Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Đang làm cho một công ty nước ngoài với mức lương ổn định, anh nông dân Phạm Trung Hiếu "quay xe" bỏ phố về quê nuôi con vừa ăn cỏ, vừa nghe nhạc thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Trước khi bén duyên với công việc nhà nông, anh Phạm Trung Hiếu, 43 tuổi, trú tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã từng làm công nhân sản xuất bao bì cho một công ty nước ngoài với mức thu nhập khá ổn định. Sau khi có chút vốn, anh Hiếu "quay xe" bỏ việc, chuyển sang làm nông nghiệp.

Tận dụng không gian trống khu vực trang trại nuôi trồng thủy sản rộng gần 10ha, anh Hiếu đã trồng cỏ voi và bỏ nhiều tỷ đồng đầu tư chuồng trại để nuôi gần 300 con dê boer.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 1.

Trang trại nuôi dê của anh nông dân Phạm Trung Hiếu ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Hiếu chọn dê boer để nuôi vì dòng này có tốc độ sinh trưởng và cho lượng thịt cao hơn "dê cỏ" truyền thống mà người dân vẫn hay nuôi. Đây là giống dê có nguồn gốc từ Nam Phi, với đặc điểm nổi bật là lớn nhanh và cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường và thịt chứa nhiều chất béo, theo Nông nghiệp.

Trong các giống dê hiện đang được nuôi trong nước thì giống dê boer có nhiều ưu điểm, dê trưởng thành trọng lượng bình quân đạt từ 47-52 kg, 1 con dê cái nuôi từ lúc đẻ ra cho đến khoảng 6 tháng là có thể sinh sản, từ năm thứ 2 bình quân mỗi lứa sẽ đẻ ổn định từ 2-3 con. Mỗi một con dê đực có thể phối giống cho khoảng 25 con dê cái.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 2.

Anh nông dân Phạm Trung Hiếu bên trang trại dê boer

Khác với giống dê cỏ, dê núi được nuôi chủ yếu bằng hình thức bán chăn thả thì gia đình anh nuôi dê nhốt hoàn toàn. Hệ thống chuồng trại được làm công phu, cao 1,8m, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt.

"Dòng dê này nhiều sữa, sinh sản ổn định và cho lượng thịt nhiều hơn, ví dụ với dê cỏ, 10 cân hơi mới cho được 4kg thịt nhưng dê bo bin thì 10kg hơi có thể cho từ 5-6 kg thịt", anh Hiếu thông tin.

Về phòng dịch bệnh, anh Hiếu chia sẻ, dê vốn là loài ăn tạp lại ít bệnh tật, chỉ cần chuồng trại cao ráo, bảo đảm vệ sinh, chú ý che chắn cho dê vào mùa đông, tiêm định kỳ các loại vacxin phòng bệnh truyền nhiễm.

Bệnh chủ yếu ở dê là bệnh đường hô hấp, đường ruột và bệnh ký sinh trùng khi vào mùa đông, mùa hè - thu có mưa, độ ẩm cao. Dê không ưa độ ẩm cao hay nhiệt độ thấp, nên chuồng trại luôn phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, ổn định về nhiệt độ.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 3.

Trang trại dê boer vừa ăn cỏ vừa nghe nhạc của anh nông dân Phạm Trung Hiếu.

Nuôi dê bệnh cấp tính nhất là bệnh chướng hơi, bệnh này xuất phát từ việc cắt cỏ vào sáng sớm còn đọng sương, dê ăn vào bị chướng hơi, trong vòng 5-10 phút nếu không xử lý được con dê sẽ chết ngay. Trong trường hợp dê bị chướng hơi, chỉ cần mua cocacola đổ vào mồm, dê ợ ra rồi sẽ đỡ.

