắc đặc trưng của làng xôi Phú Thượng

Trung bình 1 ngày, làng xôi Phú Thượng sẽ sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo, vào các ngày mùng 1, hôm Rằm, Lễ Tết sẽ tăng gấp 2-3 lần. Điều đặc biệt, với người dân Phú Thượng, "xôi" không chỉ là một món ăn, mà còn là nét đẹp văn hóa, là nghệ thuật ẩm thực. Một… "miếng ngon" rời bếp lên phố là sự tỉ mỉ, kỳ công của những người thợ, nghệ nhân từ khâu chọn gạo, nhuộm màu, đồ xôi đến chuẩn bị món ăn kèm, lá gói cho khách…

Thống kê cho thấy, phường Phú Thượng hiện có khoảng 600 hộ nấu xôi, phụ nữ chiếm 95% và nhiều gia đình 5-6 thế hệ nối nghiệp nhau.

Theo chia sẻ của những người làm nghề, gạo nấu xôi là nếp cái hoa vàng, loại gạo có độ dẻo, quánh, hạt mẩy, tròn để khi lên xôi đảm bảo căng, bóng, đạt chuẩn về cả hình thức lẫn hương vị. Xôi không chỉ làm từ gạo nếp đơn thuần mà còn được kết hợp với các nguyên liệu khác, tạo nên nhiều vị khác nhau, từ xôi gấc đỏ tươi, xôi lá dứa xanh thơm mát đến xôi xéo bùi ngậy quyến rũ. Trăm gói xôi mang đến trăm vị lạ, lôi cuốn thực khách cả mùi hương và độ đậm đà.

Xôi Phú Thượng cũng có nét đặc trưng riêng biệt so với các loại xôi khác. Xôi nấu xong được chia ra các thúng riêng, rồi đặt vào các lớp buồm khác nhau. Trên các buồm luôn đậy các vỉ cói để xôi luôn nóng, thơm dẻo và không bị hấp hơi nước. Xôi Phú Thượng được gói trong các loại lá chứ không bao giờ gói trực tiếp bằng giấy báo hay giấy bóng kính. Nếu là xôi Phú Thượng ngon đúng điệu thì chỉ cần nhìn hạt xôi, ngửi mùi hương bay lên là đã nhận ra. Bởi sự thơm ngon, xôi Phú Thượng luôn được rất nhiều người lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết.

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 3

Tại sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra năm 2019 tổ chức tại Hà Nội, xôi Phú Thượng (với các món: xôi ngũ sắc, xôi xéo, xôi vò, xôi chè hoa cau) được lựa chọn là 1 trong 12 món ăn phục vụ tại Trung tâm Báo chí. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng kể: Trong các ngày phục vụ tại Hội nghị, xôi Phú Thượng được nhiều phóng viên quốc tế cũng như trong nước lựa chọn và đánh giá cao về hương vị, cách trưng bày. "Không chỉ ăn vào buổi sáng, nhiều phóng viên lựa chọn xôi cho cả bữa trưa. Nhiều bạn phóng viên ở châu Âu và cả châu Á (nơi nhiều nước cũng có món xôi) tấm tắc khen ngon".

Ngày nay, để lan tỏa, giới thiệu nét tinh hoa, sự cầu kỳ trong cách làm, chế biến món xôi Phú Thượng, nhiều người trẻ nơi đây đã và đang mở lớp dạy làm xôi trực tiếp hoặc qua online. Đây là một trong những hình thức hiệu quả góp phần quảng bá hình ảnh xôi Phú Thượng tới người dân, bạn bè trên mọi miền Tổ quốc. Theo đó, bí kíp làm xôi được hướng dẫn tỉ mỉ dành cho những ai có niềm đam mê về ẩm thực nói chung và món xôi nói riêng. Bằng cách này, những thế hệ trẻ của làng nghề xôi Phú Thượng đang tiếp bước cha ông “giữ lửa” nghề truyền thống; từng bước lan tỏa để xôi Phú Thượng vươn tầm quốc tế.

