Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân cùng những kết quả mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đạt được là kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch công đoàn ngành từ năm 2018, chị Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1980 Ủy viên BTV Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, Ủy viên BCH Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Ngành Xây dựng Hà Nội luôn tận tâm, tận lực, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức hoạt động công đoàn. Chị đã tham gia hướng dẫn được 86/91 (đạt 94.5%) doanh nghiệp trực thuộc ký Thỏa ước lao động tập thể. Năm 2022, 2023, Công đoàn ngành đã thành lập mới 07/04 công đoàn cơ sở, đạt 175% chỉ tiêu giao; phát triển 1.131/508 đoàn viên, đạt 223% chỉ tiêu giao. Chị cũng có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao như “Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, hướng về Công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Sáng kiến đã đem lại hiệu quả khi Công đoàn Ngành đã quan tâm chăm lo công nhân viên chức lao động trong các dịp lễ, Tết với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ hồ sơ vay vốn cho đoàn viên, người lao động nghèo với số tiền cho vay lên tới trên 1 tỷ đồng.
35 năm tuổi đời thì đã có 14 năm là Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Giày ADORA Việt Nam, chị Đinh Thị Tâm luôn hết mình chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Chị đã chủ động tham mưu và đề xuất để Công ty đưa ra những chính sách phúc lợi mới nhằm khích lệ động viên người lao động. Cụ thể như năm 2022 đã tăng 20.4% lương cơ bản vượt mức quy định của Nhà nước, tăng tiền trợ cấp giao thông từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/người/ngày; tăng tiền cơm ca từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng/người/suất, đưa tổng thu nhập bình quân của người lao động tăng, bình quân đạt gần 7,6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị còn chủ động giám sát, tham gia cùng doanh nghiệp sửa đổi Nội quy lao động phù hợp với quy định và nguyện vọng chính đáng của NLĐ hay thương lượng với người sử dụng lao động ký kết Thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động như: thưởng tháng lương 13 cho người lao động bằng một tháng lương cơ bản của từng người; 100% lao động nữ trong độ tuổi hành kinh được chi trả thêm 1.5 giờ làm việc/tháng; lao động nam và nữ có con dưới 6 tuổi hỗ trợ tiền gửi trẻ cho cả vợ và chồng số tiền 50.000 đồng/con/tháng.
Đó là 2 trong số 10 gương mặt cán bộ công đoàn tiêu biểu toàn quốc vừa được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Đây là giải thưởng cao quý mang tên nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, người đã giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam giai đoạn 1977-1980. Các cán bộ công đoàn tuy khác nhau về tuổi đời, vị trí công tác, thời gian gắn bó với tổ chức Công đoàn, lĩnh vực, địa bàn hoạt động nhưng đều có chung sự gắn bó máu thịt với đoàn viên, người lao động, lo nỗi lo, vui niềm vui của họ, được đoàn viên và người lao động ủng hộ, tin yêu, được lãnh đạo các cấp tin cậy. Thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, các anh, chị đã giúp đoàn viên, người lao động thêm hiểu, tin yêu và gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những cơ hội mới, thách thức mới và cả yêu cầu mới cho Công đoàn. Cùng với quá trình phát triển, số lượng doanh nghiệp và người lao động tiếp tục tăng nhanh. Bên cạnh cơ hội về việc làm, tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao phúc lợi, an sinh, doanh nghiệp và người lao động cũng đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, đứng vững được trong thị trường và phát triển doanh nghiệp. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục khẳng định được vai trò nòng cốt, quan trọng, trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024), đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yêu cầu trong giai đoạn mới, tổ chức Công đoàn và mỗi cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; trên cơ sở đó phát triển tổ chức, phát triển đoàn viên, sao cho tổ chức Công đoàn phải có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất tại các doanh nghiệp, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với hàng chục triệu người lao động Việt Nam.
Nhiệm vụ trong giai đoạn mới khá nặng nề, nhưng chắc chắn rằng, tiếp nối truyền thống của các thế hệ tiền bối đi trước, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu lao động, sản xuất, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tổ chức Công đoàn cũng sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lo-noi-lo-vui-niem-vui-cua-doan-vien-nguoi-lao-dong-a175806.html