Sáng 30/7, Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Nhiều chính sách mới, quan trọng
Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù số lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm trình Quốc hội tại Kỳ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (25 luật, nghị quyết), với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng.
Có dự án trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp nhưng đã vượt tiến độ, trình theo quy trình 1 kỳ họp như Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi);
Có dự án luật được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định luật vào cuộc sống (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một số luật có thể coi là điểm nhấn quan trọng trong công tác lập pháp tại Kỳ 7 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng cho phép 4 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Qua đó, góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới, tiến bộ, ưu việt của các luật đi vào thực tiễn nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật;
Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…
Hay Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giúp mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo thuận lợi để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu...
Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết 120 nội dung
Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết.
Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.
Sau khi 13 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 717 ngày 27/7/2024).
Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 121 văn bản.
Trong đó một số luật phải ban hành nhiều văn bản như Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (44 văn bản), Luật Bảo hiểm xã hội (14 văn bản), Luật Đường bộ (12 văn bản), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (12 văn bản)…
Đặc biệt, các bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.
"Đến nay, các văn bản đều đã được các bộ hoàn thành việc soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành để kịp thời có hiệu lực đồng bộ với luật", Phó Thủ tướng cho hay.
Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao chính quyền địa phương quy định chi tiết.
Theo đó, chính quyền địa phương phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 120 nội dung, trong đó có 95 nội dung được giao tại 3 luật, 2 nghị quyết và 25 nội dung giao tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1/8/2024).
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát 5 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm để triển khai thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó lưu ý cần sớm hoàn thiện, trình ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kip-thoi-dua-luat-nghi-quyet-duoc-quoc-hoi-thong-qua-di-vao-cuoc-song-a175620.html