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 4
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 5

Cũng với tinh thần người trẻ tuổi chung sức lan tỏa nét đẹp và phát huy giá trị nghề truyền thống trên địa bàn, từ cách đây hơn 10 năm, chị Trần Hồng Nhung - người sáng lập Zó Project đã có những bước đi đầu tiên trên hành trình nghiên cứu, tìm hiểu về một nghề truyền thống nay đã thất truyền tại phường Bưởi - nghề làm giấy Dó. Chị Nhung kể: Theo ghi chép trong các tư liệu sử sách, nghề làm giấy Dó của làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi) là nghề thủ công truyền thống nổi danh đất Thăng Long. Tiếng chày giã Dó trở thành nét đặc trưng của đất Kinh kỳ, đã đi vào ca dao và ngấm vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội: "Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Ở nước ta có không ít địa phương làm giấy Dó. Nhưng giấy Dó Yên Thái (phường Bưởi) là sản phẩm độc nhất vô nhị, không thứ giấy Dó nào sánh được.
Trần Hồng Nhung

Chỉ tiếc, việc sản xuất duy trì đến năm 1991, hợp tác xã sản xuất giấy Dó giải thể do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được và nghề làm giấy Dó đã mai một. Hiện, các tư liệu, hiện vật của làng nghề không còn hoặc còn lại rất ít; nghệ nhân, thợ hiểu biết về nghề làm giấy không còn nhiều, tuổi đã cao. Việc chính quyền phường Bưởi và UBND quận Tây Hồ quyết định phục dựng mô hình làm nghề giấy Dó vừa tạo điểm tham quan cho du khách, đồng thời vừa giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

Trong cuộc trò chuyện với báo Phụ nữ Thủ đô vào ngày 13/5 – thời điểm UBND quận Tây Hồ chính thức khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống "làm giấy Dó" của vùng Bưởi xưa tại địa chỉ số 189, phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ), chị Hồng Nhung phấn khích: Được kết hợp cùng phường Bưởi và quận Tây Hồ thực hiện dự án phục dựng làng nghề giấy Dó là một may mắn và hạnh phúc với tôi.

Sau nhiều năm, Zó Project đã gây dựng được 1 hệ sinh thái, cộng đồng và khi có địa điểm này mình sẽ làm "sống" lại được nghề làm giấy Dó truyền thống. Cá nhân tôi đã mong có cuộc điện thoại về sự hợp tác với các anh chị ở đây từ khoảng 10 năm nay; nhưng phải đến tận bây giờ thời cơ và mọi điều kiện mới thực sự "chín" muồi. Và với người thuộc lớp thế hệ trẻ chúng tôi, cơ hội này vô cùng đáng quý; là tiền đề quan trọng để chúng tôi góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong gìn giữ, lan tỏa nét đẹp nghề truyền thống của quận Tây Hồ nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề - ảnh 6
Ngày 13/5/2024, UBND quận Tây Hồ chính thức khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống "làm giấy Dó" của vùng Bưởi xưa.

Theo đó, không gian của điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống "làm giấy Dó" của vùng Bưởi xưa có diện tích hơn 200m2 đất, lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất (8 bước + nơi trưng bày sản phẩm), tranh ảnh, các hiện vật liên quan đến làng nghề. "Đây không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch, nơi giới thiệu về một nghề truyền thống đáng tự hào của người dân vùng Bưởi xưa mà còn là một địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa quận Tây Hồ" - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định.

Đứng trước những thách thức mai một của nghề, một giải pháp hữu hiệu mà phường Bưởi đang triển khai là lồng ghép các nội dung giáo dục về nghề truyền thống trong các cấp học. Những năm gần đây, các tiết học giáo dục lịch sử địa phương tại Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) đặc biệt được chú trọng, trong đó có làng nghề giấy Dó Yên Thái. Theo lãnh đạo nhà trường, mục tiêu hướng tới là thông qua các tiết học, những buổi tham quan trải nghiệm thực tế... thầy cô sẽ giáo dục cho các em học sinh ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử và niềm tự hào về những giá trị truyền thống của quê hương mình".

Đến với điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống "làm giấy Dó", du khách được nghe giới thiệu về quá trình phát triển của nghề sản xuất giấy dó vùng Bưởi xưa; xem phim tư liệu, hiện vật, tranh ảnh, tham quan mô hình tái hiện các công đoạn làm giấy dó và trực tiếp trải nghiệm công đoạn “seo” giấy. Cuối cùng là thưởng thức trà sen hồ Tây và các chương trình nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, tuồng, hát xẩm...

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-2-the-he-tre-chung-tay-lan-toa-gia-tri-lang-nghe-a175553.html