"Nuôi dê sợ nhất là vào mùa đông, cần che kín chỉ để hở sàn để đảm bảo thông thoáng. Bên cạnh đó, hàng năm tôi sẽ tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng 1 lần với các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm hoại tử. Đây là những vắc xin cần thiết, khi tiêm đủ thì dê lúc nào cũng khỏe", anh Hiếu chia sẻ thêm.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 4.

Nguồn thức ăn cho dê được chủ động từ cỏ voi. Ảnh: Đinh Mười.

Khi tham quan mô hình nuôi dê của anh Hiếu, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là dê ở đây được nghe nhạc và khá "lành", ít xô đàn.

Chia sẻ thêm về việc cho dê nghe nhạc, anh Hiếu cho biết, là do xuất phát từ sở thích nghe nhạc của riêng bản thân, anh áp dụng thử cho đàn dê của gia đình thì quả nhiên thấy dê thích nghi khá tốt với âm thanh lạ phát ra.

"Cứ thế, khi quen dần, đàn dê của nhà tôi không còn nhảy nhót lung tung mỗi khi có người vào hay có tiếng động lạ như trước, chúng trở nên hiền hòa hơn, ăn uống tốt hơn" – anh Hiếu nói.

Hiện, anh Hiếu đang sở hữu khoảng 12 ao cá nước ngọt truyền thống, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá các loại. Một đàn dê trên 200 con, trong đó có hơn 100 con sinh sản. Mỗi năm anh xuất bán từ 8 – 9 tấn dê thương phẩm, với giá từ 100.000 – 140.000 đồng/kg, anh thu về trên 300 triệu đồng/năm.

Về thức ăn cho dê boer bao gồm nguồn thức ăn từ rau, cỏ và thức ăn tinh như: cám, ngô, sắn,... Mỗi ngày cho dê ăn 2 lần, mỗi lần cho ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể, trong đó thức ăn tinh chiếm 10% trong tổng khối lượng cho dê ăn, điều quan trọng nhất là thức ăn phải khô và sạch thì dê mới phát triển nhanh và ít bệnh.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 5.

Anh Hiếu điều khiển hệ thống tự động nâng hạ thức ăn cho dê. Ảnh: Đinh Mười.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê, anh Hiếu tận dụng những khu đất trống rộng mênh mông ở trang trại để trồng cỏ voi tổng diện tích hơn 1ha. Giống cỏ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị với dê, nhất là khi trộn thêm các phụ phẩm như ngô, cám,… mỗi 1ha trồng cỏ cung cấp đủ thức ăn cho khoảng 300 con dê.

Do hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn là cỏ voi ở trang trại và thêm một chút bã bia, không cho ăn cám công nghiệp nên thịt dê săn chắc và ngon. "Với công suất 2 năm đẻ 3 lứa thì dê nái lúc nào cũng khỏe, mỗi lần đẻ cho ổn định từ 2-3 con.

Tính bình quân mỗi năm tôi sẽ tăng đàn thêm được 150 con. Với trọng lượng từ 30-40kg/con và giá thị trường như hiện nay, trung bình mỗi con dê tôi lãi tiền triệu trong vòng từ 8-9 tháng", anh Hiếu bộc bạch.

Anh nông dân bỏ phố về quê nuôi con thích nghe nhạc, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm- Ảnh 6.

Dê boer tăng trưởng nhanh và cho lượng thịt nhiều hơn dê "cỏ". Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, huyện An Lão cho biết: Mô hình nuôi dê của anh Hiếu được triển khai quy mô, khép kín và hiện đại, mang lại hiệu quả thiết thực, mở hướng phát triển kinh tế mới, cũng như thay đổi tư duy về xây dựng mô hình kinh tế cho các hộ dân trong xã, theo Dân việt.

Mô hình nuôi dê nhốt đã mở ra hướng chăn nuôi mới, và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế giúp người dân giảm nghèo bền vững, thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân nhân rộng.

KHÁNH LINH (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/anh-nong-dan-bo-pho-ve-que-nuoi-con-thich-nghe-nhac-thu-lai-hang-tram-trieu-dongnam-a175838.html