Nữ sinh khiếm thị hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà báo

(PNTĐ) - Dù sinh ra với căn bệnh mù bẩm sinh, nhưng với ước mơ trở thành một nhà báo, Tiêu Phương Anh vẫn luôn kiên trì và nỗ lực trên hành trình theo đuổi đam mê của mình.

Nỗ lực bền bỉ của cô gái nhỏ

Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, Tiêu Phương Anh (1996) đã được chẩn đoán teo dây thị giác dẫn đến mù cả 2 mắt từ 7 tháng tuổi. Dù đã chữa trị nhiều nơi, tìm hiểu nhiều phương pháp nhưng phép màu đã không đến với cô gái nhỏ.

Không được tận hưởng trọn vẹn tuổi ấu thơ như những người bạn đồng trang lứa, Phương Anh phải học và luyện tập rất nhiều kỹ năng tự chăm sóc bản thân. 12 tuổi Phương Anh bắt đầu đi học lớp 1 tại trường dành cho trẻ em khiếm thị.

Nữ sinh khiếm thị hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà báo - ảnh 1
Tiêu Phương Anh, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (Ảnh: Ngọc Ánh)

Lên cấp 2, Phương Anh được chuyển sang ngôi trường bình thường. Môi trường học tập thay đổi, phương pháp dạy học học mới, kiến thức nâng cao khiến Phương Anh trở nên nhút nhát và gặp rất nhiều khó khăn.

“Ở ngôi trường bình thường, dù có nhiều vấn đề tôi không hiểu nhưng không dám hỏi. Tôi được xếp ở bàn cuối trong lớp nên cũng không giao tiếp với ai” – Tiêu Phương Anh chia sẻ.

Vì chương trình học nặng hơn, Phương Anh dành rất nhiều thời gian để học ở nhà. Thời gian đó, bà là người đã đồng hành cùng cô trong việc học. Không chép được bài trên lớp, cô chủ động mua thêm sách, nhờ bà đọc và mình sẽ chép bằng chữ nổi.

“Tối nào hai bà cháu cũng cùng nhau học. Bà cần nghỉ ngơi nên sẽ thức đọc sách cho tôi đến 12 giờ đêm, còn tôi sẽ thức đến 2-3h sáng để học và ôn tập bài trên lớp” - Phương Anh tâm sự.

Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình học tập, việc bị các bạn trêu ghẹo vì sự khác biệt của mình ở môi trường mới là điều khó tránh khỏi. Áp lực từ môi trường học mới, cộng thêm những lời nói không hay từ phía hàng xóm đã khiến một cô gái nghị lực như Phương Anh tưởng chừng bị “trầm cảm”.

Song, với sự nỗ lực và quyết tâm “nhất định phải học đại học”, cùng với sự đồng hành của bà, Tiêu Phương Anh đã tốt nghiệp cấp 3 với kết quả xuất sắc.

Hành trình trở thành nhà báo tương lai của cô gái đầy nghị lực

Ước mơ trở thành nhà báo tương lai xuất phát từ việc ham mê đọc sách, báo của Phương Anh. Với cô gái nhỏ, sách, báo chính là người bạn thân nhất của mình, dù không thể nhìn thấy, nhưng cô vẫn có thể hình dung, tưởng tượng mọi bức tranh sinh động của cuộc sống theo cách của riêng mình.

“Mỗi lần cầm điện thoại hay máy tính, tôi chắc chắn sẽ đọc báo. Những chuyên mục Văn hóa, Giải trí có thể khiến tôi hình dung được thế giới đầy màu sắc ngoài kia” - Phương Anh tâm sự.

Thời điểm vào đại học, lo ngại điểm chuẩn của ngành Báo chí cao, Phương Anh đã lựa chọn ngành Văn hóa học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) để chắc chắn mình sẽ vào đại học.

Ước mơ vẫn ở đó, sau khi vào trường, Phương Anh quyết định học thêm và đã hoàn thành chứng chỉ nghiệp vụ báo chí. Đó như bàn đạp để sau 2 năm khi theo học ngành Văn hóa học, Phương Anh đã đăng ký học bằng kép Báo chí.

Lịch học khi đó của Phương Anh rất bận rộn, phải học song song 2 bằng, một kỳ học từ 30 tín chỉ trở lên, có những ngày học từ 7h đến 18h. Không có sách nổi, Phương Anh phải tìm cách tiếp cận những bản có PDF và vào trình đọc màn hình trên máy tính dành cho người khiếm thị.

“Có những tài liệu không có file PDF, tôi phải nhờ bạn bè scan từng trang rồi đổi sang định dạng PDF. Chi phí scan sách khá tốn kém, thậm chí lên đến khoảng 10 triệu/năm” - Phương Anh chia sẻ.

Trong quá trình học ở trường, cô đều ghi âm lại bài giảng để về nhà nghe lại, viết xuống bằng chữ nổi và tự ghi chép theo cách riêng của mình. Điểm trung bình học tập kỳ gần nhất của cô chuyên ngành báo chí đạt 3.9/4.

Nhận xét về cô học trò đặc biệt, TS. Đỗ Anh Đức, giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Phương Anh là một sinh viên có nhiều ý tưởng, ham học hỏi, không bao giờ than thở, than khó, hay lấy khiếm khuyết của mình như một yếu tố cần được ưu tiên.

Mới đây, Phương Anh dành được giải Khuyến khích nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên cấp viện với chủ đề podcast. Không xem đôi mắt là rào cản, Phương Anh chia sẻ: "Mình sẵn sàng tác nghiệp, tới dự sự kiện và lấy thông tin như những phóng viên khác".

Nữ sinh khiếm thị hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà báo - ảnh 2
Tiêu Phương Anh tại triển lãm "Dân gian trong gen Z" (Ảnh: NVCC)

Dù không nhìn thấy nhưng cô rất chăm tham gia các sự kiện và diễn đàn. Trước khi tham gia một sự kiện nào đó, nữ sinh chủ động liên hệ với ban tổ chức, đọc những thông tin, bài viết liên quan đến sự kiện để hình dung được khung cảnh và nội dung sự kiện đó. Phương Anh cho biết, bản thân không muốn mọi người e ngại vì mình là người khiếm thị nên giao việc nhẹ, cô tự tin bản thân có thể làm tốt vai trò là một phóng viên.

Tất nhiên, vẫn có điều khiến Phương Anh cảm thấy tiếc nuối. Đối với những bộ môn liên quan đến loại hình truyền hình, hay những môn như Ảnh báo chí, Truyền thông thị giác, cô không thể cảm nhận hoàn toàn được những điều thú vị và hay ho từ những bộ môn này.

“Tôi thích cái cách Phương Anh khiến cho mọi người tin vào việc học tập và tri thức chính là lĩnh hội nguồn ánh sáng thực sự, thông qua việc em yêu những việc mình làm, và đặt để tâm trí vào từng môn học”- thầy Đức chia sẻ.

“Khiếm thị đâu phải lỗi của mình”

Chia sẻ về hành trình chông gai của mình, Tiêu Phương Anh cho biết mình chưa bao giờ cảm thấy tủi thân, mình càng để tâm đến khiếm khuyết của mình thì sẽ càng thấy buồn. Quan trọng là mình hiểu, học cách chấp nhận và sống là chính mình.

Về dự định tương lai, nữ sinh cho biết mình muốn học Thạc sĩ Báo chí vì bản thân thích khám phá, đam mê nghiên cứu chuyên ngành này và muốn theo đuổi ước mơ của mình một cách nghiêm túc và chắc chắn.

“Khi đã quyết tâm theo đuổi đam mê thì tôi sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được, không để những lời nói xung quanh làm ảnh hưởng đến mục tiêu của bản thân” – Phương Anh nói.

“Tôi không muốn nói về đôi mắt của Phương Anh, điều tôi muốn mọi người có thể cảm nhận chính là năng lượng và “ánh sáng đặc biệt” từ bạn ấy. Với tôi, Phương Anh chính là người truyền cảm hứng cho người khác”.

TS. Đỗ Anh Đức (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông)

Dám ước mơ, dám thực hiện” là thông điệp mà Phương Anh muốn gửi đến những người có khiếm khuyết như mình. Chỉ cần mình sống là chính mình, có mục tiêu, có ước mơ và hết mình vì điều đó, chúng ta sẽ nhận được những thành quả xứng đáng.

Không chỉ truyền cảm hứng cho những người ở cộng đồng người khuyết tật, Tiêu Phương Anh còn là một tấm gương sáng cho những người trẻ, không vì thử thách mà từ bỏ ước mơ, không vì những lời gièm pha mà phải thay đổi bản thân mình.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nu-sinh-khiem-thi-hien-thuc-hoa-uoc-mo-tro-thanh-nha-bao-a175802